Aa

Bất động sản 24h: Loạt biệt thự bỏ hoang, là chỗ nuôi gà trong khu đô thị tuổi đời gần 20 năm

Thứ Sáu, 19/05/2023 - 10:15

Thủ tục tách sổ đỏ năm 2023; Loạt biệt thự bỏ hoang, là chỗ nuôi gà trong khu đô thị tuổi đời gần 20 năm... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Thủ tục tách sổ đỏ năm 2023

Hiện nay, nhiều người dân có nhu cầu tách sổ đỏ với nhiều mục đích như mua bán, cho tặng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên về thủ tục này nhiều người còn chưa nắm rõ, dẫn đến các vấn đề về pháp lý, cũng như tốn kém thời gian.

sổ đỏ, tách sổ đỏ
Chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đối với đất và tài sản gắn liền với đất. (Ảnh: Báo Xây dựng)

Tách sổ đỏ (tách thửa đất) là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép trong việc thực hiện chia mảnh đất đã có sổ đỏ thành nhiều mảnh khác nhau nhưng vẫn đáp ứng được các quy định về diện tích tối thiểu.

Việc tách sổ đỏ có thể nhằm một số mục đích như: Chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đối với đất và tài sản gắn liền với đất; Thừa kế một phần quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Trao tặng một phần quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Thế chấp một phần quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Góp vốn một phần bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Điều kiện để được tách sổ đỏ bao gồm: Phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Cần phải đáp ứng về hạn mức về hạn mức, diện tích tối thiểu tách thửa; Phải có nhân khẩu thường trú tại địa phương, không có tranh chấp đất đai; Đất đang trong thời hạn sử dụng; Đảm bảo không bị kê biên thi hành án.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Loạt biệt thự bỏ hoang, là chỗ nuôi gà trong khu đô thị tuổi đời gần 20 năm

Khu đô thị Hoàn Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh) được xây dựng từ năm 2004 nhưng đến hiện tại vẫn có hàng loạt căn biệt thự bỏ hoang, thành nơi nuôi gà, nhốt chó.

Theo tìm hiểu, khu đô thị Hoàn Sơn tại xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) có diện tích 7,5ha. Khu đô thị này được xây dựng xong từ năm 2004 và có hơn 200 sản phẩm bất động sản là nhà liền kề và biệt thự. Vị trí dự án khá thuận lợi khi tiếp giáp cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Khu đô thị Hoàn Sơn tại xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du do Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư theo Quyết định số 259 ngày 18/3/2003 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Quy mô dự án là 7,5ha, trong đó có 234 lô gồm nhà liền kề và biệt thự. Đáng chú ý, sau gần 20 năm hoàn thành, khu đô thị này vẫn còn phần lớn biệt thự và nhà liền kề bị bỏ hoang, chưa hoàn thiện. 

Theo chia sẻ của người dân tại đây, những căn biệt thự này đã có chủ nhưng nhiều người không về ở hoặc bán sang tay từ lâu. 

Trên các trang thông tin bất động sản, biệt thự diện tích khoảng 312m2 tại khu đô thị này được rao giá khoảng hơn 11 tỷ đồng, tương đương 35 - 36 triệu đồng/m2. Thời điểm năm 2008, các căn nhà liền kề tại đây là khoảng 600 - 700 triệu đồng, còn giá biệt thự là khoảng 1,5 - 1,6 tỷ đồng/căn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Các chính sách giải cứu thị trường bất động sản đang thẩm thấu tới đâu?

Điểm qua các báo cáo thị trường bất động sản mới đây có thể chẩn đoán sơ bộ được rằng tình hình sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản đang chuyển biến ngày một xấu. Trong đó, lượng doanh nghiệp giải thể tăng cao, cơn bão cắt giảm nhân sự lan rộng, nhiều nơi không triển khai dự án mới, ngưng phát hành trái phiếu, thanh khoản co hẹp… Đi sâu vào báo cáo tài chính, thực trạng về sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản còn bộc lộ nhiều vấn đề hơn với các khoản lỗ, nợ vay lẫn hàng tồn kho chất đống.

Thống kê của Reatimes nhìn từ kết quả kinh doanh quý I/2023 của gần 60 doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, giá trị hàng tồn kho ở mức trên 350.000 tỷ đồng. Trong đó, có 8 doanh nghiệp có hàng tồn kho ghi nhận trên mức 10.000 tỷ đồng là Novaland, Vinhomes, Becamex IDC, Nam Long, Đất Xanh, Khang Điền, Kinh Bắc và Phát Đạt. Tổng giá trị hàng tồn kho của 8 doanh nghiệp này là 327.000 tỷ đồng. Phần lớn trong số này có tỷ lệ hàng tồn kho chiếm từ 40 - 60% trên tổng tài sản.

Theo ghi nhận của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý I/2023, thị trường cũng xuất hiện tình trạng các chủ đầu tư e ngại mở bán các dự án mới do có nhiều yếu tố bất lợi. Đáng chú ý là hiện nay các chủ đầu tư, môi giới và khách hàng đều trong trạng thái chờ chuyển biến chính sách.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bình Thuận: Gần 8.000 tỷ đồng phát triển nhà ở trong năm 2023

UBND tỉnh Bình Thuận vừa ra Quyết định số 885/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận năm 2023.

bình thuận, bất động sản bình thuận
Bình Thuận dành 22,3ha đất để phát triển nhà ở thương mại. (Ảnh: Hiếu CT)

Theo đó, về chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2023, tỉnh dự kiến là 24,9 m2 sàn/người (khu vực đô thị 25,7 m2 sàn/người; khu vực nông thôn 24,5 m2 sàn/người); diện tích nhà ở tối thiểu 9,2 m2 sàn/người.

Về chỉ tiêu tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng năm 2023 đạt khoảng 1.338.819m2 sàn; trong đó diện tích sàn nhà ở thương mại 164.000m2; nhà ở tái định cư 37.040m2; nhà ở xã hội 184.221m2; nhà ở dân tự xây 953.558m2.

Về nguồn vốn phát triển nhà ở, dự báo nhu cầu vốn đầu tư nhà ở năm 2023 tại Bình Thuận là khoảng 7.774,49 tỷ đồng; trong đó nhà ở thương mại 1.886 tỷ đồng; nhà ở tái định cư 174,09 tỷ đồng; nhà ở xã hội 1.265,42 tỷ đồng; nhà ở dân tự xây: 4.481,72 tỷ đồng.

Để thực hiện các mục tiêu, diện tích đất cần là 212,4ha, bao gồm đất ở phát triển nhà ở dân tự xây 158,93ha; đất ở phát triển nhà ở tái định cư 6,17ha; đất ở phát triển nhà ở xã hội 25,03ha; đất ở phát triển nhà ở thương mại 22,3ha.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp hạn chế tình trạng nợ xấu gia tăng

Sau 5 năm thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), việc xử lý nợ xấu ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42; trung bình khoảng 6,3 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng/tháng).

Cùng với đó, hoạt động xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng đạt kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến cuối tháng 12/2022, VAMC đã xử lý ước đạt 276,5 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc, gấp 4,9 lần so với tổng dư nợ gốc xử lý giai đoạn 2013 - 2016.

Có thể nói, Nghị quyết 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Nghị quyết đã góp phần phá tan "cục máu đông" của nền kinh tế, đưa dòng vốn luân chuyển vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Tuy nhiên, trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước trong hai năm gần đây, có thể thấy khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp đang dần suy giảm và tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng gia tăng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top