Aa

Lãnh đạo Đà Nẵng phê bình cán bộ, yêu cầu cưỡng chế dự án Mường Thanh Sơn Trà

Thứ Bảy, 09/06/2018 - 14:01

Lãnh đạo Đà Nẵng phê bình cán bộ, yêu cầu cưỡng chế dự án Mường Thanh Sơn Trà; Chủ đầu tư lạc quan với thị trường địa ốc nửa cuối năm; Bị tạm đình chỉ, chung cư "đất vàng" vẫn chây ì khắc phục vi phạm; Hà Nội ra "tối hậu thư" di dời nhà hàng, bãi xe lấn mương Phan Kế Bính;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Lãnh đạo Đà Nẵng phê bình cán bộ, yêu cầu cưỡng chế dự án Mường Thanh Sơn Trà

Ngày 7/6, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn gửi Sở Xây dựng, UBND quận Ngũ Hành Sơn, UBND phường Mỹ An về việc xử lý vi phạm tại dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Mường Thanh Sơn Trà (đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn).

Theo đó, công văn đề nghị các cơ quan và chính quyền địa phương phải giữ nghiêm kỷ cương hành chính, lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP.

"Phê bình nghiêm khắc UBND quận Ngũ Hành Sơn, UBND phường Mỹ An do chậm trễ trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và chấp hành ý kiến của Chủ tịch UBND TP.

Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn có trách nhiệm kiểm điểm làm rõ và xử lý nghiêm túc trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan trong việc chậm trễ tham mưu, xử lý đối với công trình trên", công văn do ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký nêu rõ.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu khẩn trương tổ chức phương án cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ hạng mục công trình xây dựng sai phép tại tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Mường Thanh Sơn Trà và phải hoàn thành báo cáo trong tháng 6/2018.

Xem chi tiết tại đây.

Chủ đầu tư lạc quan với thị trường địa ốc nửa cuối năm

Nếu nhìn nhận con số giao dịch thực tế do các đơn vị nghiên cứu thị trường tổng hợp, cũng như báo cáo của các chủ đầu tư, thì sự lạc quan vẫn đang là dòng chảy chủ đạo trên thị trường. Chẳng hạn, trong quý I/2018, theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tại TP.HCM có tới 8.946 căn hộ giao dịch thành công trong tổng số 10.431 căn mở bán - con số thanh khoản tốt nhất của quý I nhiều năm gần đây.

Với các dự án cụ thể, HungThinh Corp cho biết, Saigon Riverside với gần 4.000 căn hộ được chủ đầu tư này mở bán chính thức từ tháng 5 vừa qua, nhưng tới nay, 70% sản phẩm đã có chủ. Tại dự án Phú Đông Premier của Phú Đông Group, dù vừa mở bán chính thức, nhưng đã có khoảng 80% sản phẩm được sang tay. Thị trường đất nền TP.HCM 2 tháng qua không có dự án mới nào được mở bán, nhưng giao dịch thứ cấp vô vùng sôi động.

Sức cầu tiềm năng lớn khiến giới chủ đầu tư rất tự tin. Ảnh: Gia Huy.

Sức cầu tiềm năng lớn khiến giới chủ đầu tư rất tự tin. Ảnh: Gia Huy.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thị trường bất động sản sẽ không thể đi xuống trong năm 2018 và ngay cả năm 2019 bởi quy mô thị trường hiện rất lớn nên khó có cơn sốt cục bộ nào có thể tạo ra nguy cơ “nhấn chìm” cả thị trường. Bên cạnh việc cơ quan quản lý có các động thái điều chỉnh thị trường khá kịp thời thì hiện nay, các chủ đầu tư cũng rất nhanh nhạy trong việc tái cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

“Nói cách khác, sau khi trải qua các đợt suy thoái của thị trường thì các chủ thể đều thông minh hơn: Nhà nước thông minh hơn, chủ đầu tư thông minh hơn, ngân hàng thông minh hơn, người tiêu dùng thông minh hơn. Do đó, không quá đáng ngại những nguy cơ đẩy thị trường đi xuống trong năm 2018”, ông Châu nói.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội ra "tối hậu thư" di dời nhà hàng, bãi xe lấn mương Phan Kế Bính

Cuối tháng 5/2018, UBND phường Cống Vị đã có văn bản Thông báo về việc di dời các cơ sở đang kinh doanh không đúng mục đích sử dụng đất tại khu vực Cống hóa mương Phan Kế Bính.

