Lời tòa soạn:
Khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định ở một số địa phương, đặc biệt là với các vụ việc khiếu nại phức tạp, tập trung đông người. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2019, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số (67,7%) trong tổng số đơn khiếu nại, tăng 5,9% so với năm 2018, trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khiếu nại, tranh chấp đất đai có nguồn gốc là đất do nông, lâm trường quản lý, tranh chấp tại các dự án bất động sản...
Một số nhà làm luật cho rằng, ngoài nguyên nhân chủ quan, thì nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh những khiếu nại, tranh chấp về đất đai còn do sự yếu kém về năng lực, thiếu công tâm trong thực thi chính sách, sự buông lỏng quản lý của cấp có thẩm quyền.
Từ nhận định trên, phóng viên Reatimes đã trực tiếp khảo sát việc thực thi chính sách bồi thường, tái định cư nhìn từ một số vụ việc cụ thể tại TX. Nghi Sơn (Thanh Hóa), trong đó điển hình là vụ việc con liệt sỹ khiếu nại đòi đất tái định cư. Trên cơ sở đó, Reatimes đưa ra kiến nghị, giải pháp tháo gỡ "xung đột" lợi ích trong việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai trên cả nước nói chung và tại TX. Nghi Sơn nói riêng.
Người dân khốn khổ đòi đất tái định cư
Năm 2018, ông Cao Xuân Bình (Hải Lâm, Mai Lâm, Nghi Sơn) bị thu hồi 108,6m2 đất, thửa đất số 37, tờ bản đồ số 2 tại thôn Hải Lâm, xã Mai Lâm, TX. Nghi Sơn (Thanh Hóa) để phục vụ dự án nút giao Quốc lộ 1A và đường Nghi Sơn - Bãi Trành.
Cơ quan có thẩm quyền cũng xác nhận, diện tích 108,6m2 của hộ gia đình ông Bình được xác định là đất ở nông thôn, hiện trạng có nhà ở trên đất, không có tranh chấp, được hình thành từ trước ngày 1/7/2004 (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Thửa đất bị thu hồi thực hiện dự án là chỗ ở duy nhất của hộ gia đình ông Bình. Diện tích đất nói trên đủ điều kiện bồi thường cho hộ gia đình nhưng phải nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định (bằng 50% giá đất ở).
Tại Điểm c, Khoản 3, Điều 14, Quyết định số 3161/2014/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa ghi rõ: “Hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất ở bị thu hồi từ 100m2 đến dưới 120m2 thì được giao lô đất có diện tích 100m2”.
Như vậy, đối chiếu với quyết định này, hộ ông Cao Xuân Bình thuộc trường hợp có diện tích thu hồi từ 100m2 đến dưới 120m2 thì được giao lô đất 100m2. Thế nhưng, tại quyết định số 2535/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 của UBND huyện Tĩnh Gia (nay là TX. Nghi Sơn) về việc giao đất ở tái định cư và thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân xã Mai Lâm tại khu tái định cư Trúc Lâm, ông Cao Xuân Bình chỉ được giao diện tích tái định cư là 80m2.
Không đồng ý với quyết định này, ông Bình khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền, đồng thời đề nghị UBND TX. Nghi Sơn giao đất tái định cư tương đương với diện tích thu hồi là 108,6m2 (tức là 100m2 tái định cư theo quy định chứ không phải 80m2 như Quyết định của TX. Nghi Sơn).
Điều đáng nói là, quyết định giải quyết khiếu nại của UBND TX. Nghi Sơn về việc giao đất tái định cư và thu tiền sử dụng đất của hộ gia đình ông Cao Xuân Bình được đưa ra chỉ căn cứ vào quyết định thu hồi đất của UBND thị xã Nghi Sơn, biên bản hội nghị, tờ trình... mà không hề viện dẫn Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quyết định số 3161/2014/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khu kinh tế Nghị Sơn, Thanh Hóa.
Các văn bản áp dụng pháp luật nêu trên mà TX. Nghi Sơn đưa ra để lý giải cho việc bố trí đất tái định cư 80m2 cho hộ ông Bình đều là các văn bản dưới luật, được xem là chưa có tính thuyết phục, chưa đảm bảo tính khách quan?
