Aa

Kỳ cuối: Tìm lối ra cho những đô thị chậm tiến độ, chủ đầu tư “xí phần” dự án

Thứ Ba, 28/03/2023 - 14:15

Nhiều chủ đầu tư ở Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc chỉ đầu tư thi công hạ tầng chỗ dễ dàng nhất để bán mà chưa nghĩ đến tái định cư cho các hộ dân. Đó là nguyên nhân khiến nhiều dự án rơi vào bế tắc…

LTS: Trong ranh giới Quy hoạch phân khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) hiện có 83 dự án và phần lớn là dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Đáng chú ý, trong các dự án đang hiện hữu tại đô thị mới, có nhiều doanh nghiệp làm chủ đầu tư đồng thời của nhiều dự án. Những dự án đó có thể nằm liền kề nhau, tạo nên một chuỗi dự án thuộc cùng… một chủ đầu tư. Cũng có những dự án nằm cách xa nhau, phân tán tại nhiều khu vực của đô thị mới. Tuy nhiên, dù là nằm kề hay phân tán, nhưng trong tình hình khó khăn từ khâu giải phóng mặt bằng, khó khăn vì thị trường đóng băng… cũng tạo nên một chuỗi vướng mắc cho doanh nghiệp. Hệ quả là hàng loạt dự án triển khai trì trệ, thi công dang dở… làm cho hình hài đô thị mới vẫn chỉ nằm trên kỳ vọng, gây bức xúc trong xã hội suốt thời gian dài.

Để giải quyết những vướng mắc, tồn tại ở nhiều dự án trên địa bàn, nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thị xã Điện Bàn đã nhiều lần có những chỉ đạo đối với từng dự án, yêu cầu các ngành đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cũng như đề nghị chủ đầu tư cần thiện chí, phối hợp chặt chẽ hơn trong giải quyết các vướng mắc để thực hiện dự án đúng tiến độ.

Quảng Nam sẽ quyết liệt xử lý mạnh tay đối với các chủ đầu tư xí phần dự án.

“Tối hậu thư” cho các dự án “xí phần”?

Đặc biệt, ngay đầu năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt hơn về vấn đề những vấn đề kể trên. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã có chỉ đạo đối với các sở, ban, ngành và các địa phương về phối hợp giải quyết các dự án đầu tư chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Trong nhóm các dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị, đối với nhóm các dự án chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá khả năng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo các phương án:

- Đối với nhóm dự án có diện tích vướng giải phóng mặt bằng với tỷ lệ nhỏ so với tổng diện tích dự án, khả năng giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại cao, cộng đồng dân cư ủng hộ và nhà đầu tư quyết tâm thực hiện thì cho gia hạn tiến độ thực hiện dự án phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

- Đối với nhóm dự án có diện tích vướng giải phóng mặt bằng với tỷ lệ lớn so với tổng diện tích dự án, khả năng giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại không cao, cộng đồng dân cư không ủng hộ thì điều chỉnh tách phần diện tích không thể giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, đưa vào chỉnh trang.

- Đối với các dự án không có tính khả thi trong công tác giải phóng mặt bằng thì tổ chức kiểm tra, rà soát điều chỉnh quy hoạch đưa vào chỉnh trang để kết thúc dự án.

- Đối với nhóm dự án kéo dài nhiều năm nhưng chỉ mới thực hiện thủ tục đầu tư, chưa triển khai, chưa giao đất thì UBND cấp huyện kiểm tra, rà soát, tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp (đối với dự án thuộc địa bàn quản lý của Ban quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp) để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh hoặc dừng thực hiện dự án.

- Đối với các dự án chậm tiến độ do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, thiếu năng lực thì kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh chấm dứt một phần hoặc toàn bộ dự án.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam phấn đấu xử lý, giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ trước ngày 31/12/2024. Đấy cũng là thời điểm mà nhiều dự án gặp vướng mắc tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc nói riêng và trên địa bàn thị xã Điện Bàn nói chung đã hết thời hạn thực hiện theo tiến độ được gia hạn.

Nếu lúc đó, những dự án mặc dù được gia hạn nhưng vẫn chưa về đích thì sẽ phơi bày sự thật về trách nhiệm cũng như năng lực của chủ đầu tư. Có lẽ lúc đó cũng sẽ không còn những lý do khách quan trong đề xuất tiếp tục được giãn tiến độ như khó khăn bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, vướng mắc khách quan trong công tác giải phóng mặt bằng… được chủ đầu tư viện dẫn nữa!

