Aa

Kỳ 2: Người dân lẫn quân nhân đều hưởng lợi

Thứ Sáu, 26/03/2021 - 06:00

Những bế tắc về chính sách, pháp lý, dân sinh không được khơi thông thì các thế hệ “sống bám” di tích Kinh thành Huế tiếp tục chào đời, cơi nới, lấn chiếm khiến hệ lụy càng kéo thêm hệ lụy...

Lời tòa soạn:

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế. Khung Chính sách đặc biệt vốn được xem là “chìa khóa vạn năng” giải tỏa những bế tắc lịch sử của dự án này, thì nay việc điều chỉnh Khung chính sách đã càng tạo điều kiện thuận lợi hơn. Đó là cơ sở để người dân sớm bàn giao mặt bằng thực hiện “cuộc di dân lịch sử” trên vùng đất cố đô và tiếp tục thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích Kinh thành Huế.

Mời bạn đọc cùng Reatimes tìm hiểu những chính sách ưu việt này và chia sẻ tâm tư, tình cảm của người dân vùng Kinh thành Huế khi rất nhiều phận đời được đổi thay.

Chính sách “không quên” người quá cố 

Khung Chính sách vừa được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh để thực hiện công cuộc di dân Kinh thành Huế được xem là ưu việt chưa từng có, không chỉ giúp giải phóng mặt bằng sớm trả lại di tích Kinh thành Huế bị lấn chiếm mà còn tạo nhiều điện kiện thuận lợi cho người dân lẫn quân nhân - những người vốn không được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo pháp luật hiện hành.

Khu vực Mang Cá con thuộc Kinh thành Huế
Khu vực Mang Cá con thuộc Kinh thành Huế ngoài cơ quan quân đội còn có nhiều hộ gia đình quân nhân sinh sống là những vướng mắc lịch sử nay được khơi thông. (Ảnh: Đình Huân)

Khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1771/TTg-CN ngày 10/12/2018 vốn dĩ là một cơ chế pháp lý đột phá, đã tháo gỡ những bế tắc trong kế hoạch bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế được đặt ra từ những năm sau giải phóng đất nước đến nay.

Do những yếu tố của lịch sử nên hệ thống di tích kinh thành Huế từ lâu có rất đông người dân làm nhà ở, sinh sống. Trong khi những bế tắc về chính sách, pháp lý, dân sinh không được khơi thông thì các thế hệ “sống bám” di tích Kinh thành Huế tiếp tục chào đời, cơi nới, lấn chiếm khiến hệ lụy càng kéo thêm nhiều hệ lụy khác.

nhiều hộ dân xây dựng lấn chiếm đất di tích ở khu vực di tích Trần Bình Đài
Nhiều gia đình quân nhân, trong đó nhiều hộ xây dựng lấn chiếm đất di tích ở khu vực di tích Trần Bình Đài sẽ được xem xét bố trí đất tái định cư. (Ảnh: Đình Huân)

Khâu đột phá lớn nhất của Khung chính sách là việc không bồi thường cho những hộ dân không đủ điều kiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng lại được “hỗ trợ” gần như ngang với việc bồi thường. Không kể nhà xây, nhà lớn hay những ngôi nhà “ổ chuột”, nhà phên tôn rách… chỉ cần có hộ khẩu, có gia đình riêng, sinh sống thực tế trên khu đất, nhà bị thu hồi, sẽ được bố trí 1 lô đất/hộ tại khu dân cư mới với thiết chế, hạ tầng kỹ thuật tiện ích, kiểu mẫu.

