Aa

Một thời mậu dịch

Thứ Ba, 08/06/2021 - 07:00

Hứng lên, bố lại đem chuyện khổ cực thời xưa, chuyện cải cách ruộng đất bị tù oan, chuyện ăn trộm cơm nguội nhà chánh tổng về nuôi hai đứa em nhưng cuối cùng hai chú tôi vẫn chết đói, kể với chúng tôi.

Hình ảnh thường thấy nhất hồi đó là những bữa cơm độn ngô hoặc khoai lang khô, ăn với rau luộc chấm nước muối, trong khi cửa hàng mậu dịch, vốn bày hàng mẫu là chính, chỉ dành cho một số người. Mọi thứ béo bổ đều phân phối qua hình thức tem phiếu. Nông dân không thuộc đối tượng ưu tiên. Vì thế, muốn cải thiện chút vị giác, chỉ còn cách… tưởng tượng.

Nhìn cảnh chúng tôi đói khát, mẹ tôi, một người hiền lành nhất trần gian, luôn bị bố chê là dại, bỗng trở nên tháo vát. Bà tìm cách làm quen với những người bán hàng mậu dịch. Chả hiểu sao, những người này sau đó đều coi mẹ tôi như chỗ chị em. Hồi đó, có người quen bán hàng mậu dịch, là cả một sự hãnh diện lớn. Nhưng quan trọng nhất là thỉnh thoảng mẹ từ đâu đó về, kéo áo dốc từ trong người ra lần thì gói mỳ chính, lần thì nửa tút thuốc, lần đôi pin, hộp sữa, cân đường trắng, còn nếu được hẳn một chiếc lốp xe đạp thì phải tìm cách vận chuyển khác. Lập tức chị gái và tôi phải bỏ ra cả buổi chiều, đem những thứ đó xuống chợ Rồng, cách nhà mấy cây số, bán lại cho một quán nước duy nhất dám mua hàng cấm, lấy chút tiền chênh lệch. 

Nội thất một gia đình thời mậu dịch. (Ảnh sưu tầm)

Chúng tôi thường chọn hôm trời có mưa, để lấy cớ mặc áo ni lông trùm ra ngoài, che đi những thứ mang bán. Đến nơi, chị đứng cách chợ khoảng 300 mét, để tôi tay không vào thám thính. Hôm nào may mắn thì khi chúng tôi đến, quán nước không có khách. Vốn đã “ăn hàng” quen, nhìn thấy tôi, bà chủ quán nháy mắt ra hiệu, hỏi xem hôm nay có thứ gì. Tôi lượn qua nói nhỏ, hỏi giá, nghe bà trả giá, thường là mang tính bắt chẹt vì bà biết kiểu gì chúng tôi cũng phải bán. Sau khi thỏa thuận xong, tôi ra chỗ chị gái vẫn đứng chôn chân dưới mưa, nhiều khi cả tiếng, thông báo với chị. Sau đó tôi mang hàng vào đưa cho bà chủ quán để nhận tiền.

Nhiều phen, đúng lúc định giao hàng thì lại thấy khách đến, ngồi kín quán nước. Tôi đành phải chờ tiếp hàng tiếng nữa, có lần tối mịt mới trót lọt. Cầm tiền trong tay, những đồng tiền nhàu nát, bao nhiêu nỗi mệt nhọc, rét mướt tan biến hết. Hai chị em đem nguyên vẹn số tiền về đưa cho bố. Bố nhẩm tính rất nhanh để xem mình lời ra bao nhiêu. Hôm nào được giá, ông gật gù khen hai chị em. Hôm nào bị bắt chẹt, ông vừa cầm tiền vừa chửi mụ hàng nước.  

Cảnh xếp hàng thời mậu dịch. (Ảnh sưu tầm)

Cũng nhờ sự tháo vát của mẹ mà chị em chúng tôi không quá thiếu đạm động vật như những đứa trẻ khác. Thích nhất là hôm nào đó mẹ mua “giá nhà nước” được hẳn một cái xỏ lợn to vật. Hôm đó nhà tôi như có Tết! Tôi luôn được giao nhiệm vụ xử lý cái xỏ lợn đó và thường là mất đứt một buổi chiều. Đầu tiên phải thui trên rơm, để làm sạch những mảng lông chưa cạo hết. Sau đó lọc thịt má, rán thành mỡ nước, đóng chai ăn dần. Tai, mũi… sẽ được thái nhỏ, rang mặn với muối, cất đi ăn dè. Lưỡi, lòng đào, mắt, số thịt còn dính lại ở các hốc xương, hàm… sẽ được luộc lên để cả nhà ăn tươi một bữa.

Khâu khó nhất luôn là khâu bổ đôi xương sọ, moi lấy óc. Nhưng tôi làm việc đó không thua kém gì mấy ông thịt lợn chuyên nghiệp. Những hôm như vậy, anh em chúng tôi mặt mũi môi miệng đều nhờn mỡ. Thể nào bố cũng làm nửa cút rượu trắng được đám thợ nấu ngầm nhỏ vào tí thuốc sâu cho nhanh say! Mẹ sẽ ké vài hớp rượu để bố vui là chính. Bà không giấu được nỗi hạnh phúc nhìn lũ con ăn như tằm ăn rỗi.

Hứng lên, bố lại đem chuyện khổ cực thời xưa, chuyện cải cách ruộng đất bị tù oan, chuyện ăn trộm cơm nguội nhà chánh tổng về nuôi hai đứa em nhưng cuối cùng hai chú tôi vẫn chết đói, kể với chúng tôi. Giọng của bố có cả niềm tự hào không giấu giếm, khi cuối cùng cũng có được đời sống như hiện tại! Đó là câu chuyện mà ông kể không biết chán, không biết mệt, kể trăm lần, ngàn lần vẫn chỉ nội dung ấy, chỉ khác là với mỗi lần thì hình ảnh tương lai mà ông mơ trước cho chúng tôi lại thêm rực rỡ. Nó luôn đặc biệt ấn tượng khi ông vừa kể vừa cầm hẳn cả cái xương hàm lợn dính đầy thịt, đưa lên miệng gặm.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top