Aa

La Ba trấn và chuyến du lịch đầu tiên

Thứ Bảy, 15/08/2020 - 07:00

Chúng tôi đã đi với tâm thức của một người con tộc Việt muốn có hiếu với cội nguồn, tìm về nguồn cội, để hiểu hơn về nguồn cội tổ tiên mình.

Hướng dẫn chúng tôi đến La Ba trấn là một nữ hướng dẫn viên du lịch người dân tộc Choang. Tôi để ý cụm từ mà cô bé này nói rất tự nhiên trong lúc giới thiệu cho chúng tôi về dân tộc của cô, trên đường đến Trấn La Ba, đó là cụm từ "Hán hóa". Người Choang của cô rất sợ bị Hán hóa.

Cô kể về dân tộc mình với thái độ rất tự hào về nòi giống Lạc Việt của cô. Cô nhắc về tổ tiên nòi giống Hùng Vương mà không biết những người đang nghe cô ta nói là con dân cùng Lạc Việt. Chúng tôi chỉ ngồi nghe.

Trong thâm tâm, tôi vẫn không tin là mình đang đi đến nơi, mà người ta nói rằng, là nơi thờ Long Mẫu và Vua Hùng, dù mình đang đi đến đó.

Cho đến khi đọc dòng chữ trên tấm bia: "Lạc Việt Tổ Miếu". Và dòng chữ lớn giữa tấm bia: Trung Hoa Lão mẫu đệ nhất miếu.

Người dân tộc Choang

Bước vào đầu khu vực ngôi cổ miếu ta gặp ngay tượng Long Mẫu. 50.000.000 dân tộc Choang vùng Quảng Tây đã chọn ngày mùng 3 tháng 3 là ngày Quốc giỗ, giỗ Long Mẫu. Và, đến ngày đó, khoảng 5.000.000 người Choang đã hành hương về Lạc Việt tổ miếu nơi La Ba trấn.

Bước vào gian chính thờ Hùng Vương ta gặp một câu đối dán ở cửa:

"Lạc Việt thần tuyền lưu trạch viễn

Nhân văn Thánh tổ di ái thâm"

Ở khu miếu này là một núi đá, có hồ nước trong xanh và con suối chảy quanh năm. Khi chúng tôi đi dạo đến hồ nước nhìn cảnh họ giặt, đập và vắt áo quần không khác gì dân quê Việt giặt quần áo nơi bờ sông, bờ ao.

Người Việt xứ ta vẫn còn câu: Tháng 8 giỗ cha tháng 3 giỗ mẹ. Mùng 3 tháng 3 ngày hôm nay dân tộc ta vẫn không quên tục giỗ mẫu.

Trong bài viết kỳ này, chúng tôi muốn chia sẻ cùng quý vị về một hành trình đầy thú vị và bất ngờ. Quảng Tây là chặng dừng chân đầu tiên. Tôi không đi đến đây để du lịch. Tôi đi chuyến này vì Dự án Khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt của tôi. Tôi muốn hiểu hơn để gần hơn với nguồn cội, tộc người Bách Việt xưa trên trọn vẹn dải đất từ dòng sông Dương Tử trở về đây.

Chúng tôi quan niệm tinh hoa văn hóa của tộc người Việt là Đạo Hiếu. Hiếu với tổ tiên. Và tổ tiên là cách gọi khác của hai chữ nguồn cội. Hiểu để có hiếu.

Hiếu là thái độ sống trọng thị để tiếp nối và bồi đắp vào nguồn cội dân tộc, làm rạng danh cho cội nguồn đó. Chúng tôi đã lên đường để hành trình về miền đất có tộc người tự xưng Lạc Việt, là do nhận thức đó. Vì vậy, cô Hồng hướng dẫn viên cứ thắc mắc, chưa dẫn ai đi kiểu này bao giờ, vì sao toàn đi xăm soi những tấm bia, những câu đối, những dòng chữ tìm thấy nơi đâu nơi các di tích. Và lên xe là bàn chuyện lịch sử.

