Aa

"Không có cơ chế phù hợp cho doanh nghiệp xây dựng, 5 năm nữa sẽ không còn nhà thầu"

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Bảy, 04/05/2024 - 06:00

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, nếu không thì khoảng 5 năm nữa sẽ không còn nhà thầu vì càng làm càng lỗ, nợ càng ngày càng nặng nề.

Nhà thầu vướng ở rào cản pháp lý

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xây dựng nói riêng đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc trước những rào cản phát sinh từ các quy định của pháp luật. Ngành xây dựng chiếm 7% GDP cả nước với khoảng trên 3000 doanh nghiệp xây dựng đang hoạt động.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, khi luật pháp của ngành xây dựng vẫn chưa bám sát được tính chất đặc thù "làm trước trả sau" của ngành, tức là vay tiền - mua vật liệu - làm xong rồi mới được tính tiền. Vậy nên các doanh nghiệp xây dựng hiện nay cần có được cơ chế phù hợp hơn.

"Không có cơ chế phù hợp cho doanh nghiệp xây dựng, 5 năm nữa sẽ không còn nhà thầu"- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC). (Ảnh: Nhật Bắc - Báo Đầu tư)

"Có thể nói, từ năm 1995 trở về trước, dòng vốn đầu tư chủ yếu của Nhà nước, chính vì vậy, tất cả các luật của ngành xây dựng được căn cứ vào đầu tư công. Điều này dẫn đến hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu chỉ chỉ bảo vệ quyền lợi một phía", ông Hiệp nói.

Trong quy định nhà thầu để tham gia đấu thầu, đầu tiên phải có bảo lãnh dự thầu để nhà thầu không bỏ ngang. Sau khi trúng thầu, bảo lãnh thứ hai là phải bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Bảo lãnh thứ ba là bảo lãnh tạm ứng. Bảo lãnh thứ tư là bảo lãnh bảo hành công trình. Như vậy có thể thấy, hàng rào pháp lý đối với nhà thầu xây dựng rất chặt.

Còn với chủ đầu tư, hoàn toàn không có điều khoản trách nhiệm hay bảo hành gì.

Cho đến nay, đầu tư tư nhân chiếm khoảng 48% tổng mức đầu tư ngành của toàn xã hội nhưng tất cả các hợp đồng, các nhà đầu tư tư nhân vẫn vận dụng theo chế độ đầu tư công, bởi từ tư duy rằng Nhà nước bỏ vốn ra làm, mà Nhà nước thì không cần bảo lãnh. Vì vậy, tất cả các hợp đồng xây dựng ký giữa chủ đầu tư tư nhân và nhà thầu xây dựng cũng không có bảo lãnh. Từ đó dẫn đến vấn đề các công trình xây dựng hiện nay khoảng 70 - 80% giai đoạn đầu không gặp vướng mắc gì, nhưng 20 - 25% giai đoạn cuối cùng, ước tính 10 công trình thì 8 công trình gặp phải rắc rối, không thu được tiền đúng tiến độ.

Chủ tịch VACC cho biết thêm: "Hậu quả dẫn đến là công nợ của các nhà thầu rất lớn, chúng tôi đánh giá hiện nay trong số các nhà thầu xây dựng Việt Nam, có khoảng 85% các nhà thầu đều có công nợ. Bởi các nhà thầu phải vay tiền ngân hàng để mua nguyên vật liệu, thậm chí trả công công nhân. Thế nhưng tiền của chủ đầu tư thì không thanh toán được".

Điển hình cho vấn đề công nợ, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta là công ty nằm trong top 5 của lực lượng xây dựng Việt Nam đã thực hiện công trình ở đường Lê Trọng Tấn – Hà Nội. Công trình hoàn thiện từ năm 2017, đến năm 2024 vẫn còn nợ 67 tỷ đồng không thể thu về được, trong khi đó hợp đồng khoảng 340 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã xử lý bằng cách nhờ trọng tài kinh tế giải quyết nhưng không được, tiếp đó có đơn kiện đến toà án quận Thanh Xuân từ 2021 nhưng luôn bị xin hoãn đến hiện giờ. Bài toàn lãi suất số tiền 67 tỷ đồng từ năm 2017 cho đến này là con số không hề nhỏ, chưa kể những lúc lãi suất chạm mức 11 – 12%/năm.

"Không có cơ chế phù hợp cho doanh nghiệp xây dựng, 5 năm nữa sẽ không còn nhà thầu"- Ảnh 2.

Khoảng 85% các nhà thầu xây dựng Việt Nam hiện nay đều có công nợ. (Ảnh minh hoạ: Hoa Binh Construction Group)

Một ví dụ khác, Tập đoàn xây dựng Hoà Bình nằm trong top 5 công ty xây dựng ở những năm 2018 - 2019 nhưng hiện nay tổng nợ phải trả là 15.000 tỷ đồng. Trong đó nợ phải thu là 10.000 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 25%.

