Aa

Vàng son không chỉ trên giấy gấm

Thứ Ba, 29/06/2021 - 07:00

Ông cho thấy vàng son ông giúp tìm lại được không chỉ trên giấy gấm. Nó là một phần tài sản mà mỗi chúng ta đang sở hữu. Thiếu nó, tương lai sẽ trở nên mù mịt.

Làm gì cũng phải có căn số. Tôi rất tin vào điều này. Tôi càng tin khi đọc “Vàng son trên giấy gấm” (Nhà xuất bản Thế giới, 2020) của Tiến sỹ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện. Cuốn sách dầy hơn 300 trang, nhưng nói với bạn đọc về một nội dung rộng lớn hơn thế rất nhiều. Tất nhiên là thú vị. Và quan trọng là nó khiến ta yêu hơn, quý hơn, trân trọng hơn thứ mình đang có từ cả ngàn năm mà đôi khi chính mình không biết rằng hóa ra nó thuộc hàng báu vật.

Bất ngờ nhất với tôi là ông tiến sỹ này vào nghề khi còn trẻ măng. Trẻ một cách khó tin! Nhiều công trình du khảo hay nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa dân gian, thể hiện ra một vốn sống và kiến thức đủ để cho ra thứ văn phong “tung tẩy”, theo cái lối của người “đắc đạo” học, khi tác giả mới chỉ ngoài hai mươi! Người như tôi chỉ còn biết phục lăn.

Tôi từng theo học cả năm trời về chữ Nho, nhưng cứ nhét chữ này vào, thì chữ kia chui ra. Giờ mỗi khi đến trước đình chùa miếu mạo, nhìn mặt chữ Nho nào cũng đều thấy “quen quen” nhưng bóp trán đến vỡ đầu cũng không nhớ nổi nghĩa của nó là gì. Mù tịt toàn phần! Thế mà nghe nói học chữ Nôm còn khó gấp bội. Bởi muốn giỏi chữ Nôm, thì trước hết phải thông thạo chữ Hán. Chả thế số người dám dấn thân với chữ Nôm cứ ngày một hiếm. Rất hiếm. Cỡ như Nguyễn Xuân Diện có lẽ giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. 

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện và tác phẩm "Vàng son trên giấy gấm".

Nguyễn Xuân Diện không phải là người đầu tiên tiếp cận vốn văn hóa cổ theo kiểu một tay lãng tử. Trước ông, người nổi tiếng nhất xu hướng này có lẽ là Cố giáo sư Trần Quốc Vượng. Tôi vinh dự và may mắn được là học trò một thời gian của ông. Có lần cùng ngồi uống bia cỏ, ông mở lòng nói với tôi rằng, nghiên cứu lịch sử Việt Nam mà cứ chỉ một kiểu hàn lâm, lệ thuộc vào tài liệu thành văn sẽ không bao giờ “chạm” được vào mạch chính của lịch sử như nó vốn là. Vì rất nhiều lý do mà chính sử, huyền sử và dã sử luôn “trà trộn” vào nhau “một cách tự nhiên”. Đôi khi chỉ do tệ sùng bái chữ nghĩa, mà tên người hay một sự kiện lịch sử nào đó đã phải “uốn mình” cho phù hợp với “bề trên”? Vì thế, các nhà sử học hậu thế nhất định giải mã huyền sử, đọc dã sử bằng các mật mã văn hóa dân gian, thể hiện đậm đặc và bền chắc nhất qua các cổ tục, kiến trúc, điêu khắc...

Ví dụ nổi bật nhất chứng minh tính sáng suốt của quan điểm này chính là quá trình minh oan cho Thái sư Lê Văn Thịnh qua tượng “Xà thần”.

Có lẽ vì thế mà Giáo sư Trần Quốc Vượng là người rất chịu khó “điền dã”, truy tìm sự thật lịch sử trong các “lưu trữ” dân gian. Nhờ đó công trình của ông mà ta biết, về Lê Quý Đôn, về một vài nhân vật lịch sử khổng lồ khác, sống động, hấp dẫn, chính xác và “con người” hơn khi chỉ đọc qua những ghi chép chính thống! Ngoài cảm giác thú vị, nhờ những ghi chép ấy, ta cũng thấy được một phần nỗi khổ không dễ nói ra của người nghiên cứu sử. Chữ nghĩa và kiến thức đầy mình, đọc vanh vách mọi loại văn bia, tư liệu… nhưng không khéo vẫn chỉ là người tiếp tay cho việc “hư cấu” lịch sử.

Nói về thầy Vượng, cũng là để nói về Nguyễn Xuân Diện, một người thuộc lớp hậu thế khá xa và có phần “lạc lõng” trong đương thời khi mọi thứ đều trôi qua vùn vụt. Nhưng chính cái sự “lạc lõng” ấy lại khiến bạn đọc sẽ tìm đến ông, để “đọc tiếp” những gì mà tiền nhân đang “đọc dở”, như ta thấy và thích thú trong “Vàng son trên giấy gấm”. Đọc cuốn sách cũng thuộc loại hiếm hoi của thời nay, ta có cảm giác giống như đang tham gia một chuyến du lãm về quá khứ thông qua người hướng dẫn viên nhiệt tình, hiểu biết nhưng vẫn luôn háo hức tận dụng mọi cơ hội để khám phá.

Nguyễn Xuân Diện không chỉ “phiên dịch” tận tình, mà qua đó ông còn làm được việc quan trọng là giúp ta xua đi cái lạnh giá của thời gian, cái vô tình tàn nhẫn của sự quên lãng. Mỗi bí mật văn hóa xưa cũ được ông mở ra, cũng đồng thời mang đến cho bạn đọc một cảm hứng sống hoàn toàn mới.

Ông cho thấy vàng son ông giúp tìm lại được không chỉ trên giấy gấm. Nó là một phần tài sản mà mỗi chúng ta đang sở hữu. Thiếu nó, tương lai sẽ trở nên mù mịt.

Nếu có chút gì gọi là đáng tiếc, thì có lẽ đó là cảm giác mọi thứ còn chưa thực sự ra tấm, ra món. Tác giả hơi tham khi muốn xông vào mọi ngóc ngách của đời sống cổ. Khá nhiều chỗ tác giả như dạo qua chốc lát, tiện thể tạt qua vì tò mò hoặc vì không thể kiềm chế được cảm xúc. Với riêng một cuốn sách thì chưa có vấn đề gì. Nhưng với một đời nghiên cứu, khảo cứu, khám phá vào lĩnh vực khó như húc vào đá, thì rất nên điều chỉnh lại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top