Aa

Kỳ 1: Khách hàng mất cơ hội đi xe giá rẻ, tài xế sợ phải bỏ nghề

Thứ Tư, 17/10/2018 - 23:30

Một số chuyên gia nhận định, nếu yêu cầu taxi công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và hoạt động như taxi truyền thống sẽ làm biến đổi bản chất của đơn vị cung cấp hoạt động. Từ đó, chi phí sử dụng, giá thành sử dụng sẽ đội lên, triệt tiêu lợi ích của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Mới đây, Bộ GTVT đã gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, Bộ GTVT đồng thuận với ý kiến đề xuất quản lý của các cơ quan có quan điểm cho rằng hoạt động của loại hình vận tải xe công nghệ cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi. Dự thảo mới nhất này cũng bỏ quy định “taxi điện tử” đã được đưa ra tại bản dự thảo đã trình ngày 31/7.

Bộ GTVT đề xuất quản lý Grab 4 bánh bằng cách “đeo mào” như taxi. (Ảnh minh họa).

Bộ GTVT đề xuất quản lý Grab 4 bánh bằng cách “đeo mào” như taxi. (Ảnh minh họa).

Bộ GTVT cho rằng, đề xuất này xuất phát từ thực tế kinh doanh vận tải qua phần mềm có nhiều điểm tương đồng với taxi truyền thống, do đó, cần quy định chung để quản lý như nhau, nhằm đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch, và chịu các điều kiện kinh doanh như nhau.

Tuy nhiên, ngay khi nội dung bản dự thảo mới được đưa ra, nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, vận tải đã bày tỏ những ý kiến trái chiều trước việc, nếu dự thảo được thông qua, toàn bộ các xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab, Go-Viet… sẽ phải gắn mào trên nóc như taxi truyền thống. Cùng với đó, xe công nghệ cũng sẽ phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi, tiêu chuẩn lái xe, kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi...

Thế kỷ 21 mà vẫn bắt phụ nữ phải mặc áo tứ thân, đeo khăn mỏ quạ

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - đánh giá: “Tư duy của nhà quản lý hiện vẫn chưa chịu đổi mới".

Theo ông Cung, những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới như Uber hay Grab có thể chưa được khuyến khích, cũng có thể phải chịu những hàng rào kỹ thuật nào đó nhưng không có nghĩa là triệt tiêu phương thức kinh doanh này.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

“Ép Grab, Uber vào khuôn của taxi truyền thống là sai lầm nghiêm trọng", ông Cung nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc Uber, Grab sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, điều hành các phương tiện kinh doanh để vận chuyển hành khách… không thể gọi là đơn vị kinh doanh vận tải. Đây là phương thức hoàn toàn mới, làm thay đổi các quan hệ giao dịch hiện có, tạo ra cân bằng cung cầu và giá dịch vụ được xác định dựa trên phân tích cung cầu. Các nền tảng kinh doanh này cũng sẽ giúp giảm chi phí, thậm chí đưa chi phí về bằng 0. Do vậy, nếu áp đặt cách quản lý của taxi truyền thống vào đây sẽ có thể khiến chi phí tăng thêm.

Ông Cung cho rằng, quản lý Nhà nước phải theo xu hướng bảo vệ lợi ích và phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, quản lý phải theo hướng phát triển của thị trường, của công nghệ.

Chuyên gia giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhận định, các loại hình như Grab, Uber là kết quả của thời đại công nghệ 4.0, là sự phát triển nên bây giờ không thể tìm cách kìm hãm bằng cách yêu cầu phải gắn mào hay chịu ràng buộc, quản lý như taxi truyền thống. Thậm chí, ông Liên ví von việc bắt taxi công nghệ gắn mào như taxi truyền thống không khác gì thế kỷ 21 mà vẫn bắt phụ nữ phải mặc áo tứ thân, đeo khăn mỏ quạ như thời xưa.

Chuyên gia giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên.

Chuyên gia giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên.

