Aa

Kiểm soát chung cư mini: Đừng đẩy phần khó về phía dân nghèo

Thứ Tư, 27/09/2023 - 06:09

Hàng vạn người dân sinh sống trong hàng nghìn chung cư mini ở các đô thị lớn đang rất cần những giải pháp thực tế, nhân văn, ổn định đời sống và hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.

Tại sao chung cư mini lại được ưa chuộng?

Sau thảm họa cháy chung cư ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã có rất nhiều ý kiến, bài viết từ những góc nhìn khác nhau. Trong bài viết này, tôi xin tiếp cận vấn đề từ góc độ của cư dân, những người đã phải chịu tai họa thảm khốc trong vụ cháy trên, những người đang ở trong các chung cư gọi là “mini” trong cả nước nói chung và ở thành phố Hà Nội nói riêng.

Có nhiều góc độ nhìn nhận sau vụ cháy này. Góc độ xã hội với sự thương xót, cảm thông, chia sẻ; góc độ dư luận với những phán xét; góc độ quản lý, chính quyền nghiêng về xem xét theo khía cạnh đúng sai, trách nhiệm… Nhưng thử đứng trên góc độ cư dân sử dụng chung cư sẽ thấy nhiều vấn đề, mà điều quan trọng nhất là liên quan đến cuộc sống cụ thể, thiết thân của người dân. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra và ai cũng có thể tìm thấy ngay câu trả lời:

Tại sao họ mua chung cư mini: Vì hợp túi tiền.

Họ có biết nó nguy hiểm không: Nhìn chung là có biết.

Tại sao biết nguy hiểm mà vẫn mua: Vì phù hợp về ăn ở sinh hoạt, thuận tiện cho làm việc, học hành. Và có cung thì có cầu, thị trường được điều tiết theo quy luật của nó. Trong thời gian ngắn, chung cư mini nở rộ và trên thực tế đáp ứng được cả về nhu cầu chỗ ở cho một bộ phận khá lớn người dân thu nhập thấp sinh sống, làm việc, học tập ở khu vực nội thành, đáp ứng cả nhu cầu đầu tư, kinh doanh của chủ đầu tư…

Hỏa hoạn rồi ảnh hưởng đến họ ra sao: Người xấu số thiệt phận thì để lại nỗi đau, mất mát không thể bù đắp cho người thân. Người còn sống thì ảnh hưởng đến sức khỏe thân thể và chịu sang chấn tâm lý kéo dài, thậm chí có người gần như không thể trở lại trạng thái tâm lý bình thường. Đặc biệt, bên cạnh nỗi đau về thể xác và tinh thần thì lại canh cánh nỗi lo về chỗ ở và không biết tương lai sẽ thế nào: Ở đâu? vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Lúc này hàn nghìn cư dân ở các chung cư mini hẳn là đang phấp phỏng lo âu, cả nỗi lo về nguy hiểm rình rập, cả về tương lai, vì không biết số phận chung cư mình đang ở sẽ ra sao?

Hậu hỏa hoạn sẽ giải quyết thế nào?

Sau vụ cháy, bên cạnh sự sẻ chia mất mát với những người bị nạn, cũng đã có rất nhiều ý kiến đưa ra các giải pháp xử lý các chung cư hiện hữu và giải pháp trong tương lai về loại hình này; tựu trung có một số ý chính sau:

Đối với chung cư hiện hữu: Kiểm tra, tăng cường biện pháp phòng cháy chữa cháy như phá bỏ lồng sắt, chuồng cọp, tháo dỡ tum, làm thêm lối thoát hiểm (trong đó có làm thang sắt ngoài trời); trang bị bình chữa cháy; hướng dẫn cư dân về phòng cháy chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm… Đây là biện pháp rất cần thiết, tuy muộn nhưng còn hơn không làm, nhằm ngăn ngừa và hạn chế hậu quả sau này. Nhiều phường đã tổ chức kiểm tra, làm việc với chủ tòa nhà và cư dân, một số chung cư đã tăng cường biện pháp phòng chống cháy nổ.

