Aa

Nỗ lực và đồng lòng đưa Luật Đất đai về đích: Kỳ vọng tạo nền tảng pháp lý mới, minh bạch, khơi thông thị trường

Thứ Sáu, 19/01/2024 - 11:53

Hành trình sửa Luật Đất đai đã khép lại với nhiều cảm xúc đặc biệt. Nhiều ý kiến đánh giá, Luật Đất đai 2024 đã thể hiện trách nhiệm rất cao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan, tổ chức liên quan, để "dự án Luật rất khó và phức tạp" về đích như kỳ vọng.

Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Dự án Luật Đất đai đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị "rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu", qua nhiều vòng, nhiều bước; đã được thảo luận, cho ý kiến tại "3 kỳ họp Quốc hội, 2 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 6 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến nhân dân".

Những con số nêu trên phần nào cho thấy, đây là "dự án Luật rất khó và phức tạp", theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội.

Như ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật Đất đai sửa đổi), khi chia sẻ về quá trình hoàn thiện Dự thảo, đã cho hay, "phòng họp của Ủy ban Kinh tế dành cho nội dung rà soát Dự án Luật hầu như sáng đèn cả tuần, thậm chí cả tháng; đặc biệt trong Kỳ họp Quốc hội, việc làm tới tối muộn là hoạt động thường xuyên và bình thường".

Sau khi kết thúc cuộc họp, cán bộ, công chức của các cơ quan tiếp tục làm việc, trao đổi để hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, văn bản thuyết minh...và "nhiều lần làm việc xuyên đêm, trao đổi, tranh luận nhiều giờ qua điện thoại, họp trực tiếp…"

Tất cả hướng đến mục tiêu cuối cùng là "bảo đảm chất lượng của Dự thảo Luật, tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân", theo ông Vũ Hồng Thanh.

Nhìn lại, từ Dự thảo lần đầu tiên trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2022), cho đến khi Luật Đất đai chính thức thông qua tại Phiên họp bất thường đầu tiên của năm 2024, ngày 18/1 vừa qua, là một hành trình dài với rất nhiều nỗ lực.

Để triển khai nhiệm vụ sửa đổi Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật đã nỗ lực thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013, tổ chức lấy ý kiến nhân dân cả nước để xây dựng Dự thảo Luật.

Chỉ trong vòng 2 tháng rưỡi, từ 3/1/2023 đến 15/3/2023, Bộ TN&MT đã nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhân dân với đạo luật hết sức quan trọng này. Nhân dân từ khắp các địa phương, các tổ chức, các ngành nghề, giới trí thức, doanh nhân hay người nông dân đều được quyền nêu ra những băn khoăn, bất cập và mong muốn trong quá trình sử dụng đất.

Sau đợt lấy ý kiến rộng rãi đối với nhân dân trong và ngoài nước, cử tri một lần nữa được góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai trên diễn đàn Quốc hội.

Nhận rõ đây là bộ luật phức tạp và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội đất nước, đến từng người dân, Quốc hội đã quyết định thảo luận thêm một kỳ họp so với các dự án Luật khác. Nghĩa là, thay vì xem xét và thông qua trong 2 kỳ họp, thì riêng đối với Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận trong 3 kỳ họp và dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối cùng, kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023). Thêm nữa, trong cả 3 kỳ họp, thời gian thảo luận tại hội trường đều diễn ra nguyên một ngày, nghĩa là gấp đôi so với thời gian thảo luận các dự án Luật khác.

Trong khi, số đạo luật được xem xét thông qua tại 3 kỳ họp từ trước tới nay chỉ "đếm trên đầu ngón tay", thì đến Kỳ họp thứ 6 (khai mạc ngày 23/10/2023), dự án Luật Đất đai vẫn chưa được thông qua.

Sau nhiều mong đợi, ngày 18/1, dự án Luật đã chính thức thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Hành trình sửa đổi Luật Đất đai 2013 đã khép lại, mở ra một chu kỳ mới cho nền kinh tế, với kỳ vọng nguồn lực đất đai thực sự được giải phóng và trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Là thành viên chủ chốt của Ban soạn thảo, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay:"Một dự án luật 50 điều khoản có thể không phải là vấn đề, nhưng với một đạo luật tới 260 điều như Luật Đất đai, đôi khi, để nghiên cứu 1 ý kiến, đại biểu đã phải mất nửa buổi, chưa kể thiết kế, chỉnh lý phương án. Để "hóa giải" 3 thách thức trên, không có cách nào khác là Ủy ban Kinh tế phải tăng cường nhân sự làm liên tục, quyết tâm nỗ lực cao hơn để đáp ứng kỳ vọng của cử tri".