“Tôi cho rằng, quản lý Nhà nước phải ủng hộ sự tiến bộ của công nghệ thông tin, có như vậy người dân, người tiêu dùng mới được hưởng lợi”, ông Liên nói.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Không nên nghĩ cùng loại vận tải thì phải quản giống nhau bởi với cơ chế thị trường cùng sự tiến bộ của khoa học thì rõ ràng có những cái ta không thể quản lý theo cách cũ được mà phải dựa vào định hướng phát triển phù hợp”.

Phân tích về góc độ kinh tế, ông Liên nhận định, nếu yêu cầu taxi công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và hoạt động như taxi truyền thống sẽ làm biến đổi bản chất của đơn vị cung cấp hoạt động, khi đó, những hãng taxi công nghệ như Uber, Grab sẽ phát sinh nhiều vấn đề để có thể đảm bảo hoạt động. Từ đó, chi phí sử dụng, giá thành sử dụng sẽ đội lên, triệt tiêu lợi ích của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nỗi lo của khách hàng và tài xế

Thực tế, ngay từ khi được đưa vào sử dụng, các loại hình xe công nghệ như Uber, Grab nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và “được lòng” người tiêu dùng là do giá cả hợp lý, rõ ràng, chất lượng phục vụ cơ bản tốt. Trong đó, giá cả là điều kiện tiên quyết. Do đơn vị trung gian môi giới, kết nối tài xế và hành khách có nhu cầu không phải chịu nhiều chi phí như mô hình của taxi truyền thống nên giá thành rẻ hơn, và người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc này.

Cuộc chiến giữa các hãng xe công nghệ và taxi truyền thống. (Ảnh minh họa).

Cuộc chiến giữa các hãng xe công nghệ và taxi truyền thống. (Ảnh minh họa).

Lâu nay, người tiêu dùng vẫn có tâm lý chọn giá rẻ nên ngay khi dịch vụ của Uber, Grab ra đời với mức giá ưu đãi hơn, nó đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng. Nhưng vào giờ cao điểm, khi Uber, Grab tăng giá thành, nhiều khách hàng lại chọn taxi truyền thống. Như vậy, để thấy rằng, giá thành của dịch vụ là vấn đề rất quan trọng, quyết định việc người tiêu dùng có lựa chọn dịch vụ đó hay không.

Là một khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ, chị Nguyễn Thu Hằng (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, chị đã quen với việc sử dụng tiện ích công nghệ, ở đâu cũng có thể gọi xe. Chị Hằng cũng hài lòng với giá thành của các hãng xe công nghệ như Uber và Grab, nhất là lại có được cảm giác thoải mái “như đi xe gia đình”.

Bởi vậy, ở góc độ người tiêu dùng, chị Hằng cho biết, chị không muốn quay về “con đường cũ” khi xe công nghệ mà chị hay sử dụng lại bị quản lý như taxi truyền thống.

Anh Lê Hiệp (ở Tây Sơn, Hà Nội) cho biết, từ lâu anh đã ít dùng dịch vụ taxi truyền thống bởi chất lượng không như ý, giá thành lại cao hơn. “So với taxi truyền thống, tôi đi Grab tiết kiệm hơn nhiều”, anh Hiệp nói.

Liên quan đến đề xuất gần đây của Bộ GTVT, anh Hiệp cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước phải tìm cách quản lý sao cho phù hợp để không làm ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp và của cả người tiêu dùng.

“Nếu giờ Grab hay Uber cũng giống như taxi truyền thống thì có lẽ người tiêu dùng như chúng tôi sẽ hết thời được đi xe giá rẻ”, anh Hiệp chia sẻ.

Trong khi đó, một tài xế Grab cũng bày tỏ, anh khá lo lắng trước đề xuất này bởi không chỉ có anh mà nhiều tài xế Grab khác không phải là lái xe chuyên nghiệp, họ chỉ tận dụng lúc nhàn rỗi để đi chở khách, kiếm thêm thu nhập. Nếu buộc Grab gắn mào hay quản lý như taxi truyền thống thì rất bất tiện và có lẽ họ sẽ cân nhắc việc từ bỏ công việc này.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top