Đối với chung cư vi phạm về giấy phép xây dựng và an toàn cháy nổ: 1/ Đề xuất khắc phục và tăng cường biện pháp phòng cháy chữa cháy; 2/ Cắt ngọn phần vi phạm (đối với công trình xây tăng tầng so với giấy phép xây dựng); 3/ Đóng cửa không cho sử dụng cho đến khi khắc phục xong; 4/ Cấm để xe máy xe điện tầng 1 và/ hoặc cấm xạc điện ban đêm.

Nhưng có một số vấn đề đặt ra:

1/ Khắc phục về phòng cháy chữa cháy là cần thiết và bắt buộc, nhưng không phải chung cư nào cũng khắc phục được, vì điều kiện hoàn cảnh sống. Hoặc có điểm bổ sung được thiết bị phòng cháy chữa cháy, nhưng không còn không gian để bổ sung lối thoát hiểm.

2/ Cắt ngọn phần vi phạm là đúng, nhưng khi đó sẽ giải quyết những hộ dân ở căn hộ thuộc phần cắt ngọn như thế nào mới là vấn đề. Những hộ dân bỏ tiền mua nhà, là chủ sở hữu hợp pháp căn hộ này sẽ đi đâu, ai là người đền bù, lo chỗ ở mới cho họ? Ngay cả những hộ dân ở căn hộ tầng dưới cũng không thể ở đó trong khi cắt ngọn được, vậy bố trí chỗ ở tạm thế nào? Chủ đầu tư đương nhiên phải chịu trách nhiệm vì là người vi phạm, nhưng họ đã bán hết rồi thì chịu trách nhiệm thế nào? Nếu chủ đầu tư không lo bố trí chỗ ở mới cho cư dân thì sao? Nếu cư dân không chịu di chuyển tới nơi ở mới do không bằng chỗ ở cũ vì chất lượng kém hơn, bất tiện hơn, như xa nơi làm việc, thiếu tiện ích, trường học không bảo đảm… thì xử lý thế nào? Chính quyền có cưỡng chế không? Cưỡng chế như thế nào? Dù là giải pháp nào thì chắc rằng chính quyền cũng sẽ không đẩy người dân ra đường.

3/ Đóng cửa cho đến khi khắc phục xong: Cũng giống như trường hợp trên nút thắt vẫn là vấn đề di dân, ai chịu trách nhiệm? Trường hợp này còn khó khăn hơn vì số lượng rất lớn, nhiều chủ đầu tư đã bán hàng xong, giờ tìm được họ đã khó, bắt họ khắc phục còn khó hơn. Thứ nhất là kinh phí, chủ đầu tư có bỏ kinh phí ra sửa chữa khắc phục hay không? Ngay cả khi họ đồng ý sửa chữa thì chung cư đó có thể sửa chữa được hay không, tức là điều kiện, nhất là điều kiện về không gian để có thể sửa chữa. Và trong thời gian sửa chữa thì di chuyển dân đi đâu? Trường hợp chủ đầu tư không sửa chữa hoặc/ và người dân không di chuyển thì xử lý thế nào? Vấn đề không hề đơn giản, nói thì dễ nhưng đi vào thực tế, cụ thể thì sẽ vô cùng khó. Mà khó thì chẳng lẽ lại cho qua, đánh trống bỏ dùi?

4/ Riêng câu hỏi về cấm để xe hay sạc điện trong khu để xe… thì có lẽ nhiều người đã thấy rõ sự bất tiện cả trên phương diện pháp luật và góc nhìn thực tiễn, nên có lẽ cũng không cần phải trao đổi thêm.

Đặt ra các câu hỏi, đưa ra các vấn đề này, không phải tôi ủng hộ cho cách làm sai, các vi phạm đang hiện hữu trong các chung cư mini, hay hợp thức hóa các vi phạm, mà chỉ muốn nêu lên như một sự phản biện để các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần có sự nghiên cứu, xem xét thấu đáo toàn diện, nhất là xem xét kỹ đến các tình huống cụ thể và thực tế cuộc sống của cư dân, những “người trong cuộc”, để có cách giải quyết mang tính khả thi, hợp tình hợp lý; chứ không nên chọn biện pháp dễ cho công tác quản lý mà dồn phần khó về phía cư dân. Vì việc đổ hết cái khó, có thể coi như hậu quả lên đầu cư dân, không những là cách giải quyết thiếu nhân văn, mà còn không khả thi, rất khó thực hiện khi dồn cư dân vào thế đường cùng không biết xoay xở ra sao.

