Bùi Ngọc Tấn ở trong một căn hộ nhỏ trong ngõ của một đường phố lớn Hải Phòng. Dù đến chơi không ít lần nhưng chẳng bao giờ tôi nhớ nổi tên đường và số ngõ. Lần nào cũng phải gọi hỏi. Mỗi khi gọi cho ông, Bùi Ngọc Tấn đều cười. Ông cười cái tính đãng trí mà ông gọi là bệnh thời đại của đám hấp hơi văn sĩ.
Nhiều năm trước, xuống Hải Phòng, ông còn khỏe nên cũng chiều bạn bè văn chương mà tham dự dăm ba cuộc nâng lên đặt xuống, chén thù chén tạc. Dạo đó, tôi hay gặp nhà văn Bão Vũ. Nhà văn già tuổi đời nhưng trẻ tuổi nghề này rất quý trọng Bùi Ngọc Tấn. Chả lần nào Bão Vũ không khều bằng được Bùi Ngọc Tấn ra nhập bọn. Mặc dù, ai cũng biết Bùi Ngọc Tấn không ưa la cà, nhất là ngồi khề khà bia rượu.
Ông dễ chịu, hệt như nụ cười của ông, rất đôn hậu. Hoàn cảnh đặc biệt nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông than vãn, chứ đừng nói là sân hận. Lần đó, Đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ VI diễn ra. Trong Hội trường Ba Đình, Bão Vũ tháp tùng Bùi Ngọc Tấn đi tặng cuốn sách mới của ông cho vài người thân thiết. Tôi nhóc con chả được tính vào hàng đó nhưng may là được ông quý cái nết ăn uống thật thà nên cũng được tặng sách. Nói thêm chỗ này, Bùi Ngọc Tấn không ít lần nói về tôi bằng quy chiếu ăn uống. Có lần ông bảo, đại loại thằng cu Tiến, cứ nhìn nó ăn nó uống là biết nó thật thế nào.
Nhà văn Dương Tường gật gù: "Nó thật đúng thế, nó tốt, tất nhiên". Được mấy trưởng lão quý mến khen ngợi nhất định là phải sung sướng rồi. Giữa chừng, Đại hội nghỉ giải lao, tôi đã làm mấy quai sương sương, ôm cuốn sách của Bùi Ngọc Tấn đi lại như con cung quăng. Bất ngờ đụng ông tướng là nhà thơ với nguyên cả bộ sắc phục công an và một sao trên ve áo.
Ông Thiếu tướng Cục trưởng A25 này mới được kết nạp, đi dự Đại hội lần đầu. Tiện mồm, tôi bèn bảo, này bác Thiếu tướng nhà thơ ơi, em nghĩ bác và bác Bùi Ngọc Tấn nên gặp nhau phát, chả mấy khi lại có dịp như này. Ông tướng cười cười... Tôi đi ra chỗ Bùi Ngọc Tấn, chỉ về phía ông tướng, nói bác gặp ông tướng kia đi. Để làm gì? Tôi trợn tròn mắt, ô hay bác chả còn củ tỷ vướng mắc sau cái đận chăn kiến là gì, có dịp nào tốt hơn nữa?
Có vẻ nể vì sự quan tâm của tôi nên dù Bùi Ngọc Tấn có chút ngần ngừ thì vẫn đi theo tôi. Chẳng cần giới thiệu thì hai người cũng đã biết nhau. Họ bắt tay nhau. Sau vài câu đưa đẩy thì Bùi Ngọc Tấn vào chuyện. Bùi Ngọc Tấn không hề đề cập đến những bức xúc sau sự cố năm nào. Ông chỉ nói với vị thiếu tướng nhà thơ là nếu có điều kiện có khả năng thì giúp ông lấy lại chỗ bản thảo bị thu giữ.
Ông tướng nói sẽ cố gắng can thiệp nhưng không hứa vì chuyện đã xảy ra từ rất lâu. Tất cả chỉ có thế. Lúc Bùi Ngọc Tấn đi rồi, tôi thấy vị thiếu tướng cứ nhìn đăm đăm theo dáng người khòng khòng dầu dãi của nhà văn.
