Aa

Một chuyện tự diễn biến

Thứ Hai, 03/08/2020 - 07:00

Giờ, cũng mới nghiệm ra rằng, Tây Nguyên và rừng, chính là cái bể ngầm khổng lồ để chứa nước cho toàn bộ đồng bằng, nó đúng đến như thế nào. Cái bể nó hỏng, thì nước cứ thế tràn xuống vô tư, gây lũ lụt.

Giờ chúng ta đang có cụm từ khá thú vị, là tự diễn biến. Quả là tôi không nghĩ sâu xa xem bản thân cụm từ ấy nó nội hàm như thế nào, định chỉ điều gì, nhưng xin kể chuyện tự mình từ nghề của mình. Bởi nhiều lúc tôi tự nghĩ, có khi mình cũng... tự diễn biến.

Cách đây tầm ba chục năm, hòa trong niềm vui hồ hởi phấn khởi của những đại công trường mở ra, tôi là một trong những người hăm hở đến băm bổ hân hoan viết về sự kiện làm công trình thủy điện Ia Ly. 

Từ chuyện ông Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Sô Lây Tăng, người Jẻ tuyên bố sẽ đóng khố đi họp Quốc hội nếu Trung ương không quyết cho làm thủy điện Ia Ly, đến chuyện bà Y Một, Phó Bí thư Tỉnh ủy được giao "đối ngoại" với đại sứ Liên Xô Saplin như thế nào khi ông lên thăm Gia Lai, Kon Tum, để thuyết phục ông báo cáo về nước viện trợ cho Việt Nam làm Ia Ly. 

Thủy điện Ia Ly (Ảnh sưu tầm)

Từ chuyện ca ngợi cái thị trấn Ia Ly vốn là vùng heo hút thăm thẳm rừng, giờ thành đại công trường, có lúc tới 25.000 công nhân, ngoài phố có gì, ở đấy có nấy, thậm chí còn phong phú hơn, tới chuyện ngồi cùng xe ô tô với lãnh đạo Bộ Xây dựng thời ấy đi khảo sát lòng hồ, khi anh em nhà báo xúm vào ca ngợi tiến độ công trường thì ông thở dài: Các cậu chả biết đâu, đời xây dựng nó khổ lắm, phía sau tiến độ là số phận hàng vạn con người đấy. Giờ đã có bộ phận ngồi tính xong đây đi làm đâu rồi. Xong rồi mà không có công trình nào mở ra nữa là đói, hàng vạn con người làm gì? 

Tôi về, bắt cái tít rất thích Đằng sau tiến độ là số phận con người cho một bài báo cũng rất thích, đăng Báo Văn hóa. Báo ra buổi sáng, buổi chiều Bộ Xây dựng gọi điện đến tòa soạn phản ứng, bảo không có thông tin như vậy, đề nghị xử lý phóng viên bịa tạc. 

Tòa soạn nhốn nháo. Tổng Biên tập gọi điện yêu cầu tôi gửi băng ghi âm. Đời tôi tới giờ, viết hàng vài ngàn bài báo các loại, chưa bao giờ ghi âm huống gì ngồi trên xe nói chuyện. Sau một nhà báo bạn tôi đọc và phản hồi (cười): "Nó ca ngợi ông đến thế, ông còn kiện cáo gì?". Thế là thôi.

Tức là hồi ấy tôi cũng đứng vào dàn hòa ca ca ngợi thủy điện, ca ngợi vàng trắng, ca ngợi năng lượng sạch...

Nhưng quả là, cái thời ấy người ta làm cái thủy điện Ia Ly kỹ lưỡng thật.  Sau đấy, đến phong trào người người thủy điện, nhà nhà thủy điện, thì tôi bắt đầu... tự diễn biến, thấy mối rất nguy hiểm của thủy điện. Khi mà có cả những chị buôn hàng xén cũng nhảy vào làm thủy điện, có cái ô tô chở cát đâm vào cũng vỡ đập. Có người chưa phân biệt điện 220 với 110, chưa biết roto với stato khác nhau như thế nào cũng hăm hở đầu tư làm thủy điện (tôi cũng không phân biệt được nhưng không làm thủy điện), 

Kết quả là đập vỡ lia chia, rừng bị phá tàn tệ, môi trường cạn kiệt... Tôi đã viết nhiều bài phản đối, phân tích cái hại nhiều hơn cái lợi. Những khúc sông bị băm nát vì thủy điện, dòng chảy bị nắn, những khu rừng nguyên sinh "hy sinh" cho thủy điện, môi trường bị biến đổi. 

Thậm chí cả những thị xã như An Khê trở nên khô khát, sông Ba qua đây bị cạn trơ đáy cho dù trước đấy nó từng là con sông rất hung hãn. Đơn giản vì để làm thủy điện An Khê, Ka Nak, người ta đã nắn dòng, xả nước sông Ba vào sông Côn khiến sông Ba đoạn qua An Khê phải trơ đáy ra. Rồi những khu dân cư ở dưới hạ lưu cứ nơm nớp vì "quả bom nước" ở trên đầu. Và thực tế đã có người chết, cây cối hoa màu bị cuốn trôi rất nhiều vì thủy điện xả lũ để bảo vệ đập chứ chưa kể vỡ đập...

Tây Nguyên hùng vĩ (Ảnh sư tầm)

May mắn tới giờ, phong trào thủy điện đã xẹp dần đi, sau khi ở ngay hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum xảy ra mấy vụ vỡ đập, trong đó có vụ rất buồn cười đã nhắc ở trên, là do ô tô... va vào thân đập.

Thì cũng tận chục năm gần đây mới biết rằng, vỏ quả đất dẫu dày mấy thì nó cũng có giới hạn của nó. Chưa kể, phá rừng để làm thủy điện thì lũ lụt là cái chắc. Giờ, cũng mới nghiệm ra rằng, Tây Nguyên và rừng, chính là cái bể ngầm khổng lồ để chứa nước cho toàn bộ đồng bằng, nó đúng đến như thế nào. Cái bể nó hỏng, thì nước cứ thế tràn xuống vô tư, gây lũ lụt. Và nó không chứa nữa, thì đến mùa khô, sẽ hạn đến cháy đất. Thế thôi...

Thế tức là tôi đã... tự diễn biến, nghĩ lại về thủy điện, không phải bây giờ mà cả từ hơn chục năm trước. Ơ thế té ra, tự diễn biến cũng có mặt tích cực của nó, phỏng? Nguy nhất, chính là không còn khả năng tự nhận thức và thay đổi nhận thức theo đúng logic đời sống.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top