Khu Hoà Bình thành cao tầng, người dân thẫn thờ: Không còn là Đà Lạt
Mới đây ngày 15/3, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP. Đà Lạt.
Trong đó đáng chú ý khu trung tâm Hòa Bình (rộng 3,37 ha) được quy hoạch thành khu giải trí đa chức năng để phục vụ người dân, du khách trong và ngoài nước. Như vậy rạp hát Hòa Bình vốn đang bị xuống cấp sẽ bị đập bỏ. Đồng thời khu vực đồi Dinh (rộng 4,43 ha) được quy hoạch để xây khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Dinh tỉnh trưởng cũ sẽ được di dời nguyên khối đến đến vị trí mới.
Những ngày qua đã có khá đông người dân đến rạp Hoà Bình để xem quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hoà Bình, thành phố Đà Lạt. Trong đó có không ít những trăn trở về một Đà Lạt mới.
Ông Trần văn B (66 tuổi, một người dân sống lâu năm ở đây) cho biết: “Mấy hôm nay tôi có nghe các phương tiện truyền thông nói rất nhiều về việc này, thật sự rất bất ngờ. Về ý kiến cá nhân thì tôi không bao giờ đồng tình với việc chính quyền sẽ phá bỏ Dinh tỉnh trưởng và rạp hát Hòa Bình. Thật tình mà nói, tôi không thể hiểu vì sao họ lại làm vậy”.
Ông B nói thêm: “Hai địa điểm trên đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố cả trăm năm nay, vậy tại sao lại phá trong khi chúng ta còn có rất nhiều phương án để thực hiện mà. Nếu 2 công trình này có xuống cấp thì chính quyền nên tổ chức trùng tu, sửa chữa lại thôi”.
Những “vết sẹo” trong quy hoạch của thị trường địa ốc: Đồng Nai, những dự án không có bóng người
Người dân địa phương cho biết, các dự án đất nền nhỏ lẻ, được rao bán với giá rẻ ở đây chủ yếu là do các đầu nậu mua đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm của người dân địa phương. Sau đó, tiến hành san lấp, kéo điện một cách sơ sài và cắm cọc, phân lô có diện tích từ 100 - 150 m2/nền để bán, giá từ 250 - 350 triệu đồng/nền. Khách hàng mua sản phẩm chủ yếu là các nhà đầu tư ở TP.HCM, thậm chí là ở các tỉnh phía Bắc với mục đích mua đi bán lại. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án ở Đồng Nai dù được hình thành khá lâu nhưng luôn vắng bóng người.
Chị Nguyễn Thị Thương, một nhân viên môi giới tại huyện Long Thành cho biết, đối với những dự án đất nền nhỏ lẻ, quy mô dưới 100 nền mà vẫn còn sổ chung, thì chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư tầm trung.
“Mua sản phẩm ở các dự án này chủ yếu là để đầu tư, chứ ít ai có nhu cầu để ở. Hơn nữa, nếu muốn xây dựng để ở cũng không được, bởi mục đích sử dụng đất vẫn chưa được chuyển đổi, cơ sở hạ tầng chẳng có gì ngoài con đường nhựa nội bộ, nếu muốn sử dụng điện và nước thì phải dùng nhờ từ nhà người dân gần đấy…”, chị Thương nói.
Đối với những dự án quy mô lớn, đã có sổ riêng từng nền và có thể xây dựng được ngay như Airport Golden Gate, đối tượng mua chủ yếu là nhà đầu tư dài hạn, có nguồn lực về kinh tế. Đa số những khách hàng này đã có nhà và muốn đầu tư vào đất đai để kiếm lời, nên không muốn xây nhà.
“Tâm lý chung của người Việt Nam là muốn ở nhà do tự mình thiết kế, nên nếu ai có nhu cầu ở thì mới xây, còn không chỉ mua rồi để đất trống cho dễ bán”, chị Thương nhấn mạnh.
Trước thực tế này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng từng có quy định siết lại tình trạng phân lô, bán nền nhằm “dẹp loạn” thị trường, nhưng mọi thứ vẫn còn ngổn ngang.
