Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là động lực cho mô hình tăng trưởng giai đoạn mới
Tại Diễn đàn, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam khẳng định: Trong giai đoạn phát triển mới, kinh tế xanh cần được xem là động lực chủ chốt của mô hình tăng trưởng mới, bền vững.
Trong đó, kinh tế xanh không thể tách rời với chuyển đổi số, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, vì bản thân khái niệm kinh tế xanh đã bao hàm cả những nội dung đó. Đồng thời, triết lý tăng trưởng xanh phải tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi các hệ quả tiêu cực như phát thải khí nhà kính, khai thác tài nguyên quá mức và ô nhiễm môi trường.

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Đức Bách)
Về chính sách, Việt Nam đã có nhiều cơ sở pháp lý quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg; hay Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn theo Quyết định 687/QĐ-TTg năm 2022…Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc thực thi vẫn còn hạn chế và chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.
Hiện tại, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đang ở giữa giai đoạn 1 và 2 - tức từ tăng trưởng dựa vào tài nguyên chuyển dần sang tăng trưởng dựa vào hiệu quả. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cần nhanh chóng bước vào giai đoạn 3, là giai đoạn của tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, nếu không “sẽ không theo kịp các nước”.
Song thực tế cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam vẫn gắn với phát thải khí nhà kính ở mức cao; tăng trưởng chưa đi đôi với tiêu dùng bền vững bởi còn phụ thuộc vào tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh cũng đang gặp những rào cản lớn, như thể chế chưa theo kịp yêu cầu chuyển đổi xanh; đầu tư tài chính cho công nghệ xanh còn hạn chế, nhất là từ khu vực tư nhân; văn hóa tiêu dùng chưa “xanh hóa”; lối sống xanh chưa thực sự hình thành; và nhiều chính sách “xanh hóa sản xuất” vẫn đang ở trên giấy.
“Tăng trưởng xanh, phát triển theo chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu. Vì vậy, điều cần nhất hiện nay là tầm nhìn của người lãnh đạo và năng lực tổ chức thực thi của bộ máy.
Nếu đầu tư đúng mức cho tăng trưởng xanh, Việt Nam không chỉ tạo ra động lực phát triển mới, mà còn có thể tăng tốc, rút ngắn khoảng cách và đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người trong tương lai gần”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng
Đi sâu vào động lực phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, PGS.TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng để Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu. Đây là con đường tất yếu, nhưng không dễ, bởi suốt nhiều năm qua, dù nhiều lần đặt mục tiêu phát triển khoa học - công nghệ, thì kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Vì vậy, theo PGS.TS Lê Xuân Bá, vấn đề là phải dũng cảm nhìn thẳng vào nguyên nhân khiến lĩnh vực này chưa phát triển như mong muốn. Trước hết, đầu tư nhà nước cho khoa học - công nghệ còn thấp là một thực tế. Nhưng nếu chỉ tăng đầu tư thì chưa đủ, mà quan trọng hơn là phải thay đổi cách làm. Nhà nước cần xác định rõ đầu tư vào đâu, ưu tiên lĩnh vực gì và theo phương thức nào để tạo ra hiệu quả thực chất, tránh dàn trải, hình thức.
Thứ hai, khoa học - công nghệ không thể phát triển nếu thiếu con người. Vì vậy, giáo dục và đào tạo cần được cải cách sâu rộng. Phải trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bởi “không có cạnh tranh thì không thể có chất lượng”. Song song với đó, cần tạo môi trường để phát hiện, nuôi dưỡng và giữ chân nhân tài, đồng thời thúc đẩy các tổ chức có năng lực đổi mới một cách chủ động.
Thứ ba, PGS.TS Lê Xuân Bá cũng nhìn nhận, Việt Nam chưa có truyền thống mạnh về phát triển khoa học - công nghệ, nên hành lang pháp lý còn chưa đầy đủ. Do đó, trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chúng ta có thể đi nhanh, nhưng không thể “đốt cháy giai đoạn”. Điều quan trọng là khơi dậy tinh thần khoa học - công nghệ trong toàn xã hội.
Bày tỏ kỳ vọng vào quá trình cải cách thể chế đang diễn ra, ông nhấn mạnh, Đảng đang quyết liệt sắp xếp lại bộ máy, tinh gọn và hiệu lực hơn. Khi giảm được tầng nấc trung gian, người dân và doanh nghiệp sẽ được phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng, cần xây dựng môi trường giáo dục chủ động, bộ máy công chức dám nghĩ dám làm, và một cơ chế rõ ràng: Ủng hộ người dám đổi mới vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng đổi mới để trục lợi cá nhân.
“Không có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thì đừng mong phát triển nhanh và bền vững”, PGS.TS Lê Xuân Bá nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, Nghị quyết số 57 - NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một bước ngoặt chiến lược trong tư duy phát triển đất nước. Dù mới đi vào thực hiện chưa đầy một năm, Nghị quyết này đã mở ra cách tiếp cận mới, khi lần đầu tiên đặt vấn đề phát triển bằng tư duy hệ thống - hệ sinh thái.
Có nghĩa là, thay vì tiếp cận phân tán, theo tư duy chỉ cần tăng đầu vào, như vốn, nhân lực hay ưu đãi tài chính, thì sẽ tạo ra hiệu quả. Mà điều quan trọng hơn là xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có sự phối hợp thực chất giữa các bên: Nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức trung gian. Khi các thành tố này vận hành rời rạc, không có cơ chế liên kết chặt chẽ, thì dù nguồn lực có tăng cũng khó tạo ra đột phá thực sự.
Để làm được điều này, Việt Nam cần nhanh chóng nâng cấp cả kết nối cứng (hạ tầng kỹ thuật, phòng lab, trung tâm nghiên cứu...) và kết nối mềm (thể chế, dữ liệu, nền tảng chia sẻ, cơ chế vận hành và năng lực phối hợp giữa các bên).
Một trong những đề xuất được ông Chính nhấn mạnh, là cần thiết lập các khu thương mại tự do theo mô hình tích hợp đổi mới sáng tạo, nơi có sự đồng hành giữa giáo dục đại học, nghiên cứu công nghệ, sản xuất thử nghiệm và các hoạt động thương mại hóa. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để vừa đào tạo nhân lực chất lượng cao, vừa hình thành những trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) có khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Tuy nhiên, Chủ tịch CMC cũng chỉ ra một điểm yếu: Một số ngành, lĩnh vực kinh tế hiện nay chưa có “kiến trúc sư trưởng” trong thiết kế chính sách. Dẫn tới cơ chế còn mang tính dàn trải, chung chung, thiếu định hướng cụ thể cho từng lĩnh vực. Đơn cử như trong đào tạo nhân lực, chính sách hiện vẫn dừng ở mức tổng thể, chưa đi vào chi tiết theo ngành nghề, chưa tạo ra liên kết chặt chẽ với nhu cầu nhân lực thực tế từ doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông Chính cảnh báo về nguy cơ mất cân đối thị trường lao động trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số gia tăng mạnh mẽ. Nếu không phát triển kịp thời các ngành nghề mới, Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực thất nghiệp gia tăng, nhất là trong các lĩnh vực bị thay thế bởi AI, tự động hóa.
"Vì vậy, Nhà nước ngoài sửa chữa, thì phải khởi tạo, kiến tạo thị trường, chấp nhận thất bại, rủi ro để mở đường cho ngành nghề mới, tạo việc làm mới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không thể phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nếu thiếu đi hệ sinh thái năng động, thị trường cởi mở và sự hỗ trợ của Chính phủ", Chủ tịch CMC chia sẻ.