Chúng tôi đã đi với tâm thức của một người con tộc Việt muốn có hiếu với cội nguồn, tìm về nguồn cội, để hiểu hơn về nguồn cội tổ tiên mình. Hiểu biết của chúng tôi, chúng tôi biết mình có giới hạn. Vì vậy, tự chúng tôi không muốn giới hạn sự hiểu biết của mình lại trong một khuôn khổ nữa để hiểu đúng vươn về phía nguồn cội mình. Chúng tôi nhờ vậy đã thay đổi, một thái độ sống với nhận thức mới hé mở. Sự thực được gõ cửa, và cánh cửa đã mở ra chào đón những ai không tự giới hạn mình để vươn tới nguồn cội...

Từ đó, tôi dành nhiều thời gian hơn cho Dự án Khơi Nguồn Tinh Hoa Văn Hóa Việt. Nghĩa là, tôi đã dành nhiều tâm huyết hơn cho Đạo hiếu. Đặt lại nhận thức để tìm hiểu việc thờ Tổ Bách nghệ của Việt Nam, mà ở quê tôi ai cũng thờ trong nhà. Tran Ông, nơi thờ Tổ Bách Nghệ hay Hiên Viên Đại Đế, là Hữu Hùng Thị của câu chuyện thời Tam Hoàng.

Hay, như Cửu Thiên Huyền Nữ Thánh Tổ Đạo Mẫu Nguyên Quân được thờ bằng tran, gọi là Tran Bà, thờ khắp trong mỗi nhà ở miền Trung. Quê tôi cho rằng Bà Cửu Thiên Huyền Nữ là vị tổ nghề mộc, người tạo ra ngôi nhà gỗ cho người Việt.

Mâm cúng nhà mới, trong lễ thỉnh, không thể thiếu danh hiệu của vị Mẫu Cửu Trùng này.

Rồi Thần Nông, quê tôi vẫn còn duy trì tục thờ Thần Nông. Mà, do tôi tự lâu nay "vì cho là người Tàu" nên không tìm hiểu, giờ, tôi hiểu rằng: "Kinh Dương Vương, cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông", mà Ngô Sĩ Liên ghi là thật, là đúng, là TỔ TIÊN MÌNH.

Từ đó đến đây, sáng sáng, đêm đêm, mỗi ngày, tôi đều khấn thế này khi thắp hương trước ban thờ tổ tiên:

"Ngưỡng Nguyện Việt Nam Vạn Cổ Anh Linh Hồn Thiêng Sông Núi Tiên Hiền Liệt Thánh Minh Quân Đế Chúa Văn Quan Võ Tướng Anh Hùng Dân Tộc Danh Nhân Văn Hóa trải dài 5000 Năm Lịch Sử Bách Việt Bách Tánh Oai Linh Che Chở".

Lời khấn chân thành chí thiết ấy tôi xướng để lạy xuống trước mỗi lần tôi lễ Bụt tụng kinh.

Tổ tiên người Choang, hiểu về do đâu có "tam nguyệt tam", mùng 3 tháng 3 ngày mà họ giỗ Long Mẫu và còn rất nhiều, rất nhiều những điều thú vị và bất ngờ trong hành trình tìm về nguồn cội.

Chúng tôi đã có những chuyến đi đầu tiên, bước chân đầu tiên như thế, với tâm thái tràn đầy kính ngưỡng và niềm tin vào một dân tộc có nền văn hiến ngàn đời! Những bà mẹ nơi đây đã dặn dò con cái của mình rằng: “Nơi nào có cây tre gai, nơi đó là đất của người Việt”. Và lời dặn ấy được tiếp nối, tiếp nối bao đời nay như thế để minh định một nguồn cội, một gốc rễ.

Còn rất nhiều những bất ngờ đầy xúc động và tự hào trên hành trình tìm về nguồn cội. Tôi viết những dòng này với niềm mong mỏi, trong những tháng ngày miền Trung ruột thịt của chúng ta cùng với cả nước đang oằn mình chống dịch, chúng ta sẽ vẫn có thể đi du lịch, những chuyến đi để hiểu hơn về quê hương, đất nước, về tiền nhân... Và cả những chuyến du lịch để hiểu hơn về chính mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top