Thị xã Nghi Sơn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật không đúng
Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là vậy, thế nhưng trong quyết định giải quyết khiếu nại của UBND TX. Nghi Sơn vẫn khẳng định: "Việc ông Cao Xuân Bình khiếu nại được giao đất tái định cư (100m2 - PV) tương đương với diện tích thu hồi là 108,6m2 đất ở là không có cơ sở".
Lãnh đạo huyện Tĩnh Gia cho rằng, vì diện tích 108,6m2 của hộ ông Bình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa được công nhận là đất ở. Hay nói cách khác, gia đình này sẽ chỉ được cấp 100m2 đất ở tái định cư khi diện tích 108,6m2 đất bị thu hồi (đã) được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cũng theo vị lãnh đạo này, vì hộ ông Bình phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo quy định nên chỉ được hưởng một nửa diện tích đất ở là 54,3m2 trong tổng số 108,6m2. Như vậy theo quy định nếu diện tích đất ở bị thu hồi dưới 100m2 (trong trường hợp này là 54,3m2) thì chỉ được bố trí tái định cư 80m2.
Trái ngược với quan điểm của lãnh đạo thị xã Nghi Sơn, Luật sư Lê Thị Phượng, Trưởng phòng nghiệp vụ, Công ty Luật Hợp danh Hoàng Gia khẳng định, hộ ông Bình đủ điều kiện được bố trí tái định cư 100m2.
Vị Luật sư viện dẫn: "Nếu gia đình ông Bình sử dụng đất vào mục đích đất ở từ sau ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004, việc sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch và tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất không có hành vi vi phạm pháp luật thì căn cứ theo quy định của pháp luật, hộ ông Bình thuộc trường hợp được giao 100m2 đất tái định cư mà không phải 80m2 như quyết định của UBND huyện Tĩnh Gia. Cụ thể:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 75 Luật Đất đai 2013, người dân có đất bị thu hồi đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sẽ được bồi thường về đất ở mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Để xác định diện tích đất ở sẽ được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, cần căn cứ vào diện tích đất mà Nhà nước công nhận, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo Khoản 2 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa và căn cứ diện tích đất bị thu hồi thực tế để xác định diện tích đất tái định cư theo Quyết định số 3161/2014/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Trong vụ việc này, diện tích đất mà gia đình ông Bình đang sử dụng bị thu hồi là 108,6m2, nhỏ hơn hạn mức giao đất ở được quy định tại Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014, nên theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì gia đình ông Bình được công nhận đất ở đối với toàn bộ diện tích đất 108,6m2 và khi Nhà nước thu hồi sẽ được giao đất tái định cư là 100m2, theo Điểm c Khoản 3 Điều 14 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 3161/2014/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa", Luật sư Phượng nói.
Điểm a Khoản 2 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: "Đối với thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức giao đất ở quy định tại Khoản 2, Điều 143 và Khoản 4, Điều 144 Luật Đất đai thì toàn bộ diện tích thửa đất được công nhận là đất ở".
Cũng theo Luật sư Phượng, nếu đặt giả thiết về việc, vì ông Bình phải nộp 50% tiền sử dụng đất nên diện tích đất ở của hộ ông Bình được công nhận chỉ còn 54,3m2 trong tổng số 108,6m2 đất là không đúng quy định.
Luật sư Lê Thị Phượng phân tích: "Theo tinh thần của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP thì trước khi xác định nghĩa vụ tài chính phải xác định được diện tích đất mà Nhà nước công nhận là đất ở. Khi người dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hoặc khi Nhà nước bồi thường do thu hồi đất, đủ điều kiện để công nhận đất ở thì người dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính cho diện tích đất được công nhận theo hạn mức mà luật quy định.
Cho nên, tư duy theo hướng, vì ông Bình phải nộp 50% tiền sử dụng đất nên diện tích đất ở ông Bình được công nhận chỉ còn một nửa là tư duy ngược, không đúng pháp luật".
Trong một diễn biến có liên quan, hiện hộ gia đình ông Bình đã có đơn khởi kiện quyết định hành chính của UBND TX. Nghi Sơn trong việc bố trí đất tái định cư được cho là không đúng quy định của pháp luật đối với hộ gia đình này.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.