Chung cư mini có tội không?

Những vấn đề nêu trên là giải quyết, xử lý những vấn đề trước mắt, còn về tương lai, có ý kiến đưa ra là cần “cấm chung cư mini”, tức là không “luật hóa”. Vấn đề này có một số luật sư đã phân tích khá kỹ theo góc độ là pháp luật, rằng Hiến pháp đã quy định về quyền tài sản, quyền kinh doanh và quyền có chỗ ở, nên nếu cấm là vi hiến. Ở đây, chúng tôi xin tiếp cận vấn đề từ thực tế cuộc sống, có hai câu hỏi được đặt ra:

Câu hỏi thứ nhất: Cấm chung cư mini có loại bỏ được hoàn toàn cháy nhà hay không? Tôi hoàn toàn ủng hộ nếu cấm mà chấm dứt được nạn cháy nhà, nhưng thực tế thì nguy cơ cháy nổ hiện hữu ở bất cứ đâu chứ không phải chỉ ở chung cư mini; chỉ khác là nguy cơ cháy chung cư mini cao hơn và hậu quả có thể lớn hơn khi không tuân thủ đúng các quy định kỹ thuật. Thực tế đã từng xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở riêng lẻ (cả nhà chỉ để ở và nhà để ở kiêm kinh doanh) thảm khốc, số vụ cháy còn nhiều hơn cháy chung cư mini, vậy chẳng lẽ lại cấm nhà ở riêng lẻ? Và chẳng lẽ cứ loại hình nhà ở nào cháy gây hậu quả nghiêm trọng thì lại cấm hay sao?

Thực ra, nguyên nhân cháy hay hậu quả nghiêm trọng không phải nằm ở loại hình, mà cái chính là nằm ở việc chấp hành quy định pháp luật, tức quy chuẩn do Bộ Xây dựng quy định và nằm ở công tác quản lý của chính quyền địa phương. Chưa cần đặt thêm các quy định khác chặt chẽ hơn, ngặt nghèo hơn, chỉ cần tuân thủ đầy đủ theo quy chuẩn mà Bộ Xây dựng đã quy định, chỉ cần việc xây dựng thực hiện theo đúng giấy phép mà địa phương đã cấp (về mật độ xây dựng, về số tầng…), nguy cơ cháy đã được hạn chế và nếu có xảy ra cháy, hậu quả cũng sẽ giảm thiểu. Như vậy, vấn đề nằm ở việc kiểm soát việc xây dựng loại hình này như thế nào, từ quy chuẩn đến cấp phép và kiểm tra, hoàn công trước khi đưa vào sử dụng.

Câu hỏi thứ hai: Có được phép cấm hay không và có nên cấm hay không? Vấn đề đặt ra là nếu cấm thì chính quyền địa phương có thể đáp ứng đầy đủ chỗ ở cho đối tượng thu nhập thấp này hay không? Mà là đáp ứng ngay chứ không phải bằng các chương trình, kế hoạch trên giấy và không biết bao giờ mới trở thành hiện thực, đó là chưa nói đến những dự án nhà ở xã hội đó có phù hợp với cư dân hay không. Trong khi đó, người dân vẫn cần có chỗ ở ngay bây giờ và mãi về sau, chứ không thể chờ chính quyền địa phương cung cấp đầy đủ nhà rồi họ mới có nhu cầu ở.

Vấn đề mấu chốt là quản lý và kiểm soát

Tức là ở đây chúng ta phải nhìn vào nguyên nhân cháy để hạn chế xảy ra cháy, chứ không phải là cứ nguy hiểm thì cấm cho “an toàn” theo kiểu thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót. Nguyên nhân cháy và cháy gây hậu quả nghiêm trọng nằm ở việc không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng, tiêu chuẩn an toàn, việc vận hành và kiểm tra, giám sát hoạt động, chứ không phải nằm ở loại hình nhà ở này. Một khi không tuân thủ quy định thì bất cứ loại hình nào cũng có nguy cơ và có thể xảy ra cháy chứ không riêng chung cư mini.

