Ngỗng là loài gia cầm khôn ngoan bậc nhất và rất trung thành với chủ. Trước kia tôi cứ tưởng chỉ có chim bồ câu mới đủ thông minh để biết nghe lời con người, biết tìm đường về nhà cách hàng chục kilometre. Hóa ra, so với ngỗng thì chim bồ câu thua xa mọi mặt. Ngỗng không chỉ thông minh mà còn biết “tích luỹ kinh nghiệm” sống qua những ngày tháng.
Một con ngỗng non và một con ngỗng già là hai “trí tuệ”, hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Thông thường trong đàn, cứ ba con cái thì có một con đực. Dân gian gọi là bộ, hoặc cỗ. Một đàn ngỗng đẻ có thể tới hai chục con. Nhưng dù có tới bốn, năm con đực, thì chúng vẫn sống hoà thuận khi ngôi đầu đàn được xác lập. Ngôi này thay đổi mỗi khi có con đực khác mạnh lên. Đến mùa sinh nở (hầu như quanh năm, trừ thời gian thay lông và trừ thời gian con cái ấp trứng) mỗi con đực phải làm nghĩa vụ truyền giống với trung bình ba con cái.
Theo đúng luật "làm em ăn thèm gánh nặng", bao giờ con đực đầu đàn cũng phải khai cuộc trước, mới đến mấy chú em. Loài ngỗng rất lãng mạn trong yêu đương. Không như nhiều giống vật khác, con đực dùng cơ bắp để áp chế bạn tình, loài ngỗng chinh phục đối tượng bằng cách trưng ra vẻ hào hoa mã thượng của đấng nam nhi. Khi muốn làm tình với bạn gái, nó phát tín hiệu bằng những cú khoát nước rất đẹp mắt. Nếu con mái nào ưng ý thì đáp lại cũng bằng cách tương tự. Khoảng cách thu hẹp dần cùng với sự tăng lên của nhịp khoát nước.
Cho đến khi con cái hoàn toàn bị chinh phục, phát tín hiệu mong muốn được yêu bằng cách ép mình xuống tạo điều kiện dễ dàng cho bạn tình, lúc ấy con đực mới leo lên lưng nó. Và chưa bao giờ con đực tỏ ra có vấn đề gì khó khăn. Nó luôn thành công mỹ mãn và nhiệt tình hơn cả con cái mong đợi. Mặt nước cồn lên bởi tiếng kêu và vũ điệu cực khoái của cả hai.
Vào mùa ngỗng yêu đương, chúng tôi phải lùa cả đàn đến một cái ao đủ rộng, nước thật trong, không có cỏ xước hoặc những loại cỏ có cạnh lá sắc, để ngỗng đực thực hiện việc đạp mái. Nước đục thì tỷ lệ trứng ung sau này sẽ cao. Còn nếu có cỏ xước hoặc bất cứ loại cỏ nào cạnh lá sắc, thì ngỗng đực có thể bị đứt thài lài (bộ phận sinh dục). Bởi vì sau mỗi cuộc yêu đương, ngỗng đực lao nhanh một vòng quanh ngỗng cái, mắt tít lại, miệng hát váng bài ca chiến thắng trong khi “vũ khí” chưa kịp thu về. Rất nhiều con vì thế mà gặp hạn: Bị cỏ xước thiến mất phăng của quý. Mà ngỗng đực mất thài lài thì coi như bị hoạn, vô tác dụng.
Trong khoảng 30 phút, nhiều phen ngỗng đực đã kịp làm vòng hai với những ái thiếp khác của mình. Nếu không để ý thì cứ tưởng ngỗng đực chỉ chăm chú việc thoả mãn thân xác với bất kể con ngỗng cái nào. Hoàn toàn không phải. Trong những con cái (có thể tới hàng chục) mỗi con ngỗng đực chỉ thực sự chú ý đến một con nào đó để kết thành đôi, coi như chính thất. Tuỳ theo “quan niệm” về thẩm mỹ của từng con đực mà con ngỗng cái nó thích có mầu lông trắng hay đen, hay khoang.
Chúng dành cho nhau những đối xử đặc biệt. Về phía con mái, nó chỉ chấp nhận con đực mà nó coi như chồng trong chuyện “chăn gối”. Không con đực nào, kể cả cùng hay khác đàn, có thể tán tỉnh được khi mà con đực của nó còn sống sờ sờ ra đấy. Nó nhìn những ả mái khác dễ dãi trong chuyện đó bằng con mắt có phần... ghê tởm!/.