Thông báo yêu cầu trước ngày 10/6, các đơn vị đang hoạt động kinh doanh, khai thác, sử dụng các công trình dự án sai với mục tiêu đầu tư, không đúng với mục đích sử dụng đất – kinh doanh bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ liên quan tại dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, ngừng hoạt động kinh doanh, di dời trụ sở hoặc địa điểm kinh doanh đến nơi phù hợp khác.

Quá thời hạn nêu trên nếu cơ sở kinh doanh không tiến hành di dời, UBND phường Cống Vị sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

UBND phường Cống Vị yêu cầu các đơn vị đang hoạt động kinh doanh, khai thác, sử dụng sai mục đích tại đây phải ngừng hoạt động và di dời trụ sở trước ngày 10/6 (Ảnh Zing.vn).

UBND phường Cống Vị yêu cầu các đơn vị đang hoạt động kinh doanh, khai thác, sử dụng sai mục đích tại đây phải ngừng hoạt động và di dời trụ sở trước ngày 10/6 (Ảnh Zing.vn).

Phường cũng giao công an phường chủ trì thống kê, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc di dời của các cơ sở kinh doanh. Rà soát hoàn chỉnh hồ sơ để tổ chức cưỡng chế nếu chủ cơ sở kinh doanh không thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Thành phố Xanh (chủ sở hữu nhà hàng Hải Sản Phố), một đơn vị đang kinh doanh tại địa điểm trên cho biết, ngày 30/5 vừa qua đơn vị nhận được thông báo của UBND phường Cống Vị về việc di dời các cơ sở đang kinh doanh không đúng mục đích sử dụng đất tại khu vực dự án cống hóa mương Phan Kế Bính.

Xem chi tiết tại đây.

Bị tạm đình chỉ, chung cư "đất vàng" vẫn chây ì khắc phục vi phạm

Ngày 6/6, cư dân hiện đang sinh sống tại toà nhà M5 cho biết, mọi hoạt động của toà nhà M5 đến nay vẫn diễn ra bình thường. Các vấn đề bức xúc của cư dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến cư dân sống tại toà nhà này đang rất bức xúc. Mặc dù, theo đúng lịch đến ngày 14/6 sắp tới nếu không khắc phục được các yếu tố liên quan đến PCCC đã được nêu ra, toà nhà này sẽ chính thức bị đình chỉ hoạt động.

“Cư dân chúng tôi hiện đang rất bức xúc vì phía Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Du lịch Sao Mai vẫn chây ỳ không giải quyết dứt điểm các đề xuất trước đó của cư dân. Đặc biệt, ngoài vấn đề PCCC, hệ thống nhà hàng như đã phản ánh của cư dân ở tầng 1 toà nhà hiện vẫn đang hoạt động bình thường, không hề có động thái tạm dừng”, anh Trung, đại diện cư dân toà nhà M5 bức xúc chia sẻ với Tiền Phong.

Toà chung cư M5 tại 91 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, hiện vẫn đang hoạt động bình thường dù đã bị tạm đình chỉ.

Toà chung cư M5 tại 91 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, hiện vẫn đang hoạt động bình thường dù đã bị tạm đình chỉ.

Thực tế, sau quyết định tạm đình chỉ của Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đối với toà nhà M5, cư dân toà nhà này đã nhiều lần phản ánh về việc toà nhà này vẫn hoạt động bình thường không hề thấy dấu hiệu “tạm đình chỉ” theo quyết định của cơ quan chức năng. Trước hiện trạng như hiện tại, cư dân tại toà M5 đang từng ngày, từng giờ sống trong nỗi bất an thường trực.

Trước đó, phản ánh tới Tiền Phong ngày 25/5, cư dân toà nhà M5 cho biết, đã có cuộc đối thoại với đại diện phía Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Du lịch Sao Mai. Đây là doanh nghiệp có 100% vốn thuộc sở hữu của Thành ủy Hà Nội. Tuy nhiên, những câu trả lời từ phía Công ty chưa thuyết phục, hứa nhiều hơn là làm.

Xem chi tiết tại đây.

Cải tạo chung cư cũ, khó chờ 100% ý kiến đồng thuận

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có 474 chung cư cũ xây dựng từ trước năm 1975, tập trung ở các quận 1, 3, 4, 5 và 10. Đa số các chung cư này được kiểm định đã xuống cấp và hư hỏng. Trong đó, có 13 chung cư thuộc nhóm D - loại xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm phải di dời khẩn cấp người dân ra khỏi chung cư và đơn vị này đã có kế hoạch phá dỡ, xây mới các chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn.