Mặt khác, nếu cấm loại hình này thì sẽ xử lý các tình huống trong thực tế thế nào? Xin nêu ví dụ thực tế: Có nhiều hộ gia đình con cái ở chung với bố mẹ, kể cả khi đã xây dựng gia đình. Vậy họ có được phép ở chung trong một tòa nhà hay không? Nếu không được thì căn cứ vào luật nào để bắt họ không được sống chung? Khi ở chung, xuất phát từ nhu cầu thực tế, họ sẽ làm nhiều căn hộ trong một ngôi nhà, vậy có cấm hay không? Nếu được phép thì có giới hạn số căn hộ không? Bởi vì, từng hộ đời thứ hai đến đời thứ ba, thứ tư nếu vẫn ở chung sẽ phải tách nhiều hộ nữa, vậy căn cứ vào đâu để quy định số căn hộ trong một ngôi nhà?

Rồi khi có hộ con cháu nào chuyển ra khỏi khu nhà đó thì có được phép bán hay cho thuê căn hộ của mình không? Và nói rộng ra, người dân có được phép xây nhà để bán, cho thuê hay không? Chẳng lẽ lúc đó lại quy định phải là cùng huyết thống mới được ở chung một nhà? Mà khi đã cho phép những chung cư con dưới dạng nhà ở riêng lẻ như thế thì sẽ có biến tướng, lách luật. Nếu khi đó vẫn để ở loại hình “nhà ở riêng lẻ” sẽ lại là lỗ hổng trong quản lý. Trong khi nếu cho phép xây dựng chung cư mini thì ngay từ khi cấp phép xây dựng, nhà nước đã phải quản lý từ thiết kế đến hoàn công theo đúng đặc thù và tiêu chuẩn riêng của loại hình này rồi và khi đáp ứng đủ điều kiện mới cho kinh doanh, hoạt động. Như vậy là cho phép thì người dân tự do xin phép xây dựng, tự do kinh doanh theo đúng loại hình pháp luật quy định với những tiêu chuẩn đặc thù của nó và trên cơ sở đó nhà nước sẽ quản lý được, chứ không phải cứ lờ đi để cho loại hình này biến tướng mà không quản lý được thì tình hình lại phức tạp hơn nhiều, như hiện nay đang tồn tại.

Nhưng tại sao có ý kiến đề xuất cấm?: Tôi đồng ý là ý kiến này xuất phát từ việc lo lắng cho tính mạng và sức khỏe của cư dân, nhưng cũng có một phần sợ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, cũng cần đặt mình vào địa vị của dân nghèo, của người thu nhập thấp… để tìm ra hướng giải quyết, không nên nhìn ở góc độ quản lý theo kiểu cấm là xong, hay góc độ của người đã có nhà hoặc đủ tiền để mua nhà ở thương mại mà quên đi những khó khăn của người nghèo.

Vì vậy theo chúng tôi, giải pháp gì thì cũng phải tính đến chỗ ở cho người dân khi thực hiện chính sách đó, chứ không thể cứ đẩy người dân ra đường để thực hiện chính sách, bảo đảm an toàn đã rồi chỗ ở của họ thì “tính sau”.

Nói tóm lại, vấn đề chung cư mini cần được quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật chứ không phải là loại bỏ, bởi nó là loại hình cần thiết cho một bộ phân dân cư. Mặt khác, suy cho cùng là không thể loại bỏ, vì vậy “cho phép để quản lý” sẽ là giải pháp phù hợp nhất và đúng quy luật cuộc sống. Bởi vì, khi “luật hóa” sẽ dễ quản lý hơn nhiều là “cấm” hoặc “lờ đi” để nó biến tướng, một khi không kiểm soát được thì nguy cơ càng cao hơn và hậu quả nếu xảy ra sẽ càng nghiêm trọng hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top