Aa

Kỳ 3: “Mình vừa vào Vatican với Chúa”

Thứ Năm, 23/11/2017 - 06:01

Nói gì thì nói, để bị móc túi tới hai lần liên tiếp trong một chuyến đi, thì đấy là nhục, chứ vinh dự gì đâu? Vì thế tôi đã dành thời gian để soát xét, nghiên cứu kỹ lại “toàn cảnh” vụ việc này, trước hết là tránh cho mình mắc phải một lần nữa…

Xem loạt bài: "Chạm trán thợ “móc” siêu đẳng châu Âu"

Kỳ 1: Dàn thợ “móc” đẹp trai, đầy vẻ hào hoa ở Copenhagen

Kỳ 2: Kỳ 2: Một trung đoàn móc túi dưới tàu điện ngầm ở Paris

Hóa ra, bị móc túi ở châu Âu chả là chuyện mới mẻ gì. Đã xưa như “từ thế kỷ 18”. Sau khi phóng sự tôi viết, đăng kỳ 2 trên reatimes.vn, có bạn Lê Thế Bình đọc rồi comment trên FB tôi, viết “nhõn” một câu: “Từ thế kỷ 18”. Tôi ngơ ngơ hỏi lại: “Hihi… Cũ đến thế rồi ư?”. Bạn Lê Thế Bình liền kể: “Có một câu chuyện từ thế kỷ 18. Một công tước đi xa về, bước xuống ga tàu ở Paris, giơ hai tay lên trời cảm thán: “Ôi, Tổ quốc của tôi!”, xong rồi cúi xuống, thì, ôi thôi, hai cái va li vừa đặt hai bên đã không còn ở đấy nữa”.

Cũ thế, nhưng mà vẫn cứ mới, vì vẫn cứ đang diễn ra hàng ngày. Là “cũ người mới ta” mà…

Vì thế mà vẫn rất cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật… Dày công nghiên cứu, thì thành ra có kỹ năng. Để tự kiểm tra sát hạch kỹ năng quan sát, nhận định của mình sau một quá trình “tu luyện”, tôi làm mấy chuyến thâm nhập xe buýt Hà Nội. Tôi lên xe như khách đi bình thường và ngồi yên lặng nhìn khách lên xuống. Chỉ thoáng qua, đã có thể nhận ra đâu là kẻ trà trộn lên xe buýt để rình cơ móc túi. Nếu bọn chúng có hai, ba đồng bọn, thì phương thức phối hợp như thế nào, mình cũng đã đoán biết được. Tất nhiên, tôi chả dám làm hiệp sĩ săn bắt trộm cắp, cũng chả có thời gian để chủ động xin phối hợp với lực lượng chức năng xử lý.

Có một lần, tôi gọi là có chút nghĩa hiệp. Tôi đang trên xe ghé bến đón khách, thấy một cô sinh viên có vẻ mới ở quê ra nhập học. Ở trạm đợi xe, cô bé lấy tiền trong ví ra để mua bánh rán của một bà bán rong. Xe buýt đến, cô vội bỏ ví vào ba lô đeo trên vai, tay cầm túi bánh rán để lên xe ăn. Cô đã lọt vào tầm ngắm của nhóm móc túi gồm ba thằng. Sắp tới bến dừng, chúng kè kè bên cô. Hai thằng đánh lạc hướng, một thằng ra tay rạch ba lô bằng dao lam và chuẩn bị móc chiếc ví ở trong đó của cô sinh viên. Cô gái và mọi người không hề hay biết gì cả…

