Aa

Lớp học cô Bình

Thứ Hai, 15/07/2019 - 06:01

Mỗi năm cứ vừa nghỉ hè là cô này lại tổ chức một chuyến đi, như đi thực tế, đến những vùng miền đặc trưng của đất nước.

Tôi quen một cô làm nghề khí tượng, nhưng ham dạy, tập hợp một lũ trẻ ở Hà Nội từ lớp 3 đến lớp 8, dạy thêm cho chúng từ lịch sử, địa lý đến văn hóa, môi trường, cách sống thay vì chỉ nhăm nhăm toán lý hóa ngoại ngữ đến chai mông và cả chai mắt.

Là quen nhau qua... facebook thôi. Té ra cô này đọc bài tôi rất kỹ, và sau này mới biết, cô này đọc tất cả mọi thứ. Thì thế mới dám mở lớp, mới thu phục được học trò, và không chỉ học trò, mà là bố mẹ chúng, toàn loại trên thông thiên văn dưới tường địa lý, trí thức đời mới cả.

Kiến thức, theo cô này quan niệm, là đọc và đi. Tôi cũng chịu đọc chịu đi, nhưng sau này quen, nói chuyện với cô này mới thấy sự hiểu biết của cô là khủng khiếp, nhất là mảng văn hóa truyền thống.

Điều quan trọng là phụ huynh ủng hộ. Mỗi năm cứ vừa nghỉ hè là cô này lại tổ chức một chuyến đi, như đi thực tế, đến những vùng miền đặc trưng của đất nước. Chuyến đi có cả phụ huynh tham gia, thậm chí có nhà cả gia đình bố mẹ và các con. Các con tức là không chỉ một đứa.

Họ đã đi nhiều năm và đi khá nhiều nơi. Mới nhất là đến Huế, Mỹ Sơn, Hội An... Và không phải đi như du lịch, mà là đi khám phá, đi tìm hiểu, đi học.

Năm ngoái là một tour vào Tây Nguyên. Gần 3 chục học sinh và gần gần như thế là phụ huynh. Bay vào sân bay Pleiku có xe hợp đồng đón sẵn lên Kon Tum, thăm nhà thờ gỗ, tòa giám mục rồi trực chỉ Măng Đen, tối ấy vào một làng Sê Đăng, giao lưu với nghệ nhân A Briu, đốt lửa ở nhà rông, xoang với dân làng.

Hôm sau giao lưu với 150 lính biên phòng, trước đấy thăm cái xe tăng lịch sử ở Đắk Tô, các cháu dọn vệ sinh ở đây, nghe cô Bình (tên cô giáo tôi đang kể) nói về sự tích xe tăng, và khóc, cả cô và trò khóc, nhất là cái chi tiết nắm cơm chỉ còn là một cục than được mang về để ở bảo tàng quân chủng, còn các chiến sĩ trên chiếc xe tăng ấy hy sinh hết.

Thăm ngã ba biên giới, cái ngã ba Ngọc Hồi nơi một tiếng gà gáy cả 3 nước cùng nghe... 5 ông phụ huynh trẻ mặc áo cờ đỏ sao vàng hát "5 anh em trên một chiếc xe tăng" ở xe tăng, hát "chiều biên giới" ở cột mốc, hát ở nghĩa trang liệt sĩ...

Họ liên hệ với tôi trước, mời tôi giao lưu với các cháu, và cả với phụ huynh, với tư cách là người có hiểu biết chút ít về Tây Nguyên. Cô Bình chọn một cái nhà hàng của nghệ nhân Ksor H'nao. Ông này vừa là nghệ nhân người Jrai, có thể làm được nhiều việc: Chế tác nhạc cụ, nhiều loại nhạc cụ, chơi chiêng, đẽo tượng nhà mồ, H'ri (kể khan), hát. Nói thật, nhiều lúc tôi hết sức kinh ngạc về khả năng phi thường của ông nghệ nhân này.

Từ Hà Nội, cô Bình đọc và biết ông, biết cả cái nhà hàng của ông nên đã đặt trước. Nói luôn, ngay khi ra sân bay tôi đã hết sức ngạc nhiên về cái sự chuyên nghiệp trong tổ chức chuyến đi này. Một cái xe to oành, hiện đại, từ... Buôn Ma Thuột chạy sang đón. Thì ra chuyến đi này đoàn xuống sân bay Pleiku, đi thẳng lên Kon Tum, về lại Kon Tum rồi sang Đăk Lăk, bay về từ sân bay Buôn Ma Thuột.

