Aa

Vỉa hè cộng sinh

Thứ Hai, 24/08/2020 - 07:00

Nói gì thì nói, cái vỉa hè hiện vẫn đang là một "đặc sản" của phố xá Việt. Nó vừa là "đặc sản" vật chất, vừa là "đặc sản" tinh thần, tới mức người ta nâng nó lên thành văn hóa, gọi là văn hóa vỉa hè.

Vốn dĩ dân ta đa phần nông thôn, cái vỉa hè chả nghĩa lý gì. Thời bao cấp, vỉa hè cũng chỉ lác đác có tí "công dụng phụ", còn thì nó vẫn là vỉa hè. Tới khi đổi mới, kinh tế thị trường, thì đồng loạt vỉa hè nó thành... vỉa hè, như bây giờ.

Cứ từ nhà tôi mà ra. Nhà tập thể, đít quay ra đường, mặt quay vào trong. Phía đít nhà ấy, quây cái chuồng lợn, thả cặp lợn tháu, mặt sau, tức mặt trước nhà, trồng rau lang. Đi ngoài đường thấy mồn một cái hố đào để chứa chất thải của lợn. Mà nào có ăn rau cám như lợn nông thôn. Đây nó không chịu ăn, thế là thêm mắm, cá, gạo, cơm thừa, nói thật, cái mùi nó bốc lên kinh lắm.

Rồi uỳnh phát, mặt sau thành mặt trước. Không kinh doanh thì cho thuê. Một cô gái thuê bán tạp hóa. Phía trước nữa, mấy bộ bàn ghế bày ra, ai có nhu cầu uống nước, xin mời. Từ nước ngọt tới cà phê, chỉ nhích một bước là tới. Thế là xong vỉa hè.

Giờ thì vỉa hè trở thành vấn đề lớn của đô thị Việt. Nó là sự "dền dứ" giữa văn minh đô thị và mưu sinh của dân, là quy tắc quy phạm và du di cả nể.

Quả là tôi cũng hơn một lần ngồi ca ngợi những tiện dụng, những hữu ích, những thi vị, những tiện lợi của những quán cóc vỉa hè. Thậm chí còn khẳng định nếu không vỉa hè không ra đô thị Việt. Tới lúc chính mình phải đi bộ xuống lòng đường, nhường vỉa hè cho hàng quán, tới lúc cả nhà phải cố chịu đựng những âm thanh vỉa hè, dù đã cải tạo nhà, cách âm để những hò những hét, những "dô dô" không lọt vào giấc ngủ...

Rồi chuyện anh Hải, phó chủ tịch quận 1 ở Sài Gòn với hai luồng ý kiến gay gắt về việc anh đi dẹp vỉa hè, tới độ, chính chính quyền ở thành phố lớn nhất nước này, một trong hai thành phố lớn khốn khổ với nạn lấn chiếm vỉa hè (thành phố kia là Hà Nội) phải triệu hồi anh về, chính thức... đầu hàng vỉa hè bằng cách cho anh chuyển công tác, và anh này cũng... ngoan cường, xin nghỉ việc luôn.

Mới nhất là một cơ quan báo chí gọi những người mưu sinh vỉa hè là... ký sinh trùng. Dù đã xin lỗi, nhưng rõ ràng, vỉa hè đương là vấn đề vừa tế nhị vừa đương nhiên, vừa thiết thực vừa lãng mạn, vừa cụ thể vừa sâu xa...

vỉa hè hà nội 1
Vỉa hè Hà Nội bị "biến mất".

Dân ta, mới mấy chục năm trước, những ông bà giờ là thị dân ấy, đều từ nông thôn mà lên. Ai lâu thì được trăm năm. Vỉa hè với họ chính là cái... sân trước nhà mình. Và họ ứng xử với cái sân ấy đúng cách bao đời nay ông bà họ đã ứng xử. Và từ nông thôn ra đi, nơi đầu tiên họ bám vào để sống là... vỉa hè. Có người từ vỉa hè tiến lên biệt thự, có người vài đời bám vỉa hè và sống khỏe.

Nó cũng chính là cái tâm lý người Việt nữa, tâm lý nhàn tản, lợi cho mình, tâm lý tranh thủ...