Tôi bỗng đứng bật dậy, như trời xui đất khiến sao đó, tôi vỗ vào vai thằng móc ví, gằn giọng, nói khẽ vào tai nó: “Chim mồi đấy. Bọn hình sự đầy trong xe kia kìa. Biến nhanh đi!”. Thằng móc túi rụt tay lại như sờ phải bỏng. Hai thằng cùng nhóm cũng sững người nhìn tôi, rồi liếc nhanh xuống phía sau xe. Không thấy gì đặc biệt, chúng nhìn lại tôi. Tôi gằn giọng: “Ngu! Đang chiến dịch. Biến đi nhanh không vào rọ cả bây giờ!”. Xe dừng, cả nhóm thần hồn nát thần tính, kéo nhau vội nhảy xuống. Khách lên, xe chạy tiếp…

Tôi nói với cô sinh viên: “Cháu xem ba lô đi. Suýt mất ví đấy”. Cô bé bỏ ba lô trên vai xuống, nhìn thấy một đường rạch dài toang hoác, tay chụp vội chiếc ví, mặt tái dại… Tôi ôn tồn: “Bình tĩnh lại đi, an toàn rồi. Về nhà, nhớ vào gúc gồ mà tra cứu về nạn móc túi mà biết cách phòng tránh nhé!”.

Đến bến tới, tôi cũng vội xuống xe. Tôi cũng phải biến nhanh đi, không nhỡ bọn kia phát hiện ra mình “báo động đểu”, nó căm nó đuổi theo, cho mình một đường dao lam rạch vào người thì toi…

Và, thật không ngờ, trong chuyến đi châu Âu gần đây nhất, tôi lại cũng đã tận mắt chứng kiến, hay có thể nói, đã can dự vào mà ngăn chặn một vụ bị móc túi của anh bạn đồng nghiệp cùng đi. Vụ việc xảy ra ngay bên rìa Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, giữa thủ đô Roma của Italia thần thánh.

Quảng trường Thánh Peter ở Vatican

Quảng trường Thánh Peter ở Vatican

Chuyến đi này, chúng tôi bắt đầu bằng chuyến bay đến Nice, một thành phố tuyệt đẹp, tỉnh lỵ của tỉnh Alpes-Maritimes, thuộc vùng hành chính Provence Alpes Côte d'Azur bên bờ biển Địa Trung Hải của nước Pháp. Xe chạy bên bờ biển. Nước biển xanh thẫm. Nắng vàng hươm. Những cô gái mặc bikini, da trắng muốt nằm dài trên bãi sỏi trắng (chứ không phải cát), như ngay bên cửa xe, giơ tay ra là có thể chạm vào được. Buổi chiều, thả bộ dọc phố biển, tò mò vào casino nhỏ ở khách sạn, bỏ ra mấy chục euro chơi trò poker, lại thắng được gần trăm, ăn non, ra hè uống bia lạnh với đồ nướng, ngắm biển.

Rồi từ Nice, chúng tôi đi ô tô lòng vòng trên sườn núi, thả tầm mắt xuống biển Địa Trung Hải, phóng tầm mắt lên trời Địa Trung Hải, trên đường đến công quốc Monaco, xứ sở những người giàu nhất thế giới. Thấy máy bay trực thăng cá nhân bay đầy như chuồn chuồn trên mặt nước ao hợp tác xã quê mình lúc trời sắp mưa. Vào vườn thượng uyển ngắm kỳ hoa dị thảo. Vào cả đại sòng bạc Monte Carlo xem người ta đen đỏ. Cóc nhảy, ốc sên cũng nhảy, dám bỏ ra vài trăm euro chơi. Cờ bạc đãi tay mới, được vài trăm, cười phe phé, kéo tay nhau rút ra. Lại ngồi vỉa hè, bia tươi thịt nướng.