Thì tôi được mời ra giao lưu, và tưởng là giao lưu... uống như lâu nay anh em bạn bè các nơi mỗi lần đến vẫn thế. Té ra không phải. Ăn rất nhanh rồi tại đấy là nghe các cháu hỏi. Những vấn đề về Tây Nguyên, về bản sắc văn hóa, về những điều các cháu quan sát ghi nhận mấy hôm nay. Và một lúc thì, không chỉ các cháu, các phụ huynh cũng nhảy vào hỏi. Và cả tranh luận nữa.

Có những câu hỏi như của... phóng viên tập sự (các cháu mới từ lớp 3 tới lớp 8 nhé), có câu như của... già làng, từ dễ tới khó và rất khó. Từ tầm lớp 3 tới tầm nhân loại.

Vấn đề là, tôi hết sức phục cái kiểu dạy trẻ con như thế này. Nói với cô Nguyễn Thanh Bình, người phụ trách lớp này và thiết kế chuyến đi: Tôi phục các cháu 1, phục cô 2 thì phục phụ huynh 10. Họ đã can đảm cả tinh thần, phương pháp và... kinh phí để chọn cách giáo dục con chẳng giống ai (nhưng lại giống những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới).

Nhưng nhìn bọn trẻ con thì biết, chúng hết sức thông minh và tự lực, chúng hiểu vấn đề và rất hoạt bát, liên tưởng rộng...

Và, trước khi giải tán, các cô ấy đưa phong bì cho tôi. Đầu tiên tôi không nhận, sau lại một cô khác kiên trì cầm đưa lại, thì xin nhận. Thứ nhất, đấy là tấm lòng và cũng là cách để các cháu, và phụ huynh thấy sự tôn trọng lẫn nhau. Vì tôi có nói về lẽ công bằng của người Tây Nguyên.

Và nữa, để thấy rằng, tôi cũng bán chất xám được. Có một phụ huynh hỏi: Anh từng là người Kinh, ở toàn đất đế vương: Huế, Ninh Bình, Thanh Hóa giờ có điều kiện, sao không đi? Bảo, tôi có thể đi bất cứ đâu bây giờ, và không chỉ bây giờ. Hiện có nhà ở Sài Gòn. Nhưng thứ nhất là... quen rồi, thứ 2 là máu khám phá vẫn còn, vẫn thấy chưa bao giờ đủ, thấy những điều mình hiểu biết còn tí teo. Thứ 3 là, thứ 4 là...

Nhưng cũng có nói với các cháu: Những điều bác nói chỉ là hạt cát bé xíu giữa lớp lớp đồi cát, mà chưa chắc đã đúng, có gì các cháu phản biện nhé. Bây giờ chưa thì lớn lên. Như bác đã từng sai lầm làm thơ về... cây khộp (chỉ có rừng khộp chứ không có cây khộp), và mới nhất là trong một bài báo, đã cho xe đạp Phượng Hoàng và Thống Nhất ra mặt trận Điện Biên Phủ...

Năm nay cô Bình lại liên hệ với tôi nhờ giới thiệu người quen để đưa các cháu đến thăm bảo tàng Chăm và những làng Chăm Ninh Thuận. Trong khi hè đa phần học sinh lao vào học kỳ... 3, thì các cháu này lại được tổ chức cho đi chơi. Chơi mà học, học thứ thiệt. Tất nhiên, cũng phải nói ngay, điều kiện kinh tế cũng phải từ trung bình khá trở lên mới có thể tham gia được vào những lớp học như thế này.

Thi tốt nghiệp phổ thông năm rồi, rất nhiều cháu 18 tuổi mà như trẻ lên 5, những là ngủ quên, những là mang điện thoại vào phòng thi, những là mặc quần đùi đến trường với sự lăn ra giúp sức của cả xã hội, từ tình nguyện viên, công an, chính quyền, phụ huynh, thầy cô giáo thì các cháu bé này, tôi thấy chúng tự tin tự giác và tự lực một cách đáng khâm phục.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top