Aa

Luật Đất đai mới mở rộng quyền tiếp cận đất đai cho Việt kiều như thế nào?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 21/01/2024 - 06:00

Luật đất đai mới đã mở rộng quy định, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.

So với Luật Đất đai 2013 (Điều 5) phân biệt quyền tiếp cận đất đai giữa "cá nhân trong nước" với "người Việt Nam định cư ở nước ngoài" thì khoản 3 Điều 4 Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.

Còn tại Điều 28, h) Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự;

Như vậy, Luật Đất đai mới giữ quy định như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, chỉ sửa từ ngữ "gốc Việt Nam" nhằm góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào trong nước.

Cùng với đó, Luật Đất đai mới cũng giữ quy định của Luật Đất đai năm 2013 về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao (Điều 28), đối với các khu vực khác tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được tiếp cận đất đai thông qua hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Theo đó, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự. Nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.

Luật mới cũng có quy định về trường hợp thu hồi đất đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật tại khoản 31 Điều 79, như vậy, đã cơ bản giải quyết được vướng mắc trong việc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài triển khai thực hiện các dự án có sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.

Theo ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Mở rộng quy định lần này đã tạo sự bình đẳng giữa người dân trong nước và kiều bào trong việc sở hữu đất đai. Khi họ được mua nhà, có quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất như công dân trong nước thì họ sẽ chuyển tiền về đầu tư, mua nhà ở Việt Nam. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có thêm nhu cầu lớn từ bà con Việt kiều, thêm đầu ra cho nguồn cung nhà ở cao cấp đang vượt cầu.

Ông Quê cũng cho biết thêm, theo Luật Kinh doanh Bất động sản mới, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (quốc tịch Việt Nam, gọi tắt là Việt kiều) có quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai như công dân trong nước, nghĩa là được kinh doanh bất động sản như công dân trong nước.

Luật Đất đai mới mở rộng quyền tiếp cận đất đai cho Việt kiều như thế nào?- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Như vậy, Việt kiều sẽ được đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.

Khi các luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Đất đai thống nhất, đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Việt kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Tại hội thảo "Nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều", số liệu của HREC cho biết, hiện có trên 10 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (Việt kiều) trên 200 quốc gia. Trong số này, có 3,8 triệu người đã đến tuổi nghỉ hưu. Đặc điểm của nhóm người ở tuổi này là có tích sản và trong số đó hơn 3 triệu người có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống. Số lượng người có tiền mua căn hộ giá 20-30 tỷ đồng rất nhiều. Lào, Campuchia, Thái Lan cho người nước ngoài sở hữu 99 năm. Việt Nam chỉ cần sở hữu 30 - 50 năm cũng được.

Còn theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 ở mức 14 tỷ USD. Trong khi Ngân hàng Nhà nước ước tính, lượng kiều hối chuyển về nước năm 2023 sẽ tăng từ 25 - 30% so với năm 2022. Một số công ty chuyển tiền kiều hối cho hay, trong năm 2023, lượng kiều hối tăng trưởng khá tốt, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, lượng kiều hối chuyển về trong nước sẽ còn tăng mạnh.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong những ngày cuối năm 2023 tăng mạnh và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sát Tết Nguyên đán. Trong đó, lượng kiều hối cao nhất là ở TP.HCM.

Như vậy, cùng với quy định mới, hứa hẹn sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người nước ngoài quan tâm tới thị trường đất đai và thị trường bất động sản tại Việt Nam. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top