Aa

Lùm xùm liên doanh nhà đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Chủ tịch Lâm Đồng chỉ đạo làm rõ

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Sáu, 18/10/2024 - 10:48

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái chỉ đạo làm rõ việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung rút khỏi liên danh do Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện khi tham gia thực hiện cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 8740/UBND-GT gửi Ban Quản lý giao thông tỉnh về việc làm rõ các thông tin liên quan đến liên doanh nhà đầu tư đề xuất cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Theo đó, UBND tỉnh nhận được văn bản số 10/CV-NMTG ngày 4/10/2024 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung và việc đề nghị làm rõ thông tin liên quan liên doanh nhà đầu tư dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Về việc này, UBND tỉnh giao Ban Quản lý giao thông tỉnh xem xét, có văn bản ttar lời đối với nội dung kiến nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung trước ngày 20/10/2024.

Lùm xùm liên doanh nhà đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Chủ tịch Lâm Đồng chỉ đạo làm rõ- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Trước đó, trong báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (Tập đoàn Nam Miền Trung) cho biết, được sự quan tâm từ lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng trao đổi, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận và hình thành ;iên danh, đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Tập đoàn Nam Miền Trung đã tham gia liên danh qua nhiều công đoạn thực hiện thủ tục pháp lý hình thành dự án, chuẩn bị, góp vốn… đến trình Hội đồng thẩm định, thẩm duyệt dự án tiền khả thi công nhận cho Liên danh các nhà đầu tư tại dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc do Tập đoàn Đèo Cả đứng tên.

Ngày 10/11/2022, Chính phủ đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho liên danh các nhà đầu tư số 1386/QĐ-Ttg. Từ quyết định chủ trương đầu tư các bước tiếp theo là việc của UBND tỉnh Lâm Đồng, vì tỉnh đã được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án. Các bước tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tỉnh Lâm Đồng cùng các nhà tư vấn tiếp tục thực hiện và ứng vốn để hoàn thiện hồ sơ dự án khả thi trình Chính phủ phê duyệt.

Lùm xùm liên doanh nhà đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Chủ tịch Lâm Đồng chỉ đạo làm rõ- Ảnh 2.

Sơ đồ tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đoạn từ Tân Phú đến Liên Khương

Tỉnh Lâm Đồng và các nhà đầu tư hoạch định phương án vốn khả thi để trình Chính phủ phê duyệt.

"Trong thời gian này, Tập đoàn Nam Miền Trung là thành viên của liên danh đề xuất dự án được Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Cho đến nay, Tập đoàn Nam Miền Trung chưa có đề xuất hay văn bản nào đề nghị rút khỏi liên danh (Liên danh do Tập đoàn Đèo cả làm đại diện)", văn bản của Tập đoàn Nam Miền Trung có nêu.

Tuy nhiên, ngày 4/9/2024, khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc tại Lâm Đồng có chỉ đạo liên danh đến dự án Tân Phú - Bảo Lộc. Qua thông tin báo chí phản ánh và sau đó Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục nêu là liên danh đã rút, Tập đoàn Nam Miền Trung cho rằng việc này là không đúng.

"Tập đoàn Nam Miền Trung xin xác nhận là Tập đoàn chưa có đề nghị hay văn bản xin rút khỏi liên danh từ khi quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ đến nay.

Thông tin này làm cho cổ đông Tập đoàn Miền Trung bất ngờ và hoang mang vì đã góp công sức, tiền của vào liên danh để đề xuất và thực hiện dự án, chưa chuyển cho bất kỳ nhà đầu tư nào khác kể từ khi Chính phủ duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho đến nay.

Để tạo điều kiện cho các bên, Tập đoàn Nam Miền Trung đề nghị Công ty Đèo Cả (là đơn vị đại diện liên danh) tiếp tục phối hợp và thông tin kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, để Tập đoàn Nam Miền Trung không bị động, thiếu thông tin và chủ động phối hợp cùng các bên để thực hiện các bước tiếp theo của dự án", Tập đoàn Nam Miền Trung kiến nghị.

Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km đi qua địa phận hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai (55 km đi qua tỉnh Lâm Đồng, 11 km đi qua tỉnh Đồng Nai), là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 200 km, do tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tháng 8/2020, liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án gồm Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh), Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đến tháng 2/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho liên danh thực hiện lập đề xuất và dự kiến khởi công vào năm 2023, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do.

Năm 2022, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các dự án thành phần trên toàn tuyến Dầu Giây - Liên Khương, quy mô nền đường giai đoạn phân kỳ được điều chỉnh từ 2 làn xe thành 4 làn xe, cập nhật sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 17.200 tỷ đồng. Dự án hứa hẹn khi hoàn thành sẽ là trục đường chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa Lâm Đồng đến gần hơn với vùng kinh tế trọng điểm phía Đông Nam Bộ của cả nước.

Theo thông tin trên báo địa phương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho biết, hơn 4 năm qua, liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án, đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả vẫn kiên định theo đuổi, tài trợ kinh phí lập đề xuất dự án (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) và tiếp tục triển khai hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi. Trên cơ sở chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Theo phương án huy động vốn ban đầu, các thành viên liên danh nhà đầu tư đề xuất, các đối tác, ngân hàng đã thống nhất tham gia tài trợ và góp vốn. Tuy nhiên, đến nay do nhiều nguyên nhân, các nhà đầu tư như Hưng Thịnh, Nam Miền Trung và Ngân hàng Nam Á không thể tiếp tục tham gia đầu tư hay tài trợ vốn, chỉ duy nhất còn Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là bên cho vay vẫn quan tâm, quyết tâm thực hiện dự án.

Tại buổi làm việc mới đây về dự án cao tốc, ông Hồ Minh Hoàng cũng nhấn mạnh rằng: Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm nhà đầu tư đứng đầu liên danh và tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện", cùng với kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án khó, ít nhà đầu tư quan tâm, vốn đầu tư lớn như Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Tập đoàn Đèo Cả vẫn quyết tâm thực hiện, cam kết góp đủ vốn chủ sở hữu và nghiên cứu, đề xuất giải pháp tài chính khả thi để đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục, sớm phê duyệt và triển khai dự án. Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động làm việc với Ngân hàng VDB để ký thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với tổng hạn mức trên 20.000 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc cùng với Phó Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Lâm Đồng diễn ra tháng 9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã có ý kiến đề nghị các ngân hàng thương mại nên liên danh để cho vay, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án, vì đây là dự án mang lại hiệu quả cao không chỉ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, mang tính kết nối vùng, mà còn là dự án đầu tư có hiệu quả cao về kinh tế đối với doanh nghiệp.

Đại diện một số ngân hàng thương mại cũng đồng ý với ý kiến của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và cho biết, sẽ bàn bạc để cùng liên danh với nhau để hỗ trợ nguồn tài chính hợp lý nhất cho nhà đầu tư vay triển khai dự án.

Với quyết tâm hoàn thành tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia Tân Phú - Bảo Lộc và cả Bảo Lộc - Liên Khương, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho hay, sau khi rà soát các nội dung liên quan, để đảm bảo giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 đã bố trí và triển khai hoàn thành dự án theo tiến độ đã được phê duyệt, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị tiếp tục triển khai thực hiện dự án mà không điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (không tăng vốn ngân sách nhà nước)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top