LTS: Năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thoái vốn cổ phần của ngân sách tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam. Sau đó, nhận thấy việc thoái vốn tại một doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là không phù hợp, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam đã xem xét và thống nhất phương án khôi phục lại số cổ phần đã thoái vốn tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam.
Trong khi đó, Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu tổng quát là bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý,…
Vì vậy, việc cấp thiết hiện nay là khôi phục vốn Nhà nước sở hữu tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam.
Theo Báo cáo tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam, đối với tình hình tài sản và nguồn vốn của công ty thông qua các số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy tổng tài sản và nguồn vốn trong năm 2022 là 1.733 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2021.
Việc gia tăng tổng tài sản và nguồn vốn được lý giải là do công ty thực hiện đầu tư các dự án, các công trình đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước. Tổng tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp này không chỉ dừng lại ở tài sản liên quan đến các công trình, dự án,… trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh nước sạch mà còn gồm cả tài sản từ các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản,…
Lấn sâu hay lún sâu vào bất động sản?
Trong lĩnh vực bất động sản, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án quy mô tại tỉnh Quảng Nam như dự án Khu đô thị số 9, quy mô khoảng 54,3ha với tổng mức đầu tư khoảng 201 tỷ đồng; Khu đô thị số 9 mở rộng, quy mô khoảng 10,2ha với tổng mức đầu tư khoảng 122,8 tỷ đồng, dự án đầu tư công trình khách sạn Wafaifo Resort Hội An, quy mô 134 phòng với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 290 tỷ đồng,…
Quay trở lại thời điểm năm 2016, khi Tỉnh uỷ Quảng Nam quyết định thoái vốn cổ phần của ngân sách Đảng tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam (tại Quyết định số 153-QĐ/TU ngày 11/3/2016), 11.016.000 cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương hơn 110 tỷ đồng vốn sở hữu Nhà nước tại công ty đã được rao bán. Từ năm 2017, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ty cổ phần, không có vốn Nhà nước, đồng nghĩa Nhà nước mất quyền chi phối tại một doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không những vậy, nhiều mảng kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp này với giá trị vô hình và hữu hình cực kỳ lớn một thời từng thuộc Nhà nước đã nghiễm nhiên bị mất quyền kiểm soát, đồng thời mất luôn lợi nhuận trong đó.
Nhiều người cho rằng, Nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp này với giá trị tương đương 110 tỷ đồng có phần bất cập so với giá trị thực tế của doanh nghiệp đang nắm giữ. Đơn cử với dự án Khu đô thị số 9 được UBND tỉnh Quảng Nam giao chủ đầu tư từ năm 2004 có tổng mức đầu tư 201 tỷ đồng, quy mô 54,3ha, trong đó diện tích đất khai thác thương mại khoảng 20ha (tính đến lần điều chỉnh quy hoạch chi tiết gần nhất và có sự thay đổi về cơ cấu sử dụng đất theo Quyết định số 2596/QĐ-UBND ngày 27/8/2018), gồm đất ở biệt thự (20 lô), đất ở nhà liền kề (1.326 lô).
Đến nay, dự án chỉ mới hoàn thành giải phóng mặt bằng được 44,7ha, chiếm tỷ lệ 82,3% tổng diện tích. Có nghĩa đối với phần diện tích đất khai thác thương mại tại dự án Khu đô thị số 9 được chủ đầu tư bán cho khách hàng từ năm 2017 trở đi, trừ đi chi phí đầu tư và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì lợi nhuận thu về sẽ là một con số không hề nhỏ, đấy là chưa kể đến số lượng lô đất thương mại mà chủ đầu tư sẽ khai thác sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với 9,6ha còn lại.
Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam hiện đang lấn sâu hay lún sâu vào lĩnh vực bất động sản? Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023, một số cổ đông cho rằng quan điểm kinh doanh của lãnh đạo công ty tại một số dự án bất động sản hiện đang bộc lộ nhiều bất cập. Vấn đề bội tín đối với khách hàng đặt cọc mua đất tại dự án Khu đô thị số 9 dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện công ty ngày càng gia tăng. Đã xuất hiện tình trạng khách hàng đến tận trụ sở công ty để treo băng rôn với khẩu hiệu đòi đất, gây ảnh hưởng đến uy tín của một doanh nghiệp được cho là có tiếng tăm tại địa phương.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn thị trường khủng hoảng, khó khăn chưa đến hồi kết cũng tạo ra nguy cơ lớn đối với doanh nghiệp. Điển hình như việc đầu tư công trình khách sạn Wafaifo Resort Hội An với vốn đầu tư khoảng 290 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành trong quý II/2024.
Trong khi đó, vừa qua công ty cũng không thể cân đối được tài chính để trả nợ ngân sách Nhà nước đối với các dự án nước sạch được công ty tiếp nhận, khai thác kinh doanh theo quy định.
Từng dính nhiều sai phạm về đất đai
Năm 2019, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước khu vực III về việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến sử dụng đất của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2017, nhiều thửa đất mà doanh nghiệp này thuê đã sử dụng sai mục đích. Đối với thửa đất 481m2 tại địa chỉ số 284 Phan Châu Trinh (TP. Tam Kỳ), mục đích thuê đất để làm Văn phòng nhà máy nước Tam Kỳ nhưng lại cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội chi nhánh Quảng Nam thuê toàn bộ ngôi nhà xây dựng trên thửa đất đến năm 2028. Trong khi đó, văn phòng Nhà máy nước Tam Kỳ đang nằm trong thửa đất của Nhà máy nước Tam Kỳ tại đường Điện Biên Phủ, TP Tam Kỳ.
Thửa đất hơn 650m2 tại số 86 Phan Bội Châu (TP. Tam Kỳ) được doanh nghiệp thuê từ năm 2016 để xây dựng trụ sở Trung tâm Kiểm định chất lượng nước Quảng Nam nhưng hiện đang sử dụng làm trụ sở Ban quản lý Đầu tư và xây dựng, hội trường, kho lưu trữ của Công ty. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm định chất lượng nước Quảng Nam được thành lập tháng 10/2017 lại nằm trong thửa đất Nhà máy nước Tam Kỳ.
Đối với thửa đất gần 10.300m2 Nhà máy nước Hội An địa chỉ số 332 Lý Thường Kiệt (TP. Hội An) do công ty này quản lý và sử dụng từ 11/4/2003 nhưng đến tháng 1/2019 (trên 15 năm) vẫn chưa có quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất, chưa nộp tiền thuê đất gây thất thu ngân sách Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết diện tích mà Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi của công ty này là hơn 215.800m2, nhưng diện tích cơ quan thuế quản lý lập bộ thu hơn 210.700m2, chênh lệch hơn 5.000m2. Trong đó, có Nhà máy nước Vĩnh Điện (4.700m2) hết thời gian thuê đất ngày 1/1/2011 nhưng đến ngày 30/3/2018 mới ký lại hợp đồng thuê đất; Thửa đất tại TT. Hà Lam (H. Thăng Bình) gần 390m2 được UBND tỉnh cho thuê từ ngày 9/3/2009 nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất và chuyển thông tin sang cơ quan thuế,…
Liên quan đến hoạt động của công ty sau khi cổ phần hoá, năm 2021, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam vì đã không báo cáo theo quy định pháp luật (Công ty không báo cáo theo quy định pháp luật các tài liệu: Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất đã được kiểm toán năm 2017, 2018; Báo cáo thường niên năm 2017, 2018; Nghị quyết và Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm 2018, 2019).