Quan sát mà xem, phải đến quá nửa các bà nội trợ đi chợ thích ngồi trên xe máy mua hàng thay vì dựng xe vào chợ. Đấy chính là lý do để dẫu có chợ, có sạp, nhưng người ta vẫn tràn ra vỉa hè, thậm chí là lòng đường, để bán hàng. Không có người mua, chắc chắn chả ai tràn ra đường bán cả.

Cũng như thế là cái thú... vỉa hè của khách ẩm thực. Cũng kha khá nhiều áng văn đẹp ca ngợi, miêu tả cái thú nhâm nhi ly cà phê sáng hoặc chiều ở một vỉa hè nơi thành phố lạ nào đó. Những là là đà sương sớm, là nắng chiều mong manh, là bước chân lữ thứ, là nao nao nỗi lòng... 

Nó khiến cái cảm giác vỉa hè vừa đẹp vừa thổn thức mời gọi. Rồi ăn nhậu cũng thế. Chả biết tự lúc nào, người ta thích ngồi xà lển ở vỉa hè, cho khoái. Mà quả là, ngồi vỉa hè ngắm phố, ngắm người, chuyện vãn... nó cũng từng là cái thú của chính cả người đang viết bài này.

Dịch Covid, vỉa hè vắng lặng, như... Tết. Rất nhiều người ngơ ngác, lại thấy như thiêu thiếu cái gì?

Rất nhiều người dân thành phố, sáng mùng một Tết mở cửa ra đường, ngạc nhiên với một thành phố... không vỉa hè. Hay chính xác là vỉa hè vắng quá, vắng đến như không có vỉa hè.

Nên quả là, ở Việt Nam ấy, đòi hỏi một vỉa hè thẳng băng sạch bóng như ở Châu Âu rõ ràng là điều quá sức, nếu không muốn nói là không thể.

Nhưng để nó nhếch nhác quá, tủn mủn quá, nguy hiểm quá... như hiện tại thì cũng là điều chả thể được.

Chuyện ở ngay Pleiku, có cái vỉa hè trước cửa cái nhà thờ lớn ở trung tâm thành phố. Bao nhiêu năm, đấy là nơi mấy cái quán lụp xụp bạt, nơi giải quyết đầu ra của mấy quán nhậu, nơi mấy anh xe ôm chờ khách... Cha trong nhà thờ cũng chịu, chỉ có thể giữ được phía trong của mình, còn phía ngoài tường thì chịu. Hôi hám, bẩn thỉu kinh khủng, chả ai làm gì được.

Rồi ông Chủ tịch mới về, nghe góp ý của mấy người hay góp ý, rằng chỉ cần biến tất cả đoạn ấy, thành một luống hoa. Chả cần cấm đoán gì, chả cần cưỡng chế gì, cứ làm toàn bộ nơi ấy thành vườn hoa, tức khắc nó sẽ đẹp ngời ngời lên ngay, nó hết nhếch nhác ngay, nó ra phố ra đô thị ngay, chả ai chiếm dụng được ngay, mà kinh phí cũng chả đáng là bao, thậm chí nếu thành phố ngỏ lời thì việc xã hội hóa là hết sức khả dĩ, hết sức trong tầm tay. 

Và rồi thành công. Có ai nỡ giẫm lên hoa nào, dù quả là thời gian đầu vẫn thi thoảng có người tranh thủ. Thì song song đấy là nhắc nhở, thậm chí là phạt.

Hà Nội mà vắng những gánh, những xe đạp hoa, mùa nào thức nấy, nó sẽ còn gì? Sài Gòn vắng những người đánh giày, trước nữa là bán báo... thì còn gì? Và cả nước, không còn người bán vé số dạo (hoặc ngồi ngay bên đường), công ty số số đóng cửa à? Họ phải mưu sinh trên vỉa hè. Nhưng không có nghĩa là có quyền nhếch nhác, có quyền cản trở người đi bộ, có quyền chiếm hữu vỉa hè như của nhà mình...

Thì cứ nghĩ lan man thế thôi. Cái giống cầm bút cứ hay nghĩ lan man, chứ thực hiện cụ thể lại chả phải việc của anh ta, mà là của chính quyền. Chính quyền đô thị khác chính quyền nông thôn, không chỉ ở tên gọi phường thay cho xã, tổ dân phố/khu phố thay cho đội làng... mà còn ở chính cách xử lý tinh tế và triệt để nhiều việc, trong đó có... vỉa hè.

Và chợt nhớ, trong đời viết của mình, tôi có tới mấy bài thơ ca ngợi... vỉa hè

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top