Sau đó chúng tôi đi tàu cao tốc đến Venice, thành phố trên mặt biển của Italia. Đêm ngủ trong khách sạn Hilton, cả ngàn đô một đêm. Sáng dậy, bỏ tiệc buffet sáng đồ Tây, đun nước sôi úp phở ăn liền chén rồi thưởng trà Thái Nguyên mang theo. Xuống sảnh khách sạn, nghe bác nhà báo già biết chơi piano, đang dạo các ngón tay trên phím dương cầm “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn.. Thấy văn hóa của mình thật là đậm đà bản sắc, hòa nhập nhưng không hòa tan…

Và chúng tôi đến Roma. Đủ các điểm tham quan kỳ thú. Rồi vào thăm Thành quốc Vatican, quốc gia quân chủ thần quyền, nhỏ xíu về quy mô dân số và diện tích, đặc biệt nhất hành tinh. Quốc gia chỉ có diện tích khoảng 44ha, dân số hơn 800 người, nhưng là tập trung cao nhất giáo quyền của Giáo hội Công giáo. Chúng tôi say mê đi và ngắm Vương cung thánh đường Thánh Peter, Cung điện Giáo hoàng, Nhà nguyện Sistine, các bảo tàng, các công trình kiến trúc…

Sau một vòng tham quan Vatican căng đầy cảm xúc, chúng tôi từ nhà nguyện Sistine ra Quảng trường Thánh Peter. Hùng vĩ, rộng mở, thênh thang, mênh mang… Cả một không gian hoành tráng, thật sự chứ không phải chỉ thấy trong tivi và phim ảnh, đang bày ra trước đôi mắt tôi mở to…

Chiều xuống, chúng tôi thư thái, túc tắc thong dong thả bộ từ Quảng trường Thánh Peter qua Cầu Thiên Thần (Ponte Sant'Angelo) để bước sang Roma, đi ra chỗ ô tô đợi đưa về khách sạn nghỉ ngơi.

Tác giả ở Paris

Tác giả ở Paris

Trên đường, tôi thấy một đám đàn bà con gái có vẻ là dân nhập cư, có người ôm cả con nhỏ, đang tụ tập để ngồi chờ xin tiền khách du lịch đi qua. Đi qua một đoạn, tôi bỗng thấy lành lạnh sau gáy, quay người lại quan sát. Thấy anh bạn đồng nghiệp đi sau một đọan, đang bị mấy phụ nữ chặn lại. Một ả ôm đứa bé cứ dâng lên dí sát vào mặt anh và đang nói gì đó. Có mấy ả khác đứng quanh. Thôi chết rồi. Tôi chạy vụt lại. Cũng trời xui đất khiến thế nào đó, tôi vỗ mạnh vào vai mụ đàn bà ôm đứa bé, kêu to lên (Chả hiểu sao lại kêu tiếng Pháp, tiếng Anh lẫn lộn thế): “Oh, non, non! Voleur à la tire! Stop, stop!” (Ôi, không , không! Bọn móc túi! Dừng lại, dừng lại!). Ả móc túi giật thót mình. Cái ví của anh bạn tôi rơi ngay xuống dưới chân. Tôi cúi nhặt vội lấy rồi kéo anh bạn đi nhanh.

Nhận lại cái ví, anh bạn tôi, mặt tái dại, lắp bắp hỏi: “Sao thế? Sao thế nhỉ? Tôi để ví tôi sâu phía túi trong áo vét cơ mà!”. Tôi thủng thẳng: “May mà mình tâm thành, vừa vào Vatican với Chúa nên Chúa thương khó mà cứu xét cho đấy”.

Rồi tôi giảng giải: Cái ả bế con ấy nó dùng đứa bé dâng lên che mắt anh, nải nỉ như xin anh là để đánh lạc hướng anh mà móc cái ví. Chúng nó quan sát thần kỳ lắm, biết anh để ví ở đâu, biết anh dễ cảm động với trẻ con đấy.

