Aa

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 15/01/2024 - 19:51

Hiện nay, thực tiễn hoạt động xử lý nợ xấu gặp nhiều thách thức và để đạt được kết quả tích cực hơn, đòi hỏi cần tạo hành lang pháp lý đồng bộ, kỳ vọng được quy định chặt chẽ tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chiều 15/1, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Trong đó, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH về nhiều nội dung như: quy định về giới hạn cấp tín dụng, dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu…

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã theo hướng bỏ các quy định sau tại Chương XII: Thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nguồn: Quochoi.vn

Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 200 của dự thảo Luật về chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cùng với đó, bổ sung tương ứng tại khoản 15 Điều 210 (Quy định chuyển tiếp) để chuyển tiếp đối với các hợp đồng bảo đảm có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản được ký kết trước ngày Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành.

Cụ thể, theo khoản 6 Điều 210, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đã được thu giữ theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hoặc đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa xử lý xong thì được tiếp tục áp dụng quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 01/01/2024 cho đến khi xử lý xong.

Liên quan đến Chương XII về xử lý nợ xấu tài sản đảm bảo, Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang) đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH trong việc chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật. Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính. Đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Theo đại biểu, tại Nghị quyết 42, các nội dung trên đã được báo cáo, đánh giá trước Quốc hội, Quốc hội đã cho phép kéo dài Nghị quyết 42 đến hết năm 2023. Những quy định trên là những nội dung cốt lõi, trọng yếu trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhằm đảm bảo công tác xử lý nợ xấu có cơ sở pháp lý để triển khai hiệu quả trên thực tế.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang)

Vì vậy, việc thu giữ tài sản bảo đảm quy định như dự thảo tại Kỳ họp thứ 6 là phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự. Do các tổ chức tín dụng muốn thu giữ tài sản bảo đảm thì phải có sự đồng ý của khách hàng, việc này được thể hiện ở văn bản thỏa thuận giữa hai bên. Đại biểu đề nghị giữ nguyên nội dung này như trong dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ 6, để đảm bảo tính pháp lý và xử lý hiệu quả nợ xấu.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP. Hà Nội) cũng cho rằng, việc duy trì cơ chế chính sách theo Nghị quyết 42 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết; cũng cần phải xem xét bởi vì thu hồi này không phải tạo ra đặc quyền đặc lợi gì cho tổ chức tín dụng mà việc thu giữ theo nghị quyết để đảm bảo quyền lợi chung mang tính xã hội nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, trên thực tế việc thu giữ tài sản và bàn giao tài sản cho bên mua sau khi bán thành công gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm và có nhiều trường hợp không thực hiện được. Nguyên nhân do bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác, có hành vi chống đối và làm đơn, thư khiếu kiện. Còn cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy định tại khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/09/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ chối thực hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản. Đồng thời các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ tài sản sau khi thu giữ. Để đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan cũng như việc thượng tôn pháp luật, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu lại cho phù hợp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top