Aa

Loạn thị trường bán nhà trên giấy

Thứ Bảy, 16/12/2017 - 14:01

Vân Đồn "quay cuồng" trong cơn sốt đất: Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đưa ra cảnh báo cho nhà đầu tư; Bất động sản TP.HCM: Khu Nam xa vời với giấc mơ trỗi dậy; Đặt cọc giữ chỗ mua nhà: Câu chuyện may rủi; Loạn thị trường bán nhà trên giấy;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Loạn thị trường bán nhà trên giấy

Trên địa bàn Hà Nội, càng gần những ngày cuối năm, xuất  hiện nhiều dự án chung cư chưa được phép nhưng vẫn “bán nhà trên giấy”. Đội ngũ “cò” sẵn sàng tư vấn dự án làm loạn thị trường. Thậm chí, có những dự án bị đình chỉ thi công vẫn chào hàng liên tục.

Cụ thể: Dự án tòa nhà hỗn hợp thương mại và nhà ở chung cư Tecco (chung cư Tecco Tower Thanh Trì) do Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Tecco - chi nhánh Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án được Công ty CP nền móng Đua FAT, địa chỉ tại số 15 liền kề 10, KĐT Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) thi công.

Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty CP tư vấn đầu tư Tín Minh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 10/11/2017, Đội Thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì tiến hành kiểm tra dự án chung cư Tecco Tower Thanh Trì và đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm. Trong biên bản ghi rõ, Công ty CP Tổng Công ty Đầu tư Tecco xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Hiện trạng công trình đang được thi công 5 cọc thí nghiệm.

Tiếp đó, ngày 11/11/2017, UBND xã Ngũ Hiệp ra Quyết định 188/QĐ-CTUBND về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng của Công ty CP Tổng Công ty Đầu tư Tecco - Chi nhánh Hà Nội.

Dự án Núi Trúc Square đang rao bán căn hộ không có trong giấy phép.

Dự án Núi Trúc Square đang rao bán căn hộ không có trong giấy phép.

Tuy nhiên, thực tế, dù dự án chưa có giấy phép xây dựng nhưng nhiều “cò” quanh dự án  luôn sẵn sàng tư vấn, nhận đặt chỗ và rao bán căn hộ với giá từ 15 đến 17,5 triệu đồng/m2. Theo lý giải của nhân viên môi giới, khách có nhu cầu mua thì ký hợp đồng đặt chỗ và đặt cọc từ 20 triệu - 30 triệu đồng. Khi dự án chính thức mở bán sẽ ký hợp đồng mua bán.

Dự án Phương Đông Green Park (số 1 Trần Thủ Độ, Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông làm chủ đầu tư cũng đang được các “cò” chào bán giá gốc 19 triệu đồng/m2. Dự án đã bị cơ quan chức năng đình chỉ và xử phạt hành chính khi thi công chưa hoàn thành thủ tục cấp giấp phép xây dựng.

Xem chi tiết tại đây.

Đặt cọc giữ chỗ mua nhà: Câu chuyện may rủi

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao vì Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba đã tự xưng là chủ đầu tư dự án khi chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thậm chí chưa thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đất nền Khu vực VIII-3, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, nhưng vẫn huy động vốn bằng “phiếu đặt chỗ”. Đơn vị này cũng quảng cáo rầm rộ khi “mạnh miệng” công bố tung ra 1.000 nền nhà và nhận đặt cọc 50 triệu đồng/nền khiến gần 500 người đã đặt cọc hown16 tỷ đồng mua dự án này.

Tại Hà Nội, một vụ việc đã xảy ra gần 7 năm trước, đến nay vẫn khiến nhiều khác hàng điêu đứng là vụ việc đặt cọc giữ chỗ mua nhà tại Dự án Vĩnh Hưng Dominium số 409 Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai) do Công ty cổ phầnTập đoàn Vina Megastar đầu tư. 

Chị Lan, một khách hàng tại ở Thanh Xuân mua nhà tại dự án này chia sẻ: “Năm 2011, vì tin tưởng chủ đầu tư nên gia đình đã đặt 500 triệu đồng, thậm chí chúng tôi còn rủ bạn bè đến đặt cọc giữ chỗ, có người nộp lên đến gần 1 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư hoặc sa vòng lao lý hoặc biệt vô âm tín không biết hỏi ai để đòi quyền lợi”.

Cùng cảnh ngộ trên, chị Vân ở Ba Đình cũng từng rủ một người bạn chung tiền mua dự án trên và đóng đến 700 triệu đồng, nhưng 7 năm qua coi như đã rơi vào cảnh “mua vịt trời” như bao người khác.

Đau khổ hơn, chị Mai (ở Thanh Xuân) cũng rủ bạn chung vốn xuống tiền đến 4,8 tỷ đồng từ năm 2009 để mua biệt thự tại Dự án Chung cư Nhân Chính, nằm trên khu đất rộng hơn 9.000 m2, có vị trí đắc địa, góc của 2 con đường Ngụy Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân. Nhưng đến nay, phản ánh với phóng viên mới đây, chị chấp nhận đã bị lừa vì không có cách nào để đòi lại quyền lợi.

