Aa

Lãi suất tăng nhẹ, tỷ giá sẽ dần giảm nhiệt

Thứ Sáu, 24/05/2024 - 10:31

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất đang tăng nhẹ và sẽ còn tăng, nhưng điều này sẽ làm giảm áp lực tỷ giá.

Lãi suất tăng dần

Theo ông Quang, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn thị trường đến cuối tháng 2/2024 đâu đó cũng chỉ mới đạt khoảng 2%. Như vậy, nếu so với mục tiêu 14% mà ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay thì rõ ràng tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành còn chậm. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, quý đầu năm thường tín dụng không tăng cao.

"Hiện Chính phủ cơ quan quản lý cũng đang từng bước tìm các giải pháp để kích cầu sức mua, tạo đà cho tăng trưởng tín dụng, nhất là trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm", ông Quang cho biết.

Về lãi suất, gần đây NHNN điều tiết thanh khoản trên thị trường mở để giảm áp lực tỷ giá khi tăng lãi suất OMO thêm 0,25% lên 4,5% trong ngày 22/5, giúp giảm áp lực tỷ giá. Đồng thời, nhà điều hành cũng linh hoạt động việc hút và bơm tiền qua công cụ tín phiếu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại chúng tôi cho rằng, thanh khoản của thị trường vẫn ổn định, dồi dào, không đáng lo.

Lãi suất tăng nhẹ, tỷ giá sẽ dần giảm nhiệt- Ảnh 1.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam.

Gần đây, các ngân hàng thương mại tái tăng lãi suất thêm khoảng 0,2-0,7% và theo dự báo của chúng tôi sẽ còn tăng nhẹ trong thời gian tới. Nhưng có thể thấy được rằng, đến thời điểm này, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang xuống ở mức khá thấp, cho dù thanh khoản đang ổn định.

Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid cũng cho thấy, tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý I và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý 2 hàng năm. Từ nhận định đó UOB cho rằng, lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng 0.5%-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ tháng 5 đến hết năm 2024.

Việc tăng lãi suất của các ngân hàng hiện nay theo ông Quang là các ngân hàng nhằm cân đối lại lợi tức tiền gửi tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác. Đáng chú ý là ở thị trường Việt Nam, sản phẩm tiền gửi tiết kiệm được nhiều người lựa chọn để có thể gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng, song hiện lãi suất khá thấp và được cho là đã chạm “đáy” nên sẽ khó có thể tránh được việc dòng tiền sẽ chuyển hướng.

Tỷ giá giảm nhiệt

Vì hiện tiền đồng khoảng 5% kể từ đầu năm đến nay và dự báo còn áp lực, do đó việc tăng lãi suất của các ngân hàng cũng như NHNN tăng lãi suất OMO nhằm giảm áp lực lên tỷ giá. Còn thanh khoản của thị trường vẫn được đánh giá ở mức khá tốt.

"Để ổn định tỷ giá theo tôi, chúng ta cần đẩy mạnh tiếp tục đầu tư, kiểm soát lạm phát, thu hút du lịch, kiều hối để bổ sung nguồn cung ngoại tệ ổn định. Bởi một khi tìm hiểu và muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam thì các nhà đầu tư sẽ xem xét đến tỷ giá, vì ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Vả lại, lãi suất tiền đồng cũng cần được cân bằng ở mức hợp lý", ông Quang cho biết thêm.

Rõ ràng, mặt bằng lãi suất quá thấp cũng chưa hẳn đã tốt cho nền kinh tế. Mặt khác, với các nhà đầu tư khi thấy mặt bằng lãi suất được cân đối cũng sẽ cân nhắc trong việc nên tiếp tục duy trì, chưa có ý định rút vốn khỏi thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, đầu tư công của Việt Nam cũng cần được đẩy mạnh để thu hút dòng vốn từ các tổ chức trên thế giới, gia tăng nguồn cung ngoại tệ, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá. Dư báo của UOB về tỷ giá sẽ còn áp lực trong quý III/2024 tới, nhưng sau đó khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt lãi suất, từ đó sẽ tác động, hạ nhiệt đối với tỷ giá.

Đa số các nhà đầu tư trên thị trường đều kỳ vọng Fed sẽ cắt lãi suất, song đối với các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế cũng như các tổ chức tài chính đều phải đưa ra tình huống xấu nhất là Fed sẽ không có một đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay.

Thị trường đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc sẽ không có tin tốt từ Fed trong năm nay, nhưng cũng không hẳn là tin xấu và cú sốc đối với thị trường. Bởi thực tế, điều này cũng đã được dự báo trước và mọi tác động cũng đã được cộng vào giá của các tài sản…

Về chính sách tiền tệ của Việt Nam, theo ông Quang nhà điều hành cũng đã tính toán kỹ lưỡng và theo dõi sát tình hình thị trường để có những quyết sách kịp thời, linh hoạt như thời gian qua.

“Điều hành lãi suất VNĐ ra sao để hài hòa với mức lãi suất USD neo cao, đi cùng đó là nhiệm vụ khác nữa như thúc đẩy tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tỷ giá… là bài toán phức tạp.

Tuy nhiên Việt Nam có một số thuận lợi từ vị thế là trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, cơ cấu sản xuất thương mại đa dạng, dân số trẻ và lực lượng lao động dồi dào là những cơ sở hỗ trợ tốt cho tăng trưởng.

Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng đồng VNĐ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng CNY. Dự báo USD/VNĐ cập nhật của UOB là 25.600 trong quý II/2024, 25.100 trong quý II/2024, 24.800 trong quý IV/2024 và 24.600 trong quý I/2025”, ông Đinh Đức Quang nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top