Sau này, còn nhiều lần Bùi Ngọc Tấn thể hiện phẩm hạnh tuyệt vời của một nhà văn đích thực. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu vài trường hợp nhà văn khó khăn để một nhà báo hảo tâm giúp đỡ. Tôi có biết nhà báo này. Mức giúp Bùi Ngọc Tấn được ấn định là 50 triệu đồng. Hôm đó hơi khuya, tôi nhận được điện thoại từ nhà văn. Ông hỏi tôi về nhà báo kia. Tôi thật sự không muốn can thiệp chuyện này nên ừ hữ cho xong.
Đơn giản tôi nghĩ số tiền đó có thể giúp ông được nhiều việc nhưng nếu ông nhận thì cũng có phần áy náy. Bùi Ngọc Tấn đã từ chối số tiền đó với lý do không thể đúng hơn: Để dành giúp những người khó khăn hơn. Một lần khác, tôi có cậu em họ làm nghề đấu giá, đam mê văn chương nhưng cũng đầy máu kinh doanh, cậu nảy ra ý định mua bản thảo viết tay các tác phẩm nổi tiếng để sau này đấu giá.
Các tác giả được cậu đặt hàng là Bùi Ngọc Tấn, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp. Trước mặt cậu em, tôi gọi điện đề nghị mua của Bùi Ngọc Tấn bản thảo một cuốn tiểu thuyết của ông với giá 60 triệu đồng. Nhà văn không suy nghĩ, nói luôn là Tiến ơi, tiền quý thật, cần thật nhưng bản thảo đó mình muốn giữ lại làm kỷ niệm. Nó chính là sự tái sinh cuộc sống của mình. Chuyển lời cho mình cảm ơn bạn kia đã có nhã ý nhé. Cậu em nghe rõ lời nói của ông qua loa điện thoại, đã tỏ ý đầy kinh ngạc và khâm phục.
Sau đó cậu ta từ bỏ ý định kinh doanh này. Thật sự thì tôi tiếc sự từ chối của Bùi Ngọc Tấn. Rất riêng tư thôi, cậu em có bảo nếu em mua được bản thảo của mấy nhà văn kia, em sẽ mua bản thảo viết tay kịch bản “Chuyện làng Nhô” của anh với giá 30 triệu. Biết cái sự mua này là chiếu cố, là kiểu bia hơi kèm lạc thời đói khổ, nhưng tôi vẫn tiếc hùi hụi.
Một lần đi dự Trại viết quân đội ở khu 295 Đồ Sơn, tầm gần trưa, rảnh rỗi tôi cùng Bùi Ngọc Tấn, Bảo Ninh đi dạo biển và sà vào một quán nhỏ. Đang nhâm nhi ly rượu với mấy con ốc biển thì có điện thoại của một chú em là sĩ quan công an mời đi ăn ở nhà hàng gần đó với giáo sư Tôn Thất Bách. Bùi Ngọc Tấn ngại người lạ nhưng nghe nói đến vị giáo sư tài danh thì phá lệ.
Tôn Thất Bách, ngực vẫn đeo phù hiệu đại biểu Quốc hội, vui vẻ chào đón mấy nhà văn. Giáo sư đùa bảo, tôi trốn họp uống rượu với các vị đấy. Cuộc rượu vui vẻ. Chủ tiệc mang đãi khách mấy chai rượu Tây. Tôn Thất Bách nhấc chai xem rồi cất xuống gầm bàn, bảo rượu dởm không uống và gọi rượu Vodka Hà Nội. Khi tàn tiệc, giáo sư mang mấy chai rượu đó tặng lại các cháu phục vụ. Chi tiết này khiến Bùi Ngọc Tấn tấm tắc mãi. Ông bảo làm gì có rượu dởm, đấy là vị giáo sư nhân văn, thương mấy cháu phục vụ, nên làm thế coi như boa. Tôi bán tín bán nghi hỏi lại giáo sư. Giáo sư gật đầu bảo, nhà văn các ông tinh lắm...