Theo tìm hiểu của Reatimes, trên thực tế hầu hết người dân bị ảnh hưởng do giải tỏa, tái định cư trong vùng dự án phát triển Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đều đồng tình, ủng hộ chủ trương chung, sẵn sàng di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm nhất chính là việc bố trí tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề… sao cho hợp lý, hợp tình. Nhiều chủ đầu tư chỉ chăm chăm lợi ích của mình, chọn những khu đất “nhiều nạc” đầu tư hạ tầng xong, mở bán mà không hề quan tâm đến việc dành quỹ đất để bố trí tái định cư. Chính vì vậy, người dân trong vùng dự án mất niềm tin vào chủ đầu tư, họ không hợp tác trong di dời, bàn giao mặt bằng, dẫn đến các hệ lụy lâu dài tại các khu đô thị: Hạ tầng không khớp nối, xuống cấp, khiếu nại khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự tại địa phương…

Khu vực “ngã ba” của các dự án: Khu đô thị Nam Ngọc - Khu đô thị Đông Dương - Khu đô thị, dịch vụ du lịch ven sông Cổ Cò. Ảnh: HT

Chủ đầu tư cần xem mỗi dự án đều là “dự án trọng điểm” của chính mình và của xã hội!

Để một dự án được triển khai đạt hiệu quả, tuân thủ đúng tiến độ đã được đề ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan; tình hình giải phóng mặt bằng; tiềm lực và trách nhiệm của chủ đầu tư… Trong đó, vai trò của chủ đầu tư là yếu tố tiên quyết, then chốt mang tính quyết định.

Theo một chuyên gia tài chính uy tín tại TP. Đà Nẵng: Chủ đầu tư cần xem mỗi dự án mà mình triển khai thi công là một công trình để đời, một “dự án trọng điểm”, là điểm nhấn cho khu vực. Các chủ đầu tư cũng cần xem lại năng lực tài chính thực tế của mình, cần buông bỏ các dự án quá tầm, không nên chăm chăm vào lợi ích mà thực hiện cầm chừng, đợi thị trường nóng mới đẩy mạnh triển khai… Như vậy, chẳng khác nào tự trói mình vào tình cảnh “xí phần dự án”, khi muốn rút chân ra sẽ gặp cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội! Cách làm như vậy rất dễ dẫn đến việc dự án bị vỡ tiến độ, để rồi tạo thành một vòng luẩn quẩn là xin gia hạn, rồi cam kết…

Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc vẫn cần lắm những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực và trách nhiệm để kiến tạo hình hài đô thị mới. Ảnh: DĐ

Thực tế thì việc chậm tiến độ của nhiều dự án có phần từ nguyên nhân chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong hợp tác với các cơ quan chức năng trong công tác giải phóng mặt bằng. Dự án kéo dài hơn dự kiến sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như làm cho cơ cấu vật giá thay đổi, dễ xảy ra tình trạng những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án mặc dù đã có phương án bồi thường trước đó nhưng đến thời điểm vật giá tăng sẽ không chấp nhận với phương án cũ, yêu cầu một mức giá mới (tình trạng này trên thực tế đã xảy ra). Khi đó, bài toán khó sẽ đến với chủ đầu tư.

Nếu không chấp thuận thì dự án sẽ tiếp tục gặp bế tắc, chính quyền phải vào cuộc rà soát, đánh giá tính khả thi và có thể đề nghị điều chỉnh quy hoạch, đưa phần vướng mắc ra ngoài để dự án được kết thúc. Nếu chấp thuận theo đề nghị của người dân thì sẽ làm cho chi phí đầu tư thực tế tăng lên, dẫn đến sản phẩm bán ra có giá cao hơn dự kiến, làm cho khách hàng khó tiếp cận sản phẩm của dự án.

Đấy cũng là một trong những nguyên nhân làm cho giá đất khu vực đó sẽ tăng lên, khiến cho nhu cầu đầu tư lớn hơn nhu cầu ở thực tế, dẫn đến nguy cơ những đô thị dù đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành nhưng vẫn thiếu người dân đến ở, tạo nên những khu đô thị, khu dân cư hoang vắng, không đạt hiệu quả như mong muốn.

Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc sẽ thay đổi hình hài, diện mạo để trở thành một đô thị mới khang trang, sạch đẹp, hiện đại hơn khi có sự chung tay của người dân, doanh nghiệp và sự quyết liệt của các cấp chính quyền khi triển khai các chủ trương, chính sách pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng… Rõ ràng, kinh nghiệm từ việc thẩm định, lựa chọn chủ đầu tư tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc là một trong những vấn đề nóng, bức thiết, là bài học để Quảng Nam tiếp tục tiến trình đô thị hóa, phát triển mạnh mẽ trục đô thị ven sông, ven biển… trong tương lai!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top