Theo nguồn thông tin từ một cuộc giao ban của UBND thành phố Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo Ủy ban đã lưu ý nhắc vụ việc ngôi nhà 27 phố Yên Phụ như một việc cần làm ngay, đặc biệt sau khi có công văn của Sở Nhà đất xác nhận gia đình ông Tân có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu ngôi nhà 27 Yên Phụ.
Như vậy, chắc chắn việc nhà cửa của gia đình ông Tân sẽ được giải quyết. Chúng tôi thật sự mừng cho gia đình ông và dự định lên tận nơi báo tin vui này. Biết đâu, một sức sống tiềm ẩn nào đó trong ông trỗi dậy sẽ cứu ông thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo...
Anh Phạm Minh, giám đốc công ty xây dựng sông Đà số 1, một người bạn của báo Thương Mại, nói với chúng tôi:
- Bữa nào các anh lên thăm gia đình ông Tân, tôi sẽ giúp một chuyến xe.
Anh Thái Hà, phóng viên báo Nhân Dân đồng thời là con nòi một nhà thuốc đông y gia truyền, đề nghị:
- Các thày - Anh thường xưng hô với bạn bè như vậy - có lên Vĩnh Yên cho tôi bám càng với. Tôi sẽ thăm bệnh và biếu ông Tân ít thuốc.
Vào một ngày đầu tháng 5/1992, trời nắng nóng, chúng tôi lên thăm gia đình ông Tân. Chiếc xe du lịch bốn chỗ ngồi nhưng phải "thâm canh'' thành sáu.
Trong chuyến đi có cả giám đốc Phạm Minh và anh Nghĩa- trợ lý giám đốc. Chúng tôi lỉnh kỉnh nào nho, nào xoài làm quà cho người ốm. Anh Thái Hà mang đủ thứ kim châm cứu, thuốc đông y, tây y...Tất cả đều háo hức. Không hiểu sao con người ta mỗi khi làm việc thiện, trong lòng lại thanh thản một cách lạ kỳ.
Từ Hà Nội lên Vĩnh Yên chưa đầy 60 km. Dọc đường, chúng tôi nói nhiều thứ chuyện, song cuối cùng vẫn xoay quanh chuyện ngôi nhà của ông Tân. Anh em chúng tôi xác định thế nào UBND thành phố Hà Nội cũng sẽ phải giải quyết quyền lợi gia đình ông một cách thoả đáng, bởi vì với gia đình liệt sĩ nghèo, Nhà nước còn xây hẳn những "ngôi nhà tình nghĩa" để biếu, huống hồ là việc trả lại nhà cho họ.
Xe dừng lại trước cửa nhà ông Tân, chúng tôi bỗng lạnh toát cả người. Khăn tang trắng nhà. Ông Tân đã qua đời rồi sao? Trời ơi, chẳng lẽ trước khi nhắm mắt, ông không kịp nhận những tin vui mà nửa cuối cuộc đời ông hằng mong đợi sao? Chúng tôi lặng lẽ xuống xe và thầm cầu mong những chiếc khăn tang đó không phải dành cho ông...
Sự thật phũ phàng. Chúng tôi lần lượt đứng cạnh bàn thờ ông Vũ Hùng Tân, cúi đầu từ biệt người quá cố. Nước mắt tôi cứ ứa ra. Từ lần trước lên thăm ông, nhìn thần sắc của ông, chúng tôi biết ông chẳng sống được bao lâu nữa. Song sự việc hôm nay vẫn quá bất ngờ. Gương mặt gầy và đôi mắt buồn thăm thẳm của ông trên bàn thờ nhìn chúng tôi không chớp. Chúng tôi biết mình có lỗi với ông, không hịp chứng minh để ông biết rằng công lý vẫn còn sức sống mạnh mẽ trên mảnh đất quá đỗi đau thương này.
Bà Trần Thị Sinh- vợ ông Tân- vừa khóc vừa kể lại sự việc lúc ông Tân ra đi. Ông chỉ kịp dặn vợ và các con dù nhà có nghèo mấy thì cũng đùm bọc lấy nhau, thương lấy nhau và cố gắng đòi được căn nhà cha ông để lại. Bà Sinh nói trong nước mắt:
- Bà con hàng phố tình nghĩa lắm, giúp đỡ chúng tôi đủ thứ. Chưa bao giờ có một đám tang người đưa đông như thế . Trên đường ra mộ, 3 lần ông ấy về hóa bát hương. Hôm sau, họ hàng ở Hà Nội lên, bát hương lại hóa lần nữa. Ông ơi ông sống khôn chết thiêng...
