Thế là Covid-19 bùng lên ở nước ta đợt 2, đợt sau "trội" hơn đợt trước: Là có người chết. Là số ca tăng nhanh trong ngày. Là có tâm dịch, vân vân...
Nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm. Không hoảng loạn, không bi quan. Chúng ta bình tĩnh trong khôn ngoan và hiểu biết.
Một kỳ thi tốt nghiệp đã diễn ra suôn sẻ, dù không phải không có những ý kiến bàn ra. Chuyện thi cử ở nước ta là chuyện dài nhiều tập, nhưng trong nhát cắt ngang lần này thì về cơ bản đã suôn sẻ. Vừa chống dịch vừa thi. Cuộc thi đi vào chiều sâu, trầm lắng hơn. Lại thêm những là Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang... làm gương nóng hổi đấy nên các ý định tiêu cực có vẻ... chờn.
Làm sao để các cuộc thi đúng nghĩa là cuộc thi, nhẹ nhàng nhưng thực chất, là trọng tâm nhưng hài hòa, như là đương nhiên của quá trình học chứ không phải là sự kiện hết sức đặc biệt, hết sức sinh tử, để mọi người bất chấp mà lao theo.
Một Đà Nẵng tâm dịch nhưng cũng hết sức lạc quan, hết sức bình an, dù nhịp sống có thể gấp gáp hơn, cũng như nhàn rỗi hơn. Chưa bao giờ mà phẩm chất, khí phách người Đà Nẵng thể hiện rõ đến thế, từ việc cương quyết phản đối cách gọi mình là... ổ dịch, đến việc đóng góp khá nhiều tiền và hiện vật cho các bệnh viện phong tỏa...
Và Chính phủ cũng tự tin, bản lĩnh hơn, kinh nghiệm hơn khi chỉ công bố phong tỏa từng khu vực chứ không toàn xã hội, dù trước đó có nhiều kêu gọi, đồn đoán rằng, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban lệnh cách ly xã hội toàn quốc trong ngày một, ngày hai.
Và khi tôi ngồi viết bài này thì mấy ngày liên tiếp không phát hiện ca dương tính mới, dù tuần trước, mỗi ngày số ca dương tính liên tục tăng, đến mức, đợt trước, dân còn tính đếm xem bao nhiêu ca, nhớ từng ca theo số là ai là ai, giờ chả nhớ nổi. Chính phủ cũng có những tiên đoán đúng đỉnh dịch. Đỉnh, tức là sau đấy sẽ chậm lại rồi dừng. Nhiều tờ báo đưa thông tin, hôm nay Đà Nẵng đã qua đỉnh dịch.
Vấn đề đặt ra là, trong khi chờ vắc xin, như các loại vắc xin lao, sởi, dịch hạch, đậu mùa, ho gà, uốn ván... vân vân, thì chúng ta phải học cách sống chung với dịch.
Tôi vẫn giữ quan điểm rằng, lâu nay chúng ta đã quá, vừa coi thường, vừa ngạo nghễ với tự nhiên. Chỉ nhăm nhăm khuất phục mà không chịu tìm cách sống chung. Giờ là cách chúng ta phải nhìn lại cách sống của mình, thái độ của mình, tư duy của mình, về chính chúng ta, về những gì tồn tại chung với chúng ta, xung quanh chúng ta, đương nhiên cùng chúng ta...
Sáng nay, tôi ngồi uống cà phê với một bác đại tá quân đội về hưu, giờ chuyên tâm đi tìm mộ liệt sĩ. Tự nhiên phát ra một khả năng đặc biệt, rồi cứ thế lầm lũi đi tìm mộ liệt sĩ, và bác đã tìm ra khá nhiều. Kể với nhau chuyện một thời chúng ta ăn thịt thú rừng như "mốt" sang, ăn thịt chó như thói quen.
Giờ tự nhiên giảm hẳn, giảm rất sâu nếu như không muốn nói đang biến mất. Rồi bác kể, nếu chịu khó tập như tôi (tức bác đại tá), hiện tại không ăn một chút ngũ cốc nào, chỉ ăn rau, ngày này sang ngày khác. Và, nếu cần, có thể nhịn ăn bốn năm ngày không hề gì.