Xem chi tiết tại đây.

Bất động sản TP.HCM: Khu Nam xa vời với giấc mơ trỗi dậy

Ông Lê Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Bất động sản Sài Gòn Xanh cho biết, năm 2006, khi thị trường bất động sản TP.HCM sôi động, thì khu Đông và khu Tây chỉ nhạt nhòa vài dự án, trong khi khu Nam xuất hiện những siêu dự án của Phú Mỹ Hưng, Sacomreal…

Tới năm 2009, khi thị trường “bong bóng”, hàng loạt dự án bất động sản ở TP.HCM “đắp chiếu”, thì khu Nam vẫn xuất hiện những dự án mới của Novaland, HimLam Land, Phú Mỹ Hưng… Điều đó cho thấy, sức hút của thị trường bất động sản khu Nam là rất lớn.

Lý do để thị trường bất động sản khu Nam phát triển ngay cả khi thị trường chung đi xuống xuất phát từ nỗ lực đầu tư kết cấu hạ tầng tại khu vực này. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành, TP.HCM đã chi hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp dự án hạ tầng trọng điểm của Thành phố tại khu Nam, như đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, đường Nguyễn Hữu Thọ, đường Võ Văn Kiệt…, Nam Sài Gòn trở thành khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất TP.HCM thời điểm đó.

Một dự án “đắp chiếu” trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7). Ảnh: G.H

Một dự án “đắp chiếu” trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7). Ảnh: G.H

Dù qua được thời điểm thị trường khó khăn nhất, nhưng tới năm 2015, thị trường bất động sản khu vực này bắt đầu ghi nhận sự đi xuống với việc dự án giao thông kết nối quá tải. Sự đi xuống của thị trường khu Nam được cho là do nhiều yếu tố, trong đó có cả vấn đề ô nhiễm môi trường từ khu xử lý rác thải lớn nhất TP.HCM tại huyện Bình Chánh, sự xuất hiện của những điểm ngập mới…

Đặc biệt, từ năm 2015, bất động sản TP.HCM đánh dấu sự phát triển của khu Đông và khu Tây nhờ việc phát triển hạ tầng giao thông. Mặc dù khu Nam tiếp tục được đầu tư các dự án giao thông mới, song cũng không đủ sức kéo thị trường bất động sản tại đây đi lên. Minh chứng là khu vực này không có thêm dự án bất động sản mới nào, ngoài một dự án chung cư thuộc giai đoạn III của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Trong khi đó, nhiều dự án nổi tiếng một thời phải dừng triển khai như dự án của Phát Đạt, Dự án Mũi Đèn Đỏ tại quận 7 của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, khu nhà ở Phước Kiển của Công ty Quốc Cường Gia Lai…

Xem chi tiết tại đây.

Bắt mạch thị trường bất động sản Tết Mậu Tuất 2018

Nhận định về tình hình thị trường bất động 2 tháng cuối năm, dịp Tết Mậu Tuất và năm 2018, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục tình trạng chững lại so với năm 2016. Dự báo trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Trong đó sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc có giá vừa túi tiền.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, từ nay đến cuối năm là lúc nhu cầu người mua nhà tăng lên để chuẩn bị đón năm mới nên giao dịch trên thị trường bất động sản sẽ không giảm mà tăng đều từ nay đến cuối năm nhưng không có đột biến.

Phối cảnh dự án Mizky Park -liên doanh giữa Nam Long và nhà đầu tư Nhật

Phối cảnh dự án Mizky Park -liên doanh giữa Nam Long và nhà đầu tư Nhật

Trên thực tế, những tháng cuối năm thị trường vẫn ghi nhận nhiều dự án tung ra những đợt hàng mới, không ít doanh nghiệp chọn thời điểm cuối năm để tung dự án mới bởi đây vẫn được coi là “thời điểm vàng” trong năm.

Chỉ tính riêng trong tháng 11, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ven chào đón hơn 10 dự án mới mở bán. Ngoài ra, tháng 11 cũng chứng kiến loạt dự án hiện hữu tiếp tục chào bán đợt hàng mới. Dự kiến trong tháng 12 này cũng có không ít dự án rục rịch ra hàng.

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp cũng bung ra kế hoạch chạy nước rút cuối năm với hàng loạt chương trình khuyến mãi, chiết khấu lớn… Theo Savills Việt Nam, dự báo sẽ có khoảng 42 dự án được mở bán trong quý IV.