Theo báo cáo của UBND xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, từ tháng 1/2018 đến hết tháng 11/2018, trên địa bàn xã có 2 khu vực san lấp không phép với mục đích làm sân bãi và 32 trường hợp phân lô bán nền trái phép. So với cùng kỳ năm 2017, số trường hợp san lấp không phép giảm từ 13 vụ xuống còn 2 vụ, nhưng trường hợp làm đường phân lô bán nền trái phép lại tăng từ 14 vụ lên 32 vụ.
Xem chi tiết tại đây.
Mua đất chưa đủ điều kiện mở bán tại Quảng Nam: Bỏ tiền… để chơi “cút bắt”
Mấy tháng nay, anh Nguyễn Quang Sơn (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), bất đắc dĩ trở thành người đứng mũi chịu sào để đại diện cho gần 1.000 người dân đã đặt tiền mua đất tại 3 dự án bất động sản là Sakura, Hera Complex Reveside, Bách Đạt 1 tại khu vực quy hoạch đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, do Công ty Hoàng Nhất Nam phân phối và Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư. Theo anh Sơn, những người dân này đã nộp đủ 95% giá trị lô đất, nhưng vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Anh Sơn cho biết, năm 2017, anh và nhiều người dân khác đã quyết định mua đất tại 3 dự án trên. Lúc đó, đơn vị phân phối cho dự án (Công ty Hoàng Nhất Nam) cam kết, quý III/2018, những người dân đóng đủ tiền sẽ được bàn giao sổ đỏ. Tuy nhiên, vào tháng 11/2018, người dân bất ngờ nhận được thông báo của Công ty Hoàng Nhất Nam về việc họ bị chủ đầu tư dự án chấm dứt hợp đồng.
“Khi nhận được thông tin trên, gần 1.000 hộ dân mua đất ở các dự án như tôi rất bất ngờ. Chúng tôi đến 2 công ty trên yêu cầu thực hiện hợp đồng, nhưng không được giải quyết và giải thích rõ ràng. Khi ký hợp đồng mua đất, chúng tôi đã đặt niềm tin vào công ty Hoàng Nhất Nam và chủ đầu tư Công ty Bách Đạt An, bây giờ hai công ty lại chối bỏ trách nhiệm”, anh Sơn bức xúc.
Ngay sau đó, người dân đã viết đơn gửi các cấp, ngành của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng để đòi quyền lợi chính đáng. Mới đây, trả lời kiến nghị của người dân, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là giao dịch dân sự, nên thẩm quyền giải quyết là tòa án. Điều này khiến cho những người dân mua đất ở các dự án trên càng thêm lo lắng.
Thương vụ Hương Giang của Bitexco có điều gì đặc biệt?
Công ty CP Du lịch Hương Giang (trụ sở tại số 2 đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế) từng có tên gọi là Công ty Du lịch Hương Giang, một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập vào năm 1996. Từ năm 2007 đến 2013, công ty này thực hiện xong cổ phần hóa với vốn Nhà nước chỉ còn 62,86%.
Thực hiện theo chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, ngày 15/3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định về việc phê duyệt giá trị thực tế doanh nghiệp, giá trị thực tế vốn chủ sở hữu, giá trị thực tế vốn Nhà nước tại thời điểm ngày 31/12/2014 và mức giá bán một cổ phần nhằm thực hiện chuyển nhượng vốn Nhà nước tham gia vốn điều lệ tại Công ty CP Du lịch Hương Giang.
15 ngày sau (30/3/2016), UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định về việc phê duyệt nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco để thực hiện thoái vốn trọn lô số cổ phần Nhà nước hiện đang nắm giữ tại Công ty CP Du lịch Hương Giang.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý thoái vốn trọn lô số cổ phần Nhà nước hiện đang nắm giữ tại Công ty CP du lịch Hương Giang cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco với tổng số cổ phần chuyển nhượng là 12.572.200 cổ phần, cùng mức giá nhận chuyển nhượng là 12.600 đồng/1 cổ phần.
