CBRE cho rằng Hội An - Quảng Nam được đánh giá đây là là thị trường cạnh tranh trực tiếp và nổi trội trong cuộc đua với Đà Nẵng, tuy nhiên đây là sự cạnh tranh “bù đắp” có tác dụng tương hỗ chứ không phải cạnh tranh triệt tiêu (cạnh tranh để cùng phát triển).
Đối với Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) và các khu sát Đà Nẵng. Theo CBRE, thị trường nghỉ dưỡng tại đây sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai gần - nhờ hiệu ứng mở rộng đầu tư Laguna Lăng Cô lên quy mô 2 tỷ USD và cho phép kinh doanh dịch vụ casino đối với khu nghỉ dưỡng này.
Tại thị trường Đà Nẵng, theo thống kê của CBRE, trong quý 4/2017, thị trường khách sạn Đà Nẵng đón nhận thêm một khách sạn 5 sao, một khách sạn 4 sao và 3 khách sạn 3 sao; cung cấp thêm hơn 1.508 phòng, nâng tổng nguồn cung 3-5 sao tại Đà Nẵng lên 16.402 phòng (tăng 37% so với 2016). Hiện tốc độ tăng trưởng nguồn cung phòng khách sạn 4-5 sao tại thị trường này ở con số 28% mỗi năm – cao nhất nước.
Về công suất khai thác buồng phòng, CBRE Việt Nam cho biết đối với phân khúc khách sạn 4-5 sao, trong quý 4/2017, hiệu suất khai thác buồng phòng đạt 57% giảm đi so với quý 3/2017 (65%), nguyên nhân là do rơi vào thời kỳ mùa thấp điểm du lịch. Tuy nhiên doanh thu phòng trung bình trong quý lại tăng trưởng 6% so với cùng kỳ quý 4 năm trước đó (2016).
Theo nhận định của CBRE Việt Nam, có rất nhiều yếu tố tạo nên sự tăng trưởng này, trong đó có vai trò không nhỏ của chính quyền địa phương trong việc chủ động thu hút, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, hội nghị sự kiện… làm tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng, tác động tích cực đến thị trường khách sạn phân khúc cao cấp.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam nhấn mạnh:“ Chúng tôi có niềm tin mãnh liệt vào sự tăng trưởng thị trường nghỉ dưỡng nói chung và thị trường khách sạn nói riêng ở thị trường Đà Nẵng. Việc tổ chức thành công hội nghị APEC mặc dù không có những thuận lợi về thời tiết cũng như các yếu tố bên ngoài… tạo nên sự ấn tượng và sức hút đối với du khách nội địa lẫn du khách nước ngoài”.