Aa

Kiến trúc Haussmann - Một Paris hoa lệ

Thứ Hai, 24/05/2021 - 14:00

Kiến trúc đặc sắc của nước Pháp luôn là đề tài tràn đầy cảm hứng. Hãy cùng Reatimes tìm hiểu về phong cách Haussmanm - Lối kiến trúc đã làm Paris lột xác trở thành kinh đô hoa lệ như ngày nay.

Lịch sử của kiến trúc Haussmann

Paris mang dáng dấp hiện đại như ngày nay, với những đại lộ trải dài, rộng thênh thang, những công trình kiến trúc hoành tráng, không gian xanh khắp nơi… là thành quả 17 năm quy hoạch của nam tước Haussmann, từ năm 1853 đến năm 1870, dưới triều hoàng đế Napoléon III, thời Đệ Nhị Đế Chế Pháp. Haussmann đã tạo cho Paris một dấn ấn riêng hiếm có.

Nhìn lại lịch sử, cho tới thế kỷ XIX, kinh thành Paris vẫn giữ cấu trúc cũ từ thời Trung Cổ, với các con phố nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, các tòa nhà chen chúc, chật chội, nhiều khu phố ngột ngạt, xấu xí. Cơ sở hạ tầng dần xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều người từ nông thôn đổ về Paris kiếm kế sinh nhai, khiến dân số Paris tăng nhanh, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu của dân cư. Điều kiện vệ sinh tồi tệ đã góp phần không nhỏ khiến đại dịch hạch thế kỷ XIX (1832 - 1834) tàn phá Paris.

Kiến trúc haussmann

Vào năm 1848, nước Pháp bước sang Đệ Nhị Đế Chế, Louis-Napoléon Bonaparte lên ngôi hoàng đế. Đã từng trải qua một thời gian tại Luân Đôn, bị mê hoặc bởi các khu vườn và sự thoáng đãng trong các khu phố của thành phố này, hoàng đế Napoléon III thấy Paris thực sự cũ kỹ, tối tăm và không đảm bảo vệ sinh, nhất là sau dịch hạch 1849, vì vậy đã tiến hành công cuộc tái quy hoạch thực sự Paris.

Vào năm 1853, hoàng đế bổ nhiệm nam tước, luật sư George-Eugène Haussmann, 44 tuổi, người vùng Alsace, làm tỉnh trưởng tỉnh Seine (nay là Paris) và giao cho Haussmann nhiệm vụ mở rộng, cải tạo kinh thành Paris, đưa Paris trở thành một trong những đô thành đẹp nhất châu Âu.

Nam tước Haussman đã được sự ủng hộ vô điều kiện của hoàng đế Napoléon III khiến công cuộc tái quy hoạch Paris tiến triển thuận lợi.

Một Paris tráng lệ và tâm sức của kỹ sư Haussman

Haussman là một kỹ sư, một nhà khoa học chứ không phải là một kiến trúc sư. Công trình lớn nhất của cuộc đời ông chính là Quy hoạch Paris. Cuộc đại cải tổ này kéo dài 17 năm và chia thành 5 giai đoạn.

Đầu tiên là xây dựng hệ thống đường bộ. Ông xoá bỏ các con đường nhỏ để xây dựng mạng lưới giao thông bao gồm 95km đường nội đô và 70km đường ven đô. Các khu dân cư cũ bị phá bỏ và gọt giũa lại để nhường chỗ cho những con đường lớn nối thẳng trung tâm thành phố với các công trình công cộng lớn và các nhà ga đường sắt.

Kiến trúc haussmann

Các công trình dân dụng dọc tuyến đường này cũng bị đưa vào quy củ, chúng bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng và phải tuân thủ các quy định về mặt tiền, màu sắc, chiều cao (với những con đường rộng trên 20m, chiều cao của toà nhà phải bằng bề ngang, những con đường rộng dưới 20m thì chiều cao phải gấp rưỡi bề ngang, độ vát của mái bắt buộc phải bằng 45 độ).

Thứ hai là các quận đảm nhiệm xây dựng các công trình công cộng bao gồm trường học, bệnh viện, nhà tù, văn phòng chính quyền, thư viện, chợ; cầu và các trung tâm quân sự do nhà nước phụ trách. Các khu nhà xã hội cho người nghèo cũng được khởi công nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho tầng lớp dân cư có thu nhập thấp.

Tiếp theo lần lượt là các công trình công cộng xanh như vườn hoa, công viên và các công trình thủy lợi phục vụ cho việc cung cấp nước sạch cho toàn thành phố.