Đồng thời, ông Hiếu mong muốn, Chính phủ sẽ sớm có kế hoạch chi tiết, cụ thể triển khai thi hành luật này. Trong đó, xác định các nghị định sẽ hướng dẫn thi hành luật và xác định cơ quan nào làm đầu mối soạn thảo, tham mưu các nghị định này.

Reatimes ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội sau khi thông qua Luật Đất đai 2024:

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Luật Đất đai 2024 có 5 nhóm vấn đề mới so với luật hiện hành:

Thứ nhất, đó là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Cụ thể như: mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai của công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp, Luật thiết kế quy định về thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh, thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng cơ chế thỏa thuận, mở rộng quỹ đất (như cho dự án có hoạt động lấn biển), quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng nhà ở xã hội…

Thứ ba, nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, như: đất sử dụng kết hợp đa mục đích, thu hẹp trường hợp phải xin phép về mục đích sử dụng đất, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa…

Thứ tư, là nội dung liên quan tài chính đất đai tách bạch rõ ràng và có một số chính sách ổn định tiền thuê đất.

Thứ năm, quy định nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đáng chú ý là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Quan trọng nhất là nâng cao về thông tin dữ liệu đất đai để mọi người dân tiếp cận dễ dàng phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh; có cơ chế tạo thuận lợi hơn cho người dân giám sát việc thực thi liên quan đất đai.

Từ góc độ người dân, doanh nghiệp, có hai nhóm vấn đề quan trọng mà Luật Đất đai kỳ này đã làm được. Thứ nhất, cải tiến, nâng cao mức độ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Hai là, sử dụng các cơ chế thị trường trong việc tiếp cận đất đai, giảm được rất nhiều chi phí hành chính. Tôi kỳ vọng những nội dung này có tác động tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp): Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách thận trọng, khách quan với sự tham gia đóng góp của nhiều đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân. Các nội dung góp ý được tập hợp, tiếp thu, giải trình hết sức kỹ lưỡng, cho thấy tinh thần cầu thị, quyết tâm của Chính phủ, Ban soạn thảo nhằm đảm bảo dự án luật có chất lượng cao nhất.

Rất nhiều ý kiến, rất nhiều tranh luận và góp ý với nhiều bản dự thảo, để thấy việc làm nên bộ Luật Đất đai chất lượng là rất khó khăn. Tại kỳ họp thứ 6, nhiều vấn đề trong Dự thảo vẫn chưa được giải quyết và thống nhất. Vì vậy, Quốc hội đã đưa ra quyết định sẽ tổ chức thảo luận và thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp bất thường. Và ngày 18/1, Quốc hội chính thức bấm nút thông qua Luật Đất đai 2024, với sự đồng thuận rất cao của các đại biểu.

Có thể nói, Luật Đất đai sửa đổi kỳ này rất gần với thực tiễn và cơ bản đã đáp ứng được mong mỏi của người dân, cử tri cả nước. Vậy nên, đại đa số người dân đều đồng tình ủng hộ. Mặc dù khó hoàn hảo, nhưng Luật Đất đai 2024 đã có những điểm sáng, điểm mới, giải quyết được khó khăn, bất cập mà người dân và doanh nghiệp chịu đựng trên thực tế lâu nay.

Trong đó, có những điểm mới đã tháo gỡ vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp rất tốt. Trước hết, người có quốc tịch Việt Nam định cư ở nước ngoài có đầy đủ quyền liên quan đến đất đai như người Việt Nam trong nước. Điểm này rất ưu việt và khuyến khích kiều bào không từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Tôi cho đây là điểm mới mà bà con Việt Kiều rất phấn khởi.

Còn người Việt Nam ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam cũng được hưởng những quyền theo Luật Đất đai mới, không có trong Luật Đất đai cũ. Như được mua nhà chung cư, thành lập tổ chức đầu tư bất động sản.

Điểm thứ hai, trước đây, doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh, dù đã đàm phán thỏa thuận để có quyền sử dụng đất nhưng phải giao đất cho Nhà nước rồi thuê lại. Theo Luật Đất đai mới, doanh nghiệp không phải giao lại đất cho Nhà nước mà chỉ cần trình đề án sản xuất kinh doanh.