Nguồn cung sẽ còn tiếp tục bùng nổ, không chỉ ở phân khúc trung cấp, bình dân mà cả thị trường cao cấp cũng chào đón nhiều sản phẩm mới. Như tại khu vực Minh Khai, một doanh nghiệp cũng chọn thời điểm cuối năm này để tung ra dự án căn hộ cao cấp được giới thiệu đẳng cấp, sang trọng, là dự án đầu tiên trong khu vực mang phong cách Nhật Bản từ cảnh quan đến hệ thống tiện ích. Điều này sẽ khiến thị trường có sự cạnh tranh gay gắt nhưng đây lại được coi là thời điểm thuận lợi để người mua nhà xuống tiền vì sẽ dễ dàng lựa chọn được sản phẩm ưng ý.

Xem chi tiết tại đây.

Dòng vốn nước ngoài rót vào địa ốc TP.HCM tăng cao kỷ lục, nhà đầu tư ngoại sẵn sàng “chơi lớn”

Trong 11 tháng đầu năm 2017, TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 757 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký là 1,94 tỷ USD. Trong số này, bất động sản là lĩnh vực thu hút dòng vốn này nhiều nhất chiếm khoảng gần 51% đạt gần 1 tỷ USD.

Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái theo ghi nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM dòng vốn ngoại chảy vào lĩnh vực này chỉ đạt khoảng hơn 328 triệu USD.

Với mức tăng cao kỷ lục như trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang kỳ vọng rất lớn vào thị trường địa ốc Tp.HCM.

Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bất động sản TP.HCM còn thu hút một dòng vốn ngoại gián tiếp cũng rất lớn thông qua các hoạt động M&A, góp vốn mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước.

Ghi nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho thấy hiện thành phố đang có tới 2.031 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài làm thủ tục góp vốn mua cổ phần, mua lại doanh nghiệp trong nước với số vốn đăng ký là 2,64 tỷ USD. Ngoài ra, Tp.HCM cũng đã chấp thuận cho 203 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng số vốn là 0,9 tỉ USD.

Như vậy, tính chung dòng vốn ngoại đang đổ vào thành phố trong 11 tháng của năm 2017 đạt khoảng 5,57 tỷ USD, tăng 96,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lĩnh vực bất động sản luôn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lớn nhất.

Xem chi tiết tại đây.

Vân Đồn "quay cuồng" trong cơn sốt đất: Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đưa ra cảnh báo cho nhà đầu tư

Chỉ chưa đầy 3 tháng, mỗi mét đất ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã nhảy vọt từ vài triệu lên vài chục triệu đồng. Thị trường bất động sản tại đây liên tục cán mốc những kỷ lục mới. “Cò đất”, các đối tượng đầu cơ, thậm chí cả người dân cũng đang bị hút vào vòng xoáy của bão giá sốt đất.

Chỉ tay về một loạt khu đất bỏ trống dọc con đường mới ra sân bay quốc tế Vân Đồn, Anh Huy một người dân tại thị trấn Cái Rồng cho biết: "Đất tăng giá quá mạnh...chỉ mới năm ngoái thôi mỗi m2 đất chỉ 8-10 triệu đồng/m2 rao mãi không có người mua nhưng gần đây giá tăng chóng mặt, gấp 3 lần là điều không ai tưởng đến. Nếu tính ra, với giá đất Vân Đồn hiện nay thì rất nhiều người dân ở thị trấn Cái Rồng bỗng trở thành tỷ phú".

"Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đất đang bị đẩy giá lên trên giá trị thực. Người mua ở hoặc đầu tư lâu dài hầu như rất ít chủ yếu là các phòng giao dịch đặt cọc tìm khách để lướt, hoặc nhà đầu tư muốn kiếm tiền chóng vánh", anh Huy nhận định.

Trao đổi với chúng tôi, anh Thanh Tùng - Giám đốc sàn giao dich Thanh Tùng 1 - Thanh Tùng 2 cũng cho biết: "Thời gian gần đây dân đầu tư khắp các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng đổ về Vân Đồn mua đất đã khiến thị trường bất động sản nơi đây có những con sóng ngắn, giá đất tăng vài giá qua một đêm là chuyện bình thường...Tôi nghĩ rằng hiện tượng bong bóng BĐS tại Vân Đồn có bởi trên thực tế, nhu cầu sử dụng đất hiện nay tại Vân Đồn chưa nhiều như vậy", ông Tùng nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp phát triển dự án ở Vân Đồn ông Nhữ Ánh Dương - Tổng giám đốc công ty đầu tư Vương Long - chủ đầu tư dự án Khu trung tâm thị trấn Cái Rồng cho biết: "Giá đất Vân Đồn hiện đang tăng trưởng quá nóng, tuy nhiên việc tăng giá từng ngày chỉ xảy ra ở một số khu vực cục bộ. Việc tăng giá mạnh mẽ xảy ra ở một số khu vực đất chưa có sổ, không rõ pháp lý, hoặc đất nông lâm nghiệp...còn đất nằm trong khu đô thị , pháp lý đầy đủ quy hoạch rõ ràng thì hiện tại chưa xuất hiện tình trạng trên".

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top