Thậm chí, ngay cả hộ nghèo ở trên những căn nhà “4 tấm phên” không có tiền làm nhà khi di dời giải tỏa cũng được tỉnh vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà miễn phí trên lô đất chừng 70m2 với một căn hộ có gác lửng. “Không ai bị bỏ lại phía sau” - đó là phương châm xuyên xuốt của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đặt ra cho các cơ quan đơn vị khi thực hiện cuộc di dân lịch sử khỏi Kinh thành Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ trao đổi, động viên người dân
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ trao đổi, động viên người dân tại buổi đối thoại giáp đáp thắc mắc người dân 7 phường phải di dời, giải tỏa khỏi Kinh thành Huế. (Ảnh: Đình Huân)

Cũng theo tinh thần ấy, sau khi phát sinh một số vướng mắc, UBND tỉnh Thừa Thiên đã trình bộ ngành liên quan, tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Khung chính sách theo hướng có lợi hơn nữa cho người dân thuộc đối tượng di dời giải tỏa. Cụ thể, quá trình thực hiện di dân khu vực 1 di tích Kinh thành Huế đã xảy một số vướng mắc và được Thủ tướng điều chỉnh Khung chính sách như: Trường hợp thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chuyển quyền cho chủ sử dụng đất khác nhưng diện tích hiện nay lớn hơn diện tích đất tại giấy chứng nhận, tùy theo thời điểm chuyển nhượng mà có những hỗ trợ khác nhau (67 trường hợp tập trung tại P. Phú Thuận); trường hợp xây dựng nhà ở từng bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng sẽ được hưởng sẽ được hỗ trợ 80% theo giá trị tài sản xây dựng mới (theo quy định hiện hành thì không được hỗ trợ); những trường hợp bị thu hồi đất nhưng đã có nhà ở trên cùng địa bàn phường nơi thu hồi đất thì vẫn được xét bố trí 1 lô đất; các trường hợp người tạo lập nhà, đất đã chết, thì cũng được xem xét bố trí 1 lô đất để thờ tự, sinh hoạt chung cho các đồng thừa kế…

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc bổ sung nội dung để thực hiện giao đất cho trường hợp người tạo lập đất đã chết nhưng được bồi thường về đất ở hoặc được hỗ trợ về đất ở bằng giá bồi thường để giảm thiệt thòi cho các hộ. Vì hiện nay, đồng thừa kế đều tha thiết có nhu cầu về bố trí tái định cư để làm nơi sinh hoạt chung cho gia đình và các thế hệ vào các dịp lễ, Tết... để báo hiếu ông, bà, cha, mẹ.

Đồng thời, thửa đất thu hồi có nhiều hộ, nhiều thế hệ, chung quyền sử dụng đất,… Hiện nay, trong phạm vi thực hiện dự án có khoảng 219 trường hợp người tạo lập nhà, đất đã chết. UBND TP. Huế đã tạo lập quỹ đất (khoảng 2.831 lô) để bố trí tái định cư khi triển khai thực hiện dự án; quỹ đất cũng đảm bảo để bố trí tái định cư cho các trường hợp đất thờ tự cho người tạo lập đã qua đời cho các đồng thừa kế. 

Giải bài toán khó khăn ở Trấn Bình Đài

Khung chính điều chỉnh theo văn bản số 222/TTg-CN được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký mới đây theo lãnh đạo Trung tâm Quỹ đất TP. Huế là thông thoáng chưa từng có với bất cứ dự án nào khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, ngay cả dự án lớn như xây dựng sân bay Long Thành.

Các khu dân cư mới dành cho người dân di dời khỏi Kinh thành Huế đã và đang được đẩy nhanh tiến độ
Các khu dân cư mới dành cho người dân di dời khỏi Kinh thành Huế đã và đang được đẩy nhanh tiến độ. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, các khu dân cư này đều có hạ tầng kĩ thuật hiện đại tiện nghi đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người dân đến ở (Ảnh: Đình Huân)

Đặc biệt, Khung chính sách điều chỉnh cho phép Thừa Thiên - Huế giải quyết những vướng mắc khi giải tỏa khu vực di tích Trấn Bình Đài (Mang Cá con). Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Quốc phòng đã thống nhất chủ trương di chuyển toàn bộ cơ quan chỉ huy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế với quy mô khoảng 41,2ha, bàn giao mặt bằng cho địa phương nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế tại khu vực này (theo Văn bản số 1841/BQP-TM ngày 27/5/2020), trong đó có khu vực dân cư tại Trấn Bình Đài thuộc khu vực 1 Kinh thành Huế có diện tích khoảng 9,85ha.