Điểm thứ ba mà người dân rất quan tâm là được đền bù theo giá thị trường khi Nhà nước thu hồi đất để phục vụ cho kinh tế - quốc phòng - an ninh. Thông qua các phương pháp định giá đất cụ thể, có cả khảo sát thực địa theo khu vực, nếu có chênh lệch địa tô thì phải tính cho người dân. Đồng thời, trước khi thu hồi đất phải có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Điểm thứ tư, người dân rất hài lòng khi Luật Đất đai mới cho phép chuyển nhượng trong hạn mức nhất định, quá hạn mức thì cần thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sản xuất kinh doanh. Khác với Luật hiện hành không cho phép người không trực tiếp canh tác, sản xuất nông nghiệp thì được chuyển nhượng mua bán.

Với rất nhiều điểm mới khác, Luật Đất đai sửa đổi đã tương đối hoàn thiện và tôi cho là người dân đã khá hài lòng và đồng thuận. Những điểm mới, điểm khó sẽ giao Chính phủ quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ có những Thông tư hướng dẫn rõ ràng. Nhưng nên ban hành Nghị định, thông tư sớm, tránh tình trạng luật chờ nghị định. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền, phổ biến những thay đổi trọng tâm để người dân, doanh nghiệp nắm vững và thực hiện theo đúng quy định.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên): Tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tham gia soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Cụ thể, hồ sơ dự án luật sửa đổi trình Quốc hội lần này được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng. Cơ quan soạn thảo đã rất lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, thận trọng các ý kiến tham gia hợp lý của các ĐBQH, chuyên gia, các nhà khoa học và cơ quan, tổ chức có liên quan, cũng như ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước. Việc thông qua luật lần này cũng cho thấy sự thống nhất rất cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan trình Chính phủ với cơ quan thẩm tra là Quốc hội.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng thận trọng đối với những vấn đề lớn, vấn đề khó và còn có ý kiến khác nhau, vì đây là bộ luật có vai trò rất quan trọng, có sự ảnh hưởng và tác động sâu rộng đến mọi tổ chức, cá nhân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới. Luật Đất đai thông qua kỳ vọng sẽ tháo gỡ những rào cản, nút thắt còn tồn tại liên quan đến đất đai.

Một trong những yêu cầu đặt ra để Luật Đất đai phát huy hiệu quả ngay sau khi có hiệu lực, là Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai.

Tôi kỳ vọng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được triển khai và thực hiện phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của cử tri cả nước.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương): Để khơi thông nguồn lực đất đai, phát huy được ở khía cạnh là tư liệu sản xuất và chỗ ở, thay vì thiên về khía cạnh tài sản như hiện nay, tôi cho rằng quá trình sửa luật cần bảo vệ được nền tảng lý luận đã được Hiến định và được cụ thể hóa, áp dụng vào thực tế cuộc sống, chính là thành công trong quá trình sửa luật.

Nhưng nếu chỉ bảo vệ được nền tảng lý luận mà không áp dụng được vào thực tế, nghĩa là kinh tế thị trường không vận hành được là luật chưa hoàn thiện. Còn nếu nghiêng về kinh tế thị trường, xa rời nền tảng sẽ không thành công. Vì vậy, hai tiêu chí phải song hành, vừa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, nhưng không được xa rời lý luận nền tảng.

Có thể thấy, Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định tiến bộ, cụ thể hơn, đồng thời đã thể hiện nỗ lực rất lớn của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong thời gian qua. Nhiều quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã nhận được sự đồng thuận, đồng tình, thống nhất so với Kỳ họp trước, những vấn đề còn tồn tại cũng là căn bản, không thể du di.

Tôi nghĩ rằng, với quyết tâm chính trị, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân, nhất là dưới góc nhìn Luật Đất đai chi phối đến đời sống kinh tế-xã hội. Tuy vậy, vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.

Luật Đất đai có thể coi là đạo luật gốc. Giải quyết đúng chính sách, pháp luật về đất đai góp phần kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực phát triển, bảo đảm an ninh-quốc phòng, ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Nhưng trên hết có thể thấy, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua trên tinh thần đổi mới, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao và kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong quản lý đất đai, khắc phục những hạn chế, tồn tại, đặc biệt vấn đề khiếu kiện, khiếu nại về đất đai như thời gian qua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top