Cuối cùng, quan trọng nhất là sự thay đổi đơn vị hành chính quận. Thủ đô của nước Pháp tựa như một chiếc bánh được xẻ thành 20 quận nội đô và được gói gọn trong mạng lưới đường vành đai rộng 250m.

Kiến trúc haussmann

Ở thời điểm đó Haussmann là trung tâm của sự chỉ trích bởi chính tác phẩm vĩ đại của ông. Chính quyền trên dưới phê bình ông vì đã tiêu tốn một số tiền khổng lồ của quốc gia. Giới văn nghệ sĩ không vừa lòng vì ông đã thẳng tay phá hủy những khu dân cư cũ kỹ đầy hoài niệm của họ thay vào đó là những toà nhà thô kệch, đơn điệu và một màu.

Nhưng công trình quy hoạch Paris của Haussman đối với chúng ta hiện nay là một tài sản vô giá. Nó không chỉ khắc ghi lại một mốc lịch sử quan trọng của Paris nói riêng và toàn nước Pháp nói chung mà nó còn là nền tảng của hình thái thành phố Paris thế kỷ 22. Một bức tranh tràn đầy năng lượng và mới mẻ.

Hàng chục ngàn tòa nhà kiến trúc Haussmann đã được xây dựng, kể cả sau khi Đệ Nhị Đế Chế sụp đổ. Hiện nay, 60% số tòa nhà trong Paris có kiến trúc Haussmann. Đặc trưng kiến trúc Haussmann thể hiện rõ nhất ở mặt tiền tòa nhà. Các tòa nhà trong cùng một tuyến phố phải có chiều cao bằng nhau, gồm tối đa 6 tầng, cùng phong cách trang trí mặt tiền, tạo sự thống nhất về tổng thể kiến trúc. Độ cao của các tòa nhà tỉ lệ thuận với bề rộng của con phố.

Kiến trúc haussmann

Quy định thiết kế mặt tiền phải được tuân thủ chặt chẽ, chỉ nhà ở tầng hai và tầng năm (tầng ba và tầng sáu nếu tính theo kiểu Việt Nam) là có balcon. Mái nhà thường dốc 45 độ. Tường phía mặt tiền tòa nhà thường được xây bằng đá đẽo chất lượng cao. Tường đầu hồi và tường phía mặt hậu cũng được cũng được xây bằng đá đẽo nhưng chất lượng kém hơn.

Đặc trưng của kiến trúc Haussmann

Cửa sổ áp mái

Cửa sổ mái được đặt trên tầng áp mái của ngôi nhà, được thiết kế thụt vào hoặc nhô ra tùy thuộc vào độ dốc mái. Cửa sổ mái cho phép thông gió và cung cấp ánh sáng cho căn phòng áp mái. Thiết kế này cũng có thể được biến hóa thành ban công nhỏ giúp không gian tầng áp mái trở nên thoáng đãng hơn, cũng như cho phép ánh sáng và không khí được cung cấp tối đa cho căn phòng.

Cửa chính

Những cánh cửa đặc trưng của kiến trúc Haussmann là hình ảnh có thể bắt gặp ở mọi góc phố Paris. Cửa thường có chiều rộng 2,6m và chiều cao 3,5m. Vào thế kỉ XIX, cửa được xây ở những căn nhà của giới quý tộc nhằm mục đích cho xe ngựa đi qua.

Trụ ngáng cửa

Trụ ngáng cửa là một chi tiết kiến trúc nhỏ nhưng quan trọng ở Paris thời phong kiến. Vào thời này, đường sá chưa có vỉa hè và phương tiện giao thông chủ yếu là xe ngựa, vì thế trụ ngáng có tác dụng ngăn cách, giúp người dân Paris tránh khỏi va chạm với những chiếc xe ngựa cồng kềnh. Chi tiết này cũng tạo khoảng cách giữa ngôi nhà và làn đường, giúp cho tường nhà và cửa chính tránh khỏi những va đập do phương tiện giao thông gây nên.

Kiến trúc haussmann

Mái vòm

Kiến trúc mái vòm là một phần di sản của thành phố Paris. Có cấu tạo từ kẽm và đá đen nên những thiết kế mái vòm thường có màu từ xám nhạt đến xám than. Kiến trúc mái vòm xuất hiện ở thập niên cuối của thế kỉ XIX, với sự lên ngôi của trường phái Tân nghệ thuật vào năm 1895, nổi bật ở sự đa dạng trong chất liệu, lối sáng tạo hiện đại, tự do, không gò bó, đối lập với trường phái Hàn lâm của thế kỉ XIX. Điều này cũng thể hiện ở sự đa dạng trong thiết kế mái vòm với ngói đá đen hình chữ nhật hoặc vảy cá, kẽm, bê tông, đồng, chì,…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top