Aa

Kinh tế tiếp tục tăng tốc ngay tháng đầu năm

Thứ Năm, 01/02/2018 - 06:31

Thật khó để so sánh các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1 năm nay với tháng 1 năm trước, bởi năm ngoái, đó là tháng trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, còn năm nay, Tết đến muộn hơn. Song rõ ràng, xu thế tích cực của nền kinh tế tiếp tục được ghi nhận.

Kinh tế tiếp tục tăng tốc

Sẽ là không chính xác nếu lấy các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1 năm nay để so với tháng 1 năm ngoái, để đánh giá tốc độ hồi phục của nền kinh tế, song không khó để nhận ra rằng, xu hướng tích cực của nền kinh tế trong năm 2017 đang tiếp diễn trong tháng đầu tiên của năm 2018.

Bằng chứng khá rõ là, chỉ số toàn ngành công nghiệp tháng 1/2018 ước tính tăng tới 20,9% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng 1/2017 và đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

Trong đó, các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục tăng 23,8%, đóng góp 17,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngay cả ngành khai khoáng cũng tăng 10,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Một con số khác, trong tháng 1/2018, cả nước có 10.839 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt 98.300 tỷ đồng, tăng 20,6% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Nếu cho rằng, so sánh với cùng kỳ là chưa chính xác, thì nhìn vào con số 10.814 doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 12/2017, có thể thấy đà “xác lập kỷ lục” về số lượng doanh nghiệp thành lập mới lại đang bắt đầu tiếp tục trong năm nay.

Xuất khẩu tháng 1/2018 ước đạt 19 tỷ USD, tăng tới 33,1% so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh: Đức Thanh.

Xuất khẩu tháng 1/2018 ước đạt 19 tỷ USD, tăng tới 33,1% so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh: Đức Thanh.

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2018 ước đạt 19 tỷ USD, tăng tới 33,1% so với cùng kỳ. Như vậy, liên tiếp trong 4 - 5 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính theo tháng luôn đạt con số 19 tỷ USD, một mức kỷ lục mà chưa bao giờ Việt Nam đạt được. Đây chính là một trong những yếu tố khiến năm 2017, lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chạm ngưỡng 400 tỷ USD.

Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục xu hướng tích cực. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong tháng đầu năm, đã có trên 1,255 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Con số này tuy thấp hơn so với 1,58 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn là dấu ấn tích cực, nhất là khi, số vốn đăng ký mới chỉ là 441,6 triệu USD, giảm 64,4% so với cùng kỳ, song vốn tăng thêm lại đạt 456,8 triệu USD, tăng tới 155% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn đăng ký tăng thêm tăng cao là chỉ báo cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn kinh doanh tốt ở Việt Nam và tiếp tục nhận thấy cơ hội lớn từ thị trường, nên đã dốc thêm vốn để mở rộng hoạt động. Vì cơ hội lớn, nên trong tháng 1/2018, còn có 415 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn đạt 356 triệu USD, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đạt hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 10,5% so với cùng kỳ, cũng là một tín hiệu tích cực.

Đối diện thách thức

Tuy kinh tế tiếp tục đà phục hồi, song những thách thức phía trước vẫn còn rất lớn. Giữa tháng 1/2018, khi công bố báo cáo Kinh tế Việt Nam 2018, Ban Kinh tế Trung ương đã đề cập tới 5 thách thức lớn mà Việt Nam sẽ phải vượt qua. Trong đó, đáng chú ý là đà tăng trưởng đột biến của khu vực chế biến - chế tạo, động lực chính cho tăng trưởng cao của năm 2017, sẽ khó có khả năng duy trì, do sản xuất của một số dự án lớn như Samsung đã được tận dụng hết.

Dư địa hạn hẹp về chính sách tài khóa và tiền tệ; tốc độ xử lý các tập đoàn kinh tế, việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm; hay bộ máy cồng kềnh, thủ tục hành chính còn rườm rà; điều kiện thời tiết không thuận lợi cũng đã được Ban Kinh tế Trung ương nhắc tới như là những thách thức hàng đầu của kinh tế Việt Nam trong năm 2018.

Trong khi đó, tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế cũng đã đề cập nhiều thách thức của nền kinh tế trong năm 2018.

Trong khi ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM lo ngại việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) khiến Việt Nam chưa chắc được hưởng lợi, nếu các doanh nghiệp chỉ “xuất hộ”, thì ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM nhắc đến việc nhiều doanh nghiệp vẫn phải chi trả các khoản chi phí không chính thức và điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ông Doanh còn  nhắc đến sự chậm trễ trong cải cách doanh nghiệp nhà nước, coi đó như một hạn chế lớn của nền kinh tế. Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng băn khoăn, khi mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 chưa tạo được yếu tố bền vững cho năm 2018, nhiều chính sách thiếu ổn định, khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó là điều cần tập trung giải quyết trong năm 2018.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top