Không đợi chống dịch xong mới khôi phục sản xuất và thông thương hàng hoá, Bắc Giang đã có những kiến nghị, quyết sách đúng đắn vào chính những thời điểm cam go nhất của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bài học “luồng xanh” cho vải thiều thông thương là một trong những kiến nghị kịp thời giúp Bắc Giang thắng lớn trong vụ vải thiều khi nó đang ở cao trào của dịch Covid-19.
Vải thiều “vượt bão” Covid-19…
Như Reatimes đã thông tin trước đó, nói về những bài học trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang, Chính phủ và nhân dân cả nước không chỉ ghi nhận hiệu quả từ phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, mà còn ấn tượng bởi sự nhạy bén, những kiến nghị kịp thời trong việc giúp vải thiều “vượt bão Covid” thắng lớn khi nó đang ở cao trào của dịch bệnh.
Còn nhớ thời điểm đầu tháng 5/2021, khi vải thiều đã bắt đầu chớm đỏ trên những dẻo đồi Lục Ngạn, nhiều người đã nghĩ đến kịch bản không mấy tốt đẹp cho vải thiều Bắc Giang. Thông tin về việc “giải cứu” vải thiều được lan truyền râm ran trên các trang mạng xã hội. Một số trang xuất hiện hình ảnh các điểm bán nông sản ghi dòng chữ “giải cứu” vải thiều với giá rất thấp, trong khi phải đến đầu tháng 6, vải thiều Lục Ngạn mới bắt đầu chính vụ.
UBND Tỉnh Bắc Giang sau đó đã có công văn gửi Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tiếp tục quan tâm tuyên truyền về chất lượng vải thiều Bắc Giang.
Bắc Giang cũng đề nghị không dùng từ “giải cứu” trong các tin, bài khi tuyên truyền mà cần lan toả, nâng cao giá trị của trái vải thiều Bắc Giang.
Theo Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bắc Giang đã chủ động cho xây dựng kịch bản, các tình huống cụ thể cho vụ vải thiều ngay từ đầu, chứ không phải cứ ngồi “kêu khó”.
Bắc Giang đã cho xây dựng kế hoạch sản xuất vải an toàn “không COVID-19” ; tập trung chỉ đạo khâu sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng mã vùng trồng cụ thể và hướng đến sản phẩm có chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Tỉnh cũng sớm xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều ngay từ đầu vụ với 3 kịch bản; kể cả trường hợp xấu nhất là đưa vải vào sấy, nếu gặp khó khăn trong tiêu thụ….
Đặc biệt, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vào chiều 31/5, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đã có những chia sẻ và kiến nghị cụ thể với lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành khác.
Bí thư Dương Văn Thái cho biết, điều Bắc Giang lo nhất là từ ngày 10/6, vào chính vụ thu hoạch vải thiều với sản lượng lên đến 140.000 tấn. Ước tính, mỗi ngày có đến 10.000 đến 20.000 tấn vải cần được tiêu thụ ra khỏi tỉnh vào thời điểm thu hoạch rộ. Vải chất lượng rất tốt, xuất khẩu sang Nhật Bản tiêu thụ nhanh, giá tốt. Đầu vụ, việc xuất khẩu vẫn thuận lợi nhưng khi thu hoạch rộ, tỉnh tính đến phương án tiêu thụ nội địa 70%, xuất khẩu 30%.
Lo ngại của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp theo ông Thái là phương tiện vận chuyển vải thiều, nhất là các xe container chuyên dụng có khả năng bảo quản vải thiều để xuất khẩu. Bên cạnh đó là quá trình lưu thông qua các chốt trạm của các tỉnh, thành phố làm kéo dài thời gian vận chuyển, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông vải thiều…
“Vì vậy, Bắc Giang mong các Bộ, ngành tham mưu cấp cho “luồng xanh” riêng trong lưu thông vải thiều đi qua các địa phương”, ông Thái kiến nghị.
Cũng sau cuộc họp quan trọng này, ngày 2/6, UBND Tỉnh Bắc Giang đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương “mở luồng xanh” cho phép xe chở vải thiều được lưu thông nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khi có giấy xác nhận an toàn do Chủ tịch UBND tỉnh cấp.
Ngay sau đó, "luồng xanh" cho vải thiều được thiết lập từ Bắc Giang tới các cửa khẩu, sang Trung Quốc…
Đặc biệt, ngay sau Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều do UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/6, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được “ngồi” trên ghế khoang hành khách máy bay bay tới TP.HCM và lần đầu tiên được xuất khẩu theo hình thức sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ghi nhận đáng mừng là vải thiều Bắc Giang có mặt ở cả những thị trường khó tính nhất như: Nhật Bản, Úc, Singapore và đến cuối tháng 6, những tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã được xuất khẩu, thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (CHLB Đức), đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Thắng lớn!
Có thể khẳng định như vậy bởi sau những kiến nghị, sự vào cuộc kịp thời của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang, vải thiều Bắc Giang đã “vượt bão Covid” thành công và thắng lớn, sản lượng tiêu thụ đạt hơn 210 nghìn tấn, vượt xa kỳ vọng và mục tiêu mà Bắc Giang đã đề ra.
“Trái vải của Bắc Giang đã bay cao hơn 10.000m và bay xa 32 nước” đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nhận định. Vải thiều trở thành thương hiệu được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng và “cháy hàng” ngay cả khi nó đang còn ở tâm dịch.
Theo báo cáo của UBND Tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2021 của Bắc Giang vượt bão Covid thành công với “3 cái nhất” đó là sản lượng tiêu thụ lớn nhất (215.000 tấn); chất lượng tốt nhất và diện tích trồng theo VietGAP và GlobalGAP, xuất khẩu chính ngạch được vào những thị trường khó tính nhất như Nhật, Pháp, Đức…
Tại thị trường trong nước ghi nhận sự mở rộng với sản lượng lên tới 65%, trong khi những năm trước chỉ đạt 45% đến 50% tổng sản lượng. Vụ vải thiều lịch sử năm 2021, có thể nói, Bắc Giang vừa được mùa, vừa được giá, tiêu thụ tốt với doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng. Thực tế này đã góp phần để Bắc Giang đạt kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái, chưa năm nào, Bắc Giang được các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều mạnh mẽ, kịp thời như năm nay, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải... Các khó khăn vướng mắc đều được các bộ giải quyết rất sớm, rất nhanh.
Có thể nói, trong “cái khó ló cái khôn”, đúng như những gì mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nhận định về cách làm kịp thời của Bắc Giang. Điều này không chỉ đúng bởi những gì Bắc Giang đã làm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, vừa chống dịch, vừa sản xuất mà còn cả việc thông thương hàng hoá, tìm giải pháp và cách làm kịp thời trong tiêu thụ vải thiều và tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Đây sẽ là bài học có ý nghĩa thiết thực đối với nhiều địa phương trong cả nước, trong đó, chống dịch nhưng không quên tìm phương án phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là việc chăm lo, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trong tiêu thụ nông sản ngay cả khi dịch bệnh đang ở thời điểm cam go nhất.