Aa

Lời thầm thì của cha

Chủ Nhật, 08/07/2018 - 06:01

Cha tôi khuất núi đã lâu lắm rồi. Nhưng những lời thầm thì của cha với lũ gà vịt trước khi chúng phải chịu kiếp nạn của số loài thì tôi vẫn nhớ mãi. “Hóa kiếp này cho mày sang kiếp khác.”...

Cha tôi vốn là bộ đội, qua cả trận Điện Biên lẫn Trường Sơn rồi mới về làng nên ăn to nói lớn. Rất ít khi thầm thì. Về địa phương, ông tham gia công tác xã hội nên càng hay phải to tiếng. Bởi tính ông rất bộc trực. Có gì là phát ngay ra miệng. Thẳng tuột. Chứ không để ấm ức trong lòng hay nói vòng vo tam quốc.

Hồi mùa hè năm 1972, lúc ấy máy bay Mỹ ném bom Miền Bắc dữ lắm. Buổi tối mấy hôm trước, có chiếc xe chở khách ở Hà Nội về qua đầu đê, ăn ngay một quả tên lửa, chết cả xe. Thế mà một buổi trưa mấy hôm sau, đám thanh niên, trung niên làng tôi hứng lên, bỗng rủ nhau đi “càn thùng” ở đầu bãi.

Càn thùng, là cái trò đánh bắt cá tập thể ở quê tôi rất vui. Hàng trăm người mang nơm, dậm, vó, lưới... xuống một cái thùng, đầm, hồ, ao... nào đó. Quần cho nước đục ngàu lên, cá choáng váng không biết đường nào mà chạy nữa, đờ ra, chỉ còn nước chui dần vào giỏ.

Nghe tiếng họ hò la rủ nhau. Cha tôi đang ăn dở bát cơm vội buông đũa, chạy ra đầu làng, đứng giang tay chắn đoàn người toàn nơm, dậm... hừng hực khí thế. Ông quát to, vang rền: “Giải tán ngay! Giữa trưa nắng này mà cả đống người ra diễu giữa trời. Máy bay Mỹ bay qua, nó tưởng là bộ đội, cho quả bom, liệu có ai sống sót không mà tôm với cá! Giải tán ngay!” Thế mà mấy tay ương ngạnh trong làng vẫn cố tình định đi. Nhưng rồi trước sự kiên quyết của cha, họ cũng đành kéo nhau về. Chả là quê tôi là cửa ngõ Thủ đô. Hồi ấy máy bay Mỹ từ biển vào đánh Hà Nội toàn bay qua. Nhiều hôm bọn trẻ chúng tôi còn trốn bố mẹ chạy ra chỗ trống xem máy bay ta đánh nhau với máy bay Mỹ. Hay như xem phim!

Ngày bé tôi là thằng mải chơi. Suốt ngày lang thang đầu sông, bờ bãi tìm bắt chuồn chuồn châu chấu dế mèn. Thế nên nhiều lúc tôi lơ là việc học, việc nhà, việc trông em. Mà cha tôi thì nóng tính. Mỗi lần phạm lỗi, tôi bị cha bắt nằm sấp ra hiên. Vung roi. Roi thường là một thanh cây đay đã lột vỏ, phơi khô nên rất giòn. Tiếng cha tôi quát to kể lỗi. Tiếng cây đay quật xuống đít gãy giòn tan... Ấy là những âm thanh tôi nhớ mãi. Nhưng không vì thế mà tôi ghét cha. Ngược lại, khi lớn lên có nhiều lúc tôi thầm nghĩ, nhờ mấy cái roi đay mà tôi mới thành người được...

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thế nhưng đời tôi cũng đã chứng kiến khá nhiều lần cha tôi nói nhỏ. Giọng cha tôi trầm nên khi hạ giọng gần như thầm thì. Một lần tôi thấy ông ngồi hút thuốc lào, uống nước chè với ông bác họ trong xóm, khi hai ông vừa đi họp chi bộ về. Đêm khuya. Hai ông cứ ngồi yên lặng. Cha tôi hút thêm một điếu, nhả khói, chiêu một chén trà. Ông thầm thì: “Anh ạ. Mỹ nó rút rồi. Cuối cùng cũng vẫn người Việt lại giết người Việt. Vẫn chỉ là nồi da nấu thịt thôi”. Cả hai ông đều thở dài. Ấy cũng vẫn là mùa hè năm bảy hai, đài báo đang tin tức rầm rộ về thành cổ Quảng Trị.

Cha mất khi tôi đang ở bộ đội. Tít mãi trong rừng sâu gần biên giới phía bắc. Được tin cha yếu lắm, tôi chạy bộ mười lăm cây số xuyên rừng vượt núi về doanh trại xin giấy phép. Xong lại chạy gằn vượt đèo Ngao ba mươi cây số nữa ra ga Đồng Mỏ lên tàu về xuôi. Tàu chạy đến qua ga Sông Hóa thì bị trật bánh nằm trơ giữa đồng. Tôi bỏ tàu chạy ra đường quốc lộ số 1, bắt xe khách. Đi được một quãng thì xe nổ lốp. Lại nằm trơ giữa đường... Tôi về đến bến sông, qua đò. Một chị cùng làng nhìn thấy gọi, “sao bây giờ em mới về?”. Nước mắt tôi thốt nhiên tràn ra thành dòng ...

Về tới nhà thì cha tôi đã mồ yên mả đẹp. Cuộc đời chinh chiến hết với Pháp lại Mỹ. Từ Điện Biên đến Trường Sơn và cuộc sống khó khăn đói kém thiếu thốn hồi ấy đã tàn phá sức lực ông. Và thêm căn bệnh quái ác từ hồi bộ đội nữa. Lâu ngày tôi quên dần cái giọng vang rền những lúc ông hò hét quát nạt. Thế nhưng tôi lại nhớ da diết những lúc ông hạ giọng thầm thì, nói nhỏ. Những lần nghe cha tôi nói nhỏ nhiều nhất là... khi cắt tiết gà vịt! Chả là nhà tôi chăn nuôi khá nhiều gà vịt.

Mỗi khi có giỗ hoặc tết nhất, cha tôi lại bắt một con giết thịt làm cỗ cúng. Tất nhiên là khi đó anh em tôi hân hoan lắm, vì sẽ được chén thịt. Cha tôi vẫn bảo, “trước giỗ sau ăn” mà. Những lúc đó tôi hay được gọi ra giữ gà cho cha cắt tiết. Một tay tôi tóm hai chân, một tay tôi tóm chặt hai cánh. Bọn gà vịt hình như biết sắp chết hay sao ấy, chúng kêu la rất to, hoảng hốt. Cha tôi cầm đầu và một con dao nhỏ rất sắc. Chuyên để cắt tiết gà. Trước khi hành sự, cha tôi vỗ vỗ vào đầu chúng và nói nhỏ một câu. Gần như thầm thì. Gần như xin lỗi. “Hóa kiếp này để mày sang kiếp khác cho đỡ khổ nhé.” Không biết lũ gà vịt kia có nghe thấy lời cha tôi không. Nhưng tôi cảm thấy hình như chúng thôi không còn hốt hoảng nữa.

Cha tôi khuất núi đã lâu lắm rồi. Nhưng những lời thầm thì của cha với lũ gà vịt trước khi chúng phải chịu kiếp nạn của số loài thì tôi vẫn nhớ mãi. “Hóa kiếp này cho mày sang kiếp khác.”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top