Thôi, may rồi…

Ở Roma, nơi nào có khách du lịch thì ở đấy có bọn trộm cắp tập trung đến. Nhiều nhất chính là ở khu Vatican, Spanish Steps và đấu trường Colosseum mà ta đã qua. Còn các khu khác nữa, như Prati, Trionfale, Via Emo, Plaza Cavour…

Tôi tranh thủ chia sẻ với anh bạn, giờ cũng liệt kê ra đây luôn cho bạn đọc, nếu thấy cần thì ghi nhớ, các “thủ đoạn” của bọn móc túi châu Âu:

Bọn trộm thường giả làm du khách bị lạc, mở bản đồ ra xem và đến gần bạn khi bạn mất cảnh giác, giả vờ hỏi han. Bạn nhiệt tình, thân ái chỉ vẽ, hướng dẫn. Tốt quá! Tấm bản đồ sẽ che mắt bạn để chúng hành sự rất nhanh.

Cao cấp hơn là chúng giả làm ăn xin, dùng đứa trẻ con đang bế để vừa che mắt vừa đánh lạc hướng bạn mà thi triển tặc nghệ, như tôi vừa kể.

Có loại thợ “móc” đóng giả làm người say rượu, người đi đường, vô tình va vào bạn, ôm chầm rất thân thiện với bạn, xin lỗi bạn rất đáng yêu và nhanh như chớp, ví hoặc tiền của bạn đã sang tay chúng mà bạn không hiểu nổi.
Ở chỗ đông người, nếu nhận ra bạn là một “con mồi”, chúng là một đội, hoạt động theo nhóm, kẻ thì đóng kịch thu hút sự chú ý của bạn với đủ các kịch bản không ngờ, kẻ thì “thó” rất nhanh đồ của bạn rồi chuyền tay nhau mất tiêu.

Tất nhiên, hiểu biết của tôi rất có hạn. Bạn hãy hỏi han thêm, tra cứu thêm trên mạng. Còn có rất nhiều thủ đoạn và tình huống “đặc sắc” nữa.

Hiểu biết ấy sẽ giúp ta an toàn, giúp ta không sợ hãi, giúp ta phòng tránh và làm chủ… Vì thế mà chuyến đi công tác và du lịch của ta trở nên trọn vẹn. Dù có tệ nạn móc túi, châu Âu, cũng như nhiều nơi khác lý thú trên thế giới, vẫn là những quyến rũ, đáng để ta thu xếp mà đi qua thăm thú, mà trải nghiệm.

Tôi xin ghi ra đây những lời khuyên của Tripadvisor (Một trang web làm cho cộng đồng du lịch lớn nhất thế giới), có thể giúp cho bạn tăng cường an toàn trước tệ nạn khi đi du lịch:

Đừng bao giờ để ví tiền hoặc vật có giá trị vào túi sau, dù cho bạn có nút cài chắc chắn hay thậm chí may khâu lại đi chăng nữa. Đây là mục tiêu bọn móc túi dễ tiếp cận nhất;

Cẩn thận với những chiêu đánh lạc hướng như đánh rơi đồ dùng, làm đổ nước lên người bạn hoặc như là vô tình va vào bạn. Hãy dè chừng cao độ bọn “hai ngón” khi bạn đang ở trong đám đông;

Các tên móc túi thường hoạt động theo cặp hoặc theo nhóm. Hãy thận trọng với bất kì người lạ nào. Nhiều người nhìn có vẻ như không phải người xấu, như trẻ em hoặc người già, nhưng thực ra họ là một phần của một băng nhóm lớn;

Luôn cảnh giác ở những nơi đông đúc hoặc chật hẹp. Hạn chế đứng ngay cửa tàu, xe vì bọn trộm cắp sẽ có cơ hội ùa vào chỗ bạn khi cửa mở;

Trước khi bắt đầu chuyến đi, bạn hãy cắt giảm bớt vật dụng tư trang mang theo trong túi xách hoặc ví, vì ví và túi càng to càng dễ bị bọn trộm để ý.

Và, để kết thúc thiên phóng sự này, tôi muốn gửi lời chúc đến các bạn, nếu có điều kiện đi du lịch và công tác ở châu Âu: Hãy lên đường may mắn và mang về thật nhiều cảm nhận tốt đẹp trong những trải nghiệm của mình!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top