Như vậy, chỉ với 158.409.720.000 đồng, Bitexco đã mua trọn 62,8% cổ phần để trở thành cổ đông lớn của Công ty CP du lịch Hương Giang. Trước đó, Bitexco đã mua 7,6% cổ phần của Công ty CP du lịch Hương Giang vào năm 2007, cùng với số cổ phần mua lại từ UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, doanh nghiệp này đã sở hữu 70,4% cổ phần.
Xem thêm tại đây.
Đề xuất trung tâm thương mại, bãi đỗ xe ở Cầu Giấy: Sao cứ nhắm xén "lá phổi xanh"?
Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ mới vừa có đề xuất gửi UBND TP Hà Nội về dự án bãi đỗ xe ngầm trên phần đất thuộc Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Doanh nghiệp này xin xén 1,45 ha ở phía Đông Bắc của công viên (hiện công viên rộng 10 ha) để thực hiện dự án gồm các hạng mục bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ... với tổng vốn đầu tư 565 tỷ đồng.
Hạng mục bãi đỗ xe ngầm có 3 hầm ngầm. Trong đó, hai hầm dưới cùng dự kiến có diện tích 24.000 m2, làm chỗ đỗ cho khoảng 874 ôtô. Ở hầm trên cùng, chủ đầu tư dự định dành 12.000 m2 kinh doanh thương mại với rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện, khu vui chơi trẻ em, khu tập thể thao, trung tâm thương mại... Chủ đầu tư cho biết, trên mặt đất sẽ xây dựng vườn hoa, khu vui chơi trẻ em bù vào phần đất đã xén đi.
Trước đó, doanh nghiệp này được UBND TP Hà Nội giao xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại công viên Trung Yên. Tuy nhiên, công ty này cho biết địa chất tại đó yếu nên phải xử lý phức tạp, lại có 60 hộ dân phản đối nên khu đất này vẫn đang bị bỏ hoang. Để thực hiện dự án, chủ đầu tư chuyển sang xin đất tại Công viên Cầu Giấy.
Đề xuất của doanh nghiệp đã được chủ trương đồng ý của UBND TP Hà Nội với các điều kiện chủ đầu tư phải hoàn trả cây xanh cho công viên sau khi xén đất, lập quy hoạch 3 đến 5 tầng hầm đỗ xe, nhà điều hành phía trên không quá 5% diện tích ô đất và có chiều cao chỉ một tầng...
Ngay sau khi được lấy ý kiến về dự án tại phường Dịch Vọng, người dân tại đây đã bày tỏ sự phản đối. Hàng trăm người dân đã ký vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng chỉ ra điểm bất hợp lý của dự án. Họ cho rằng, các chung cư tại đây đều phân lô thấp tầng và đầy đủ chỗ đỗ xe, không như chủ đầu tư dự án xén công viên xây công trình nói là thiếu. Mỗi chung cư đều có 1-3 tầng hầm, hoàn toàn đảm bảo chỗ đỗ. Ngoài ra, tại đây cũng mới khánh thành một bãi đỗ xe nổi 5 tầng sau nhà N09B1, cách công viên 100 m.
Cũng trong đơn kiến nghị, người dân cũng chỉ ra điểm bất hợp lý là trong quy hoạch lân cận công viên đang có 5 bãi đỗ xe, nhưng hiện tại chưa được xây dựng. Thậm chí có lô quy hoạch bãi đỗ xe bị sử dụng sai mục đích. Như vậy, không có lý do gì phải xén đất công viên để xây bãi đỗ xe ngầm, trong khi đất quy hoạch không được xây dựng. Ngoài ra, bên ngoài công viên cũng có nhiều lô đất được giao rồi nhưng dự án triển khai chậm nhiều năm. Những lô đất đó được xây sân tennis, quán bia, sân bóng đá mini. Người dân nêu thắc mắc: Tại sao thành phố không thu hồi dự án chậm triển khai để làm bãi đỗ xe, mà lại phải xén đất công viên?
Xem thêm tại đây.