Sẽ đến lúc con người phải thích nghi đến những việc ấy. Con người ăn tự nhiên nhiều quá. Ăn mà không trả lại. Thứ nhất là mẹ tự nhiên sẽ nổi giận. Thứ hai là sẽ hết, lấy gì mà ăn nữa. Mà dân số thì tăng lên hàng ngày. Tôi thì nói đùa, bảo các cụ trên trời nuôi con người cũng như chúng ta nuôi gà vịt ngan ngỗng á, khi nào nhà có việc thì... tóm cổ ra thịt.
Tết thì thịt nhiều hơn, bình thường thì tùy từng nhà. Vậy nên những đợt dịch giã, thảm họa động đất, sóng thần... là khi trên trời có việc lớn. HIV, phong lao cổ lại... là những dịp nhà trời có đại sự. Ông đại tá cười khà khà, nói nhà văn có khác, ý tưởng lạ. Rồi lại tặc lưỡi, những gì chúng ta biết về tự nhiên còn ít quá.
Năm giác quan của chúng ta đều nhìn ra ngoài. Chưa có giác quan nhìn vào trong con người. Cái thế giới bên trong con người mới kinh khủng. Sâu hơn một chút, nó là thế giới tâm linh. Đã có ai hiểu gì về nó đâu. Mà nó là một thực thể, nó tồn tại song song với đời sống vật chất của con người, chưa dám nói là nó chi phối, nó chỉ huy, nhưng rõ ràng là có tác động không nhỏ.
Chúng ta, một mặt bài bác, nhưng mặt khác, từng người từng nhà đều hết sức tôn trọng phần tâm linh, nhìn từ việc cúng giỗ, cưới xin, khởi công, động thổ các loại... vân vân, thì biết. Nhất nhất coi ngày, nhất nhất nhờ thầy. Nhưng lại thế này, nó không có quy chuẩn nào thống nhất hết, nên rất nhiều người nhảy ra "xưng vương". Nó là một thực thể xã hội, không được thừa nhận, nhưng ai cũng phải theo, từ ông to bà nhớn tới dân đen.
Có ai dám làm nhà mà không coi ngày, đưa tang không coi giờ và đám cưới mà không hỏi thầy không? Đấy, một mặt chúng ta khiếp sợ tự nhiên, coi tự nhiên như một thế lực tất yếu, nhưng mặt khác chúng ta lại hết sức coi thường thế giới ấy, nên nó lung tung xòe lên...
Rồi lại chợt nhớ đến tướng Chung. Từ sĩ quan tới trưởng phòng, phó Giám đốc rồi Giám đốc. Rồi Chủ tịch Thủ đô. Thủ đô văn hóa và hòa bình mà ông tướng công an làm Chủ tịch thì chắc phải là người hết sức có văn hóa, lịch lãm và hiểu biết rộng chứ không chỉ điều tra trấn áp tội phạm.
Và cái hành động ông làm từ ngày còn là Giám đốc công an tới khi giữ chức chủ tịch là tặng hoa nhân sinh nhật các văn nghệ sĩ tiêu biểu Thủ đô đã khiến rất nhiều người cảm kích và đánh giá cao hành vi hết sức lịch sự và văn hóa này.
Uỵch phát, chiều muộn ngày 11/8, đồng loạt các báo đưa tin, ông bị đình chỉ cả chức vụ Đảng lẫn chính quyền để phục vụ điều tra. Và theo Bộ Công an thông báo, thì ông liên quan tới 3 vụ trọng án mà Bộ Công an đang xử lý, trong đó có một vụ đại án thuộc diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, là vụ Nhật Cường.
Ông là người đã chỉ đạo khá quyết liệt việc Hà Nội phòng chống dịch Covid. Thậm chí có người còn bảo ông áp dụng cả nghiệp vụ điều tra vào việc khoanh vùng, tìm người liên quan F1, F2 để cách ly, nhờ thế mà dịch không bùng phát mạnh ở Hà Nội...
Thì cứ dông dài thế, Covid mà, không dễ gì ngày một ngày hai mà chia tay nó. Cứ phải trường kỳ và lạc quan thôi và tạo một phương thức mới để... sống chung.