Toàn bộ diện tích đất 9,85ha tại khu vực di tích Trấn Bình Đài (Mang Cá con, bao gồm khu vực Tuyến phòng lộ ngoài tường thành của Trấn Bình Đài) đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2002 cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với mục đích sử dụng là đất quốc phòng. Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có một số hộ gia đình, cá nhân sinh sống. 

Hiện tại, có khoảng 160 hộ (109 “hộ chính”, 51 “hộ phụ”) với khoảng 479 nhân khẩu đang sinh sống trong khu vực này, phần lớn các hộ này là quân nhân của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bệnh viện Quân y 268. Ngoài ra, có khoảng 27 hộ (15 “hộ chính”, 12 “hộ phụ”) là các hộ dân lấn chiếm đất di tích sinh sống tại khu vực Tuyến phòng lộ của Trấn Bình Đài.

Theo tờ trình UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế gửi Thủ tướng Chính phủ, các trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư theo Khung chính sách sẽ được giao đất tái định cư tại khu quy hoạch phía Bắc Hương Sơ, P. An Hòa và P. Hương Sơ (TP. Huế). Dự kiến kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là khoảng 52 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện: Ngân sách Nhà nước (Ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn vốn khác theo quy định pháp luật) trong tổng kinh phí 1.880 tỷ đồng tại Khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1771/TTg-CN ngày 10/12/2018 đảm bảo để thực hiện di dời dân cư tại khu vực này.

Các cuộc tiếp dân, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND TP. Huế thường xuyên được tổ chức để tháo gỡ những vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế. (Ảnh: Đình Huân)

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua xem xét, nhận thấy khu vực Trấn Bình Đài là khu vực 1 di tích, các hộ sử dụng đất tương tự như các trường hợp tại khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào, Tuyến Phòng Lộ,... Tuy nhiên do khu vực này đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh nên vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng. Nếu áp dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định thì thiệt thòi cho các hộ đang sử dụng đất tại khu vực này.

Mặt khác, đây là vấn đề tồn tại lịch sử, các hộ gia đình đang sinh sống trong khu vực chủ yếu là hộ gia đình quân nhân, nếu thực hiện giải phóng mặt bằng các hộ dân đang sử dụng đất tại khu vực Trấn Bình Đài theo quy định đối với đất quốc phòng, các hộ gia đình sẽ không được bồi thường và tái định cư, sẽ rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng cũng như công tác quản lý khu di tích Kinh thành Huế.

Bệnh viện Quân y 268 ở di tích Trấn Bình Đài sắp được di dời
Bệnh viện Quân y 268 ở di tích Trấn Bình Đài sắp được di dời để bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế. (Ảnh: Đình Huân)

Vì vậy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thống nhất tham mưu và đã được Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng Khung chính sách về quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân khu vực này như các hộ lấn chiếm về đất tại khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào, Tuyến Phòng Lộ...

Theo đó, sắp tới các hộ gia đình quân nhân này cũng sẽ được lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Như Reatimes đã thông tin, Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế với cuộc di dân lịch sử ở cố đô Huế với khoảng 2 vạn người, 4.200 hộ. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế bao gồm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng 2.735 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và vốn vay).

Giai đoạn 1 (năm 2019 - 2021): Hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định phạm vi di tích Kinh thành Huế, gồm Thượng thành, các Eo Bầu, Tuyến Phòng lộ, Hộ Thành hào (2.938 hộ) với kinh phí giải phóng mặt bằng 1.880 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư 946 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (năm 2022 - 2025): Tập trung hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định phạm vi các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ) với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng 855 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư 416 tỷ đồng.

Đến nay, tổng số tiền phê duyệt tại khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào và tuyến Phòng Lộ là 1.051,7 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền hỗ trợ các hộ bàn giao mặt bằng đúng quy định và phê duyệt bổ sung). Tổng số tiền đã chi trả 752,1/1.051,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 71,5%. Hiện, TP. Huế đã hoàn thành công tác kiểm kê và thu thập hồ sơ liên quan ở Khu di tích Trấn Bình Đài (Mang Cá con); hoàn thành công tác kiểm kê ở khu vực Hồ Tịnh Tâm với diện tích 18.059m2 và 266 hộ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top