Một câu hỏi đặt ra: Vậy ông Vũ Hùng Tân có phải là người thừa kế hợp pháp tài sản của cụ Vũ Văn Xuân không? Nếu không chứng minh được điều này thì tất cả các bằng chứng và nhân chứng kia đều vô nghĩa.
Hôm đến UBND quận Ba Đình, anh Tuất, Chánh văn phòng, có nói với chúng tôi: "Ông Tân phải có di chúc mới được hưởng thừa kế". Câu nói tuy không được chuẩn lắm về mặt pháp lý song cũng đặt ra trên chặng đường "chạy đua với thần chết" một ngáng trở lớn: phải chứng minh được bằng giấy tờ pháp lý ông Vũ Hùng Tân là con cụ Vũ Văn Xuân.
Dân làng Yên Phụ ai cũng công nhận là đúng, song vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Đã ra công lý là phải giấy trắng mực đen.
Trong tập hồ sơ của chúng tôi, ông Tân không để lại một giấy khai sinh hoặc bản lý lịch gốc nào. trong lý lịch Đảng viên ông Tân tự khai năm 1975 có ghi bố là Vũ Văn Xuân, mẹ là Ngô Thị Hiền, có dấu xác nhận của tổ chức Đảng, song dù sao về giá trị pháp lý cũng chưa chắc chắn. Chúng tôi quyết định đi tìm bản lý lịch gốc của anh trai ông Tân là liệt sĩ Vũ Văn Phong.
Trên bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Vũ Văn Phong có ghi: Nguyên quán Hà Nội. Chúng tôi tới Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội tại khu liên cơ Vân Hồ. Các anh ở phòng chính sách sau một hồi lục hết ngăn hồ sơ này đến ngăn hồ sơ khác rồi lắc đầu: không có tên liệt sĩ Vũ Văn Phong trong hồ sơ lưu trữ. Các anh khuyên chúng tôi lên phòng lưu trữ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội may ra thì có.
Văn phòng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đang thay da đổi thịt với những cần cẩu xây dựng, với những ô tô, xe máy bóng nhoáng, với những bộ quần áo lịch sự, sang trọng. Chỉ có ngôi nhà hai tầng cũ kĩ nằm tít sâu trong cùng là lặng lẽ, thâm trầm. Đó là phòng lưu trữ của Bộ.
Chị Nguyễn Thị Lan tuổi ngoài 40, người chắc lẳn, da bánh mật. Chị sốt sắng dẫn chúng tôi đi khắp các phòng lưu trữ hồ sơ liệt sĩ. Lòng tôi rực lên một cảm giác kỳ lạ. Cho dù biết rằng qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, hàng vạn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, song chúng tôi không hề nghĩ rằng máu đã đổ nhiều đến thế này. Các ngăn hồ sơ đầy ắp, yên ắng, bụi bặm.
Chị Lan nói các liệt sĩ thời chống Mỹ thì còn trong hồ sơ, còn thời chống Pháp chỉ có danh sách thôi. Chị lục tìm trong những chồng quyển ghi danh sách liệt sĩ dày cộp, lấy quyển số Zd 781B. Lướt tay qua hàng trăm liệt sĩ có vần "Ph" chúng tôi tìm được dòng chữ: Vũ Văn Phong, sinh năm 1924, hy sinh năm 1948 tại biên giới Việt- Lào. ở cột thân nhân chủ yếu, có một dòng chữ: Vũ Hùng Tân, sinh năm 1926, em ruột.
Như vậy, chúng tôi mới chỉ chứng minh được ông Tân là em ruột ông Phong. Còn hai ông có là con cụ Vũ Văn Xuân không thì chưa có một bằng chứng nào.
Có người bảo: Các ông cứ vẽ chuyện, đất nước qua mấy cuộc chiến tranh, bom đạn cày từng mét vuông đất, kiếm đâu ra giấy tờ từ thời Pháp thuộc đến giờ.
Quả đúng là như vậy, song ra trước các nhà chức trách nói phải có sách, mách phải có chứng. Chúng tôi nghĩ rằng cả mấy chục năm trời, gia đình ông Vũ Hùng Tân chưa đòi lại được quyền sở hữu ngôi nhà 27 Yên Phụ phần do chiến tranh liên miên, phần bận công tác xa Hà Nội, và phần quan trọng nữa ông không trình được đầy đủ các giấy tờ hợp pháp về quyền thừa kế của mình. Ngay như chúng tôi - các nhà báo- với những điều kiện đặc biệt mà còn tìm bằng chứng đến toát mồ hôi hột.
Kỳ sau: Đi tìm giấy khai sinh từ thời Pháp thuộc!