Chúng tôi an ủi bà:
- "Chết trẻ làm ma, chết già làm hội". Ông nhà hưởng thọ 69 tuổi cũng là đã toại nguyện. Duy có điều...
Chợt nhớ ra tôi hỏi bà Sinh:
- Thế ông nhà có để lại di chúc gì về ngôi nhà 27 Yên Phụ không?
Bà Sinh gật đầu trả lời: "Có" rồi đưa cho chúng tôi bản di chúc của ông Vũ Hùng Tân, có chứng kiến của chính quyền phường Liên Bảo. Trong di chúc, ông Tân đã uỷ thác toàn bộ việc giải quyết ngôi nhà 27 Yên Phụ cho cô con gái lớn là Vũ Thị Thu.
Đã gần trưa, trời nóng như lửa đốt. Cô Thu dẫn chúng tôi ra thăm mộ ông Tân. Đường trung du, đá ong xào xạo dưới bánh xe. Đồi lô xô bát úp. Tự nhiên, tôi nhớ tới lời kể của bà Sinh về những bát hương tự bốc cháy. Có người bảo đấy là điềm báo người chết còn nhiều oan khuất, người khác lại giải thích ngược lại, có oan khuất nhưng đã được giải. So với thực tế, cả hai đều đúng với trường hợp của ông Tân. Hai mươi tám năm khăn gói đi đòi ngôi nhà cha ông để lại mà không được, đó chẳng phải là một nỗi oan sao? Và giờ đây, chắc chắn việc sở hữu ngôi nhà sẽ được giải quyết, đó chẳng phải là một nỗi oan được giải rồi sao?
Mộ ông Tân đặt trên một mảng đồi thấp, sát đường đi. Các vòng hoa đã héo tàn. Chúng tôi thắp hương cầu khấn cho linh hồn ông được thanh thản. Ông Tân ơi, xin ông hãy yên nghỉ nơi vĩnh hằng. Chúng tôi sẽ gắng hết sức mình để mong muốn cuối cùng của cuộc đời ông trở thành hiện thực. Thần chết chỉ có thể cướp đi sinh mạng của ai đó chứ không thể chôn vùi công lý trên trái đất này. Có ai đó giật áo tôi: "Ta về thôi" khiến tôi chợt tỉnh. Tôi khấn hương hồn ông Tân lần nữa rồi quay về.
Thấy chúng tôi nặng trĩu ưu tư, anh Phạm Minh an ủi:
- Dù sao hôm nay chúng ta đã làm được một việc thiện. Vấn đề quan trọng là phải giúp gia đình ông Tân một cái gì trong lúc khốn quẫn này...
Anh lẳng lặng lấy ra 200 nghìn đồng biếu bà Sinh. Cả nhà lặng đi trong xúc động.
"Chạy đua với thần chết" về đích!
Sau loạt bài báo đăng "Chạy đua với thần chết", ngày 26/5/1992, UBND thành phố Hà Nội tổ chức cuộc họp hội đồng do đồng chí Đinh Hạnh, Phó chủ tịch UBND thành phố, chủ trì để giải quyết vấn đề quyền sở hữu ngôi nhà số 27 Yên Phụ.
Thành phần tham dự có đại diện Sở Nhà đất Hà Nội, UBND quận Ba Đình, Công ty dịch vụ - du lịch Ba Đình và báo Thương Mại
Tất cả các bên đều được nêu ý kiến của mình.
Cuối cùng, đồng chí Đinh Hạnh kết luận: Trên tinh thần đầy đủ trách nhiệm với dân, UBND thành phố xác nhận quyền sở hữu của gia đình ông Vũ Hùng Tân tại ngôi nhà số 27 Yên Phụ.
Như vậy, sau 28 năm khiếu nại đòi lại ngôi nhà của cha ông để lại, gia đình liệt sĩ Vũ Văn Phong và hai thương binh Vũ Hùng Tân, Vũ Văn Tiến đã được toại nguyện.