Cụ thể, trong năm 2018, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ tháo dỡ 7 chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm được kiểm định cấp độ D như Chung cư 128 Hai Bà Trưng (quận 1), Chung cư 11 Võ Văn Tần (quận 3), Chung cư 6Bis Nguyễn Tất Thành (quận 4), Chung cư 440 Trần Hưng Đạo B (quận 5)… Tổng diện tích sàn tháo dỡ khoảng hơn 22.000 m2. Ngoài ra, Sở cũng sẽ hoàn thành tháo dỡ 3 chung cư khác với diện tích 19.400 m2 sàn xây dựng…

Tuy nhiên, năm 2018 đã đi được một nửa chặng đường, nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Một trong những nguyên nhân khiến kế hoạch này chưa được khởi động là do phần lớn các chung cư cũ có diện tích đất nhỏ, nhưng dân số lại đông, nên không thu hút được các nhà đầu tư.

Xem chi tiết tại đây.

Đặc khu kinh tế: Thuê đất 99 năm hãy còn ít!

Nếu như trước thềm Quốc hội, câu chuyện đặc khu kinh tế tương lai dường như chỉ xoay trong sự đàm luận của giới nghiên cứu, các cấp chính quyền có liên quan, các nhà đầu tư,... thì đến nay, "đặc khu kinh tế" đã trở thành một từ khóa "hot" trên mạng xã hội Facebook và có tới 11,5 triệu lượt tìm kiếm trên Google.

Chưa bao giờ, nhiều chủ tài khoản mạng xã hội lại ồn ào chia sẻ các thông tin về đặc khu kinh tế tương lai như thế. Nhưng nội dung chủ yếu của việc chia sẻ lại chỉ là phản đối việc cho thuê đất 99 năm tại các điểm "nhạy cảm" là  Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong và "yếu tố Trung Quốc" sẽ là nhà đầu tư duy nhất tại các đặc khu. 

Một hiện tượng dường như đã trở thành quy luật tất yếu của cộng đồng cư dân mạng khi bất kỳ một vấn đề xuất hiện, người ta sẵn sàng bình luận, sẵn sàng lên tiếng dù họ không cần biết đâu là bản chất thực sự của câu chuyện. Và họ cũng chẳng  cần... đọc dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt?

Xem chi tiết tại đây.

Những nhà đầu tư nước ngoài nào đã đến Vân Đồn?

Theo số liệu Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cung cấp cho Dân Việt, hiện trên địa bàn Vân Đồn có 55 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách (tổng vốn đăng ký đạt khoảng 21.092,85 tỷ đồng), trong đó có 4 dự án vốn FDI với tổng vốn đăng ký 19,39 triệu USD, gồm: Dự án Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch VIT Hạ Long, tổng vốn đầu tư 11,89 triệu USD (100% FDI Nga);

Dự án Nuôi trai lấy ngọc, sản xuất và kinh doanh ngọc trai của Công ty TNHH MTV Ngọc trai Phương Đông, tổng vốn đầu tư 0,5 triệu USD (100% FDI Vương quốc Anh); Dự án Nuôi trai lấy ngọc và sản xuất ngọc trai của Công ty TNHH Taiheiyo Shinju Việt Nam, tổng vốn đầu tư 2 triệu USD (100% FDI Nhật Bản); Dự án Khu du  lịch sinh thái Đỉnh Vàng, tổng vốn đầu tư 5 triệu USD (Liên doanh Thái Lan góp 20%).

Về tình hình thu hút đầu tư tại Vân Đồn từ giai đoạn từ 2012-2017, ông Hoàng Trung Kiên thông tin: Quảng Ninh đã huy động và thu hút hơn 57.600 tỷ đồng để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển. Với một số dự án công trình trọng điểm như: Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn... Trong đó, mức đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 30%, 70% còn lại là vốn ngoài ngân sách.

Đáng chú ý, hầu hết các dự án lớn đang triển khai tại Vân Đồn đều thuộc về các nhà đầu tư trong nước. Có thể kể đến Cảng hàng không Quảng Ninh do tập đoàn Sungroup đầu tư với tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng, dự kiến quý II/2018 sẽ đi vào vận hành. Đây là điểm nhấn quan trọng về hạ tầng giao thông cho đặc khu, kết nối với di sản Hạ Long, Móng Cái, kết nối quốc tế Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE… Dự án có diện tích sử dụng khoảng 290 ha, được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) theo hình thức BOT, được thiết kế 2 tầng, đáp ứng 5 triệu hành khách mỗi năm.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top