Hôm qua, tôi đăng một bài báo lên website của mình viết về những người đàn bà xứ cát Bình Trị Thiên. Họ đã sống một cách hết sức hợp lý, uyển chuyển, ngoan cường và hòa hợp với cát. Mà vùng ấy không chỉ cát, còn bom đạn bời bời thời chiến tranh. Tôi đã dùng hình ảnh "Hố bom dày như bát úp". Rất nhiều bạn trẻ đã vào bình luận hỏi là, bát úp là như thế nào, tưởng hố bom thì giống bát... ngửa chứ, bát úp giống cái khác?
Ừ nhỉ, tôi giật mình.
Nó là cụm từ một thời hay dùng, để chỉ những gì chi chít, dày đặc. Và thời chiến tranh thì hay chỉ những hố bom sau những đợt rải thảm. Tôi đã thấy cmột số người dùng và tôi cũng đã dùng.
Nhưng té ra nó... vô lý.
Những ngọn đồi trung du nằm như bát úp thì đúng, nhưng hố bom thì... chưa đúng. Các bạn trẻ đã phát hiện rất chính xác khi đọc bài của tôi.
Xong rồi, tôi mới lẩn mẩn nhớ, té ra tiếng Việt có rất nhiều cụm từ vô lý như thế, nhưng nói lên ai cũng hiểu, tức là nó lại... hợp lý. Ví như "Con ông cháu cha", "Cao chạy xa bay"...
Cái thói quen dùng từ mà không để ý tới tính hợp lý, logic, thậm chí là nghĩa, nhiều khi khiến mình phải... giật mình.
Như có lần tôi giật mình với chính câu thơ của mình: "Tóc em bay ngược cơn gió thổi". Tóc thì chỉ bay xuôi theo chiều gió chứ làm sao mà bay ngược được. Nhưng đã trót làm, trót công bố, nhiều người biết rồi, chả sửa được nữa.
Cũng như thế, tôi từng có câu thơ "Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng". Sau này mới biết, trời ạ, làm gì có cây khộp, mà chỉ có rừng khộp thôi. Là một loại rừng, chứ không phải tên cây. Phải viết đến mấy bài báo cải chính, nhưng câu thơ thì đã chết vào đấy rồi.
Và một chuyện hết sức thú vị mới được một người Pháp biết tiếng Việt phát hiện ra nữa, mà chúng ta, tiếng Việt làu làu hàng ngày, đọc xong cũng... giật mình. Anh ấy, Menras André, viết như sau:
"Tiếng Việt thật kỳ diệu. Trong chữ NHẸ vẫn có dấu NẶNG. Trong chữ VỮNG vẫn còn dấu NGÃ. Trong chữ HIỂU vẫn có dấu HỎI. Chữ NGẮN dài hơn chữ DÀI". Ôi giời ơi, tôi đã hét lên: Thú vị quá!
Chưa hết, anh ấy tổng kết tiếp:
"Sung sướng có 9 chữ thì gian truân cũng thế.
Hạnh phúc có 8 chữ thì bi thương cũng thế.
Tình yêu có 7 chữ thì phản bội cũng thế.
Sự thật có 6 chữ thì gian dối cũng thế.
Bạn bè có 5 chữ thì kẻ thù cũng thế.
Cười có 4 chữ thì khóc cũng thế.
Yêu có 3 chữ thì hận cũng thế.
Ta có 2 chữ thì nó cũng thế".
Chúng ta, những người nói rất rành, rất sõi tiếng Việt, viết cũng thế, nhưng đã mấy ai chịu khó nghĩ tới những điều thú vị ấy của tiếng Việt chúng ta. Và qua đấy cũng thấy, cái cách chúng ta học ngoại ngữ nó cũng lớt chớt, để nhiều người học xong đại học ngoại ngữ hẳn hoi nhưng gặp Tây bản địa là nói chuyện bằng cách... mỏi hết cả người. Còn chứng chỉ ngoại ngữ A, B nhan nhản một thời thì giờ người ta cũng không thèm lục ra nữa. Trong khi người nước ngoài chịu khó tìm hiểu tiếng Việt kỹ đến như thế.
Mới nhất nữa, khá nhiều người Đà Nẵng phản ứng với cách gọi "ổ dịch Đà Nẵng". Họ cho rằng, Đà Nẵng cũng là nơi bị dịch tấn công, là nạn nhân, nếu gọi "ổ dịch Đà Nẵng" thì tức là do Đà Nẵng gây ra dịch, là người Đà Nẵng tạo ra hay phát tán virus.
Rõ ràng là, không thể đùa, không thể xuê xoa, đại khái với tiếng Việt, tiếng Việt mà nhà thơ tài hoa Lưu Quang Vũ đã thốt lên "Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình"...