"Từ tình hình thực tế của các doanh nghiệp, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã kiến nghị rất nhiều lần từ luật Xây dựng, luật Đấu thầu là cần có cơ chế bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng. Nếu không có cơ chế phù hợp cho các doanh nghiệp xây dựng, tôi e rằng 5 năm nữa sẽ không còn nhà thầu, vì càng làm càng lỗ, nợ càng ngày càng nặng nề", ông Hiệp chia sẻ.

Cuộc cạnh tranh, phá giá để tồn tại

Có thể thấy, hiện nay hàng loạt những khó khăn "bủa vây" các nhà thầu. Đứng trước hoàn cảnh đó, vấn đề liên quan đến hợp đồng, cạnh tranh, phá giá… đang làm nhiều nhà thầu điêu đứng. Tình trạng giảm giá sâu để trúng thầu khiến nhà thầu có khả năng không thực hiện đúng cam kết, "ăn bớt" các loại vật tư, vật liệu, nhân sự hay hạng mục công trình trong những trường hợp giảm giá quá sâu. Giá nguyên vật liệu tăng quá mạnh gây nên sự cạnh trạnh không lành mạnh giữa các các nhà thầu. Nguyên nhân được cho là bởi thị trường quá căng thẳng, khó khăn trong công ăn việc làm dẫn đến có những gói thầu giảm đến 75%, khiến bản thân công trình cũng không được đảm bảo chất lượng tốt nhất. 

Trong bối cảnh khó khăn, việc các nhà thầu cạnh tranh gay gắt để có việc làm là tất yếu. Tuy nhiên, tình trạng chạy đua đại hạ giá để trúng thầu, bất chấp thua lỗ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho chính nhà thầu và chất lượng công trình. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng về chống cạnh tranh, phá giá.

Là một chuyên gia trong "làng" xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp phân tích: "Một nhà thầu nếu thực hiện nghiêm chỉnh thì sẽ thu về mức lãi 4 - 5% so với dự toán. Nhưng hiện nay nếu bị chậm thanh toán hay một số vấn đề khác thì lãi càng mỏng đi. Nếu nhà thầu giảm giá đến 10%, có 3 giả thuyết đặt ra, thứ nhất – nhà thầu đã bớt từ tiền công ít nhất 5 - 6%, thứ hai – nhà thầu bớt xén chất lượng công trình, thứ ba – nhà thầu chấp nhận lỗ. Hiện nay, nhiều nhà thầu xác định thà lỗ để tồn tại, có dòng tiền vào."

"Không có cơ chế phù hợp cho doanh nghiệp xây dựng, 5 năm nữa sẽ không còn nhà thầu"- Ảnh 3.

Giá nguyên vật liệu tăng quá mạnh gây nên sự cạnh trạnh không lành mạnh giữa các các nhà thầu. (Ảnh minh hoạ)

Tình hình kinh tế Việt Nam quý I/2024 được đánh giá có sự phát triển khi GDP tăng 5,66% so với quý I/2023, trong đó dẫn đầu là ngành công nghiệp và ngành xây dựng. Cùng với đó, tổng mức đầu tư về đầu tư công năm 2024 lên đến khoảng 652.000 tỷ đồng. Tuy nhiên có một nghịch lý là các công ty xây dựng làm hạ tầng kỹ thuật thì có "công ăn việc làm", còn những công ty không làm về hạ tầng kỹ thuật, chỉ làm xây dựng dân dụng thì rất "đói" việc.

Tiền lương cũng là vấn đề bất hợp lý được Chủ tịch VACC đề cập tới. Thực tế, về lương kỹ sư, ví dụ lương định mức 6 triệu đồng, tuy nhiên với đặc thù ngành xây dựng phải làm việc trên công trường nắng mưa thì liệu có ai đồng ý làm với mức lương đó hay không? Để làm được, nhà thầu buộc phải bỏ thêm chi phí để tăng lương.

Hay với người lao động tại các công trình, dự án đang nhận mức lương thấp hơn rất nhiều so với số tiền họ có thể kiếm được tại quê nhà. Trong bối cảnh hiện nay, các khu công nghiệp nở rộ, người lao động thay vì "tha hương cầu thực", họ có thể lựa chọn sinh sống và làm việc tại địa phương với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với mức tiền này, người lao động vẫn đủ trang trải cho cuộc sống. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhà thầu có thể thiếu hụt nguồn cung lao động trong tương lai.

Bước qua quý I/2024, những tín hiệu lạc quan từ thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành xây dựng có những chuyển biến tích cực hơn. Đây cũng là động lực quan trọng giúp thanh khoản thị trường bất động sản nhanh chóng phục hồi. Khi đó, các giao dịch sẽ được thiết lập, doanh nghiệp bất động sản có khả năng thanh toán, đồng thời các nhà thầu xây dựng cũng có cơ hội được giải quyết nợ đọng. Bên cạnh đó, thông tin nhiều công trình hạ tầng lớn, dự án quy mô được xúc tiến khởi công, triển khai xây dựng trong năm nay cũng bảo đảm công việc dồi dào cho các doanh nghiệp xây dựng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top