Aa

Chuyện họ của người Tây Nguyên

Thứ Hai, 02/12/2019 - 06:20

Xưa kia có một người phụ nữ họ Rơ chom sinh con. Người phụ nữ này giặt và phơi váy của mình lên bờ giậu. Một con bò đi qua, đã nhai chiếc váy này. Vì vậy người mẹ đã đặt họ cho con là “Rơ mô” (nghĩa là con bò).

Đang có nhiều cách hiểu khác nhau về họ của người Tây Nguyên. Ví dụ, ông Núp, ở TP. Pleiku có tên đường "Anh hùng Núp", TP. Buôn Ma Thuột láng giềng cũng có tên Núp nhưng là đường "Đinh Núp". Vậy ông Núp họ là "Đinh" hay họ "Anh hùng"?

Cũng như thế, có một ông tên Wừu. Có nơi tên đường là đường Wừu, lại có nơi tên Book Wừu. Vậy họ của ông là gì?

Ngày xưa, tỉnh Kon Tum có một ông bí thư người Jẻ rất nổi tiếng là ông Sô Lây Tăng, vậy có phải người Jẻ có họ Sô Lây không?

Rồi người ta thấy đa phần người Jẻ, Triêng, Bahnar, Sê Đăng... thường có A hoặc Y trước tên, ví dụ Y Một, A He (giờ dân mạng hay có trạng thái "a he he" không biết có từ tên bác này không?), vậy có phải họ của họ là Y hoặc A?

Hóa ra, đa phần người các dân tộc phía Bắc Tây Nguyên không có họ. A hay Y là chỉ giống đực hoặc cái, tức đàn bà, đàn ông. Thường thì Y là đàn bà và A là đàn ông. A Hùng là ông Hùng, còn Y Liên là chị Liên, thế thôi. 

Tất nhiên cũng có vài ngoại lệ, thì Y lại là đàn ông như ông Y Vin người Bahnar từng là đồng nghiệp của tôi ở phòng Văn nghệ, Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum dạo nào, họ Y nhưng là một gã đàn ông rất... đàn ông, từng say rượu rồi cởi trần tay bo thách cọp đánh nhau và cọp... bỏ chạy. Trong trường hợp Bahnar này thì nữ lại có họ Hơ, cũng có nghĩa là nữ, ví dụ chị H'nghia nguyên là Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai, giờ làm Chủ tịch Hội chất độc da cam Gia Lai. 

Nhưng cũng Hơ thì lại có trường hợp bị... lừa, bởi có cô người Kinh, tên Ngọc Lan, da dẻ trắng trẻo, xinh đẹp, chủ một doanh nghiệp, nhưng đi đâu cũng giới thiệu tên mình là H'lan, đi công tác ra Hà Nội hoặc vào Sài Gòn, các anh nghe nói cô H'lan đều tới chúc rượu và cô này cho nghiêng ngả hết vì khả năng uống rượu rất tài, say lên nói líu lưỡi mọi người càng tin là cô này đang nói tiếng... Bahnar.

Ông Núp, sở dĩ mang họ Đinh là bởi, không chỉ mình ông họ Đinh mà tất cả "lũ làng" đàn ông của ông đều mang họ Đinh. Mang Đinh trước tên nhưng không phải họ, mà ngày xưa có cái sổ đinh, tất cả đàn ông con trai đều có tên trong ấy. Và có tên trong sổ đinh thì họ gán luôn chữ đinh trước tên, thành họ.

Già làng Ma Seo, Tây Nguyên                                                                                                               Ảnh: Xuân Tiến

Còn ông Sô Lây Tăng, Bí thư tỉnh Kon Tum, tôi nhắc trên kia tên thật là A Tăng (bà Y Một, Phó bí thư tỉnh này họ Y, tức là bà/con Một, A Tăng tức ông/thằng Tăng), ra Bắc học, ông đổi thành... Sô Lây Tăng. Cũng như thế, ông họa sĩ Xu Man người Bahnar tên thật là Siu Yơng, ra Bắc học thành họa sĩ, ông vẽ và ký là Xu Man. Có lần tôi hỏi sao lại lấy tên Xu Man, ông bảo ông thích nhạc sĩ Schumann, nên lấy tên Xu Man, thế thôi.

Ông Wừu, tên ông thế, đọc là Vừu. Book tiếng Tây Nguyên là cha, ông, mọi người hay gọi người già Tây Nguyên là book, thế là nó thành... họ của ông.

Ông A Sanh nổi tiếng trong bài hát "Người lái đò trên sông Pô Kô" của Đào Mai Trang và Cầm Phong thì họ thật lại là Puih. Ông này là người Jrai, còn A là họ người Jẻ, người Bahnar, thì do chị Đào Mai Trang đặt cho ông, đơn giản thế thôi.

Xuôi xuống phía Nam, thì người Jrai, Êđê, M'nông... lại có họ.

Họ của người Jrai khá thú vị. Nhà văn Chử Anh Đào, bạn tôi, người khá am hiểu về văn hóa Tây Nguyên, lý giải: 

"Họ Ksor: Người Jrai thường làm rẫy trên một vùng đất cao. Sau khi đất đã bạc màu, người ta bỏ đi. Cây cối mọc trở lại thành rừng, gọi là Ksor.

Họ Nay (nguồn gốc là Mơ nai): Là vùng đất thấp, hàng năm được nước lũ sông bồi đắp phù sa. Người Jrai thường dùng đất này để trồng bắp, dưa, đậu, bầu, bí... Do ảnh hưởng cách viết của tiếng Việt nên “Mơ nai” được viết thành “Nay”.

Họ Kpă (nguồn gốc là Kơbla): Là một loại cây trong rừng, lá nhám, trái bằng hạt bắp, khi chín màu đen, có vị ngọt, ăn được. Một số người thường viết nhầm “Kpă” thành “Kpã”.

Họ Rơ chom: Là một loại cây lá bóng, thân có gai. Do chưa có sự thống nhất về chính tả nên mỗi vùng có những cách viết khác nhau: Rơ chom, Rchom, Rcom, Rơ châm, Rchâm, Rơ chăm, Rchăm...

Họ Rơ (nguồn gốc là Pơ ô): Là một cây họ tre, thân rỗng, đốt dài, dùng để đan gùi, rổ, thúng... Một số cách viết khác: R ô, Rô

Họ Alê (nguồn gốc là Ale): Cũng là một loại cây họ tre nhưng thân đặc hơn. Cây này người ta thường lấy măng để ăn, lấy thân rào giậu, làm giàn bầu, bí, mướp...

Họ Rơmah: Là cây na. Tiếng miền Nam gọi là mãng cầu ta (để phân biệt với mãng cầu Xiêm).

Họ Siu (nguồn gốc là Rơ siu): Là cây lá nhỏ, gỗ màu sẫm, rất cứng. Người ta thường lấy gỗ làm nhà.

Họ Rahlan (nguồn gốc là Rôk lan), nghĩa là “dọc đường”. Các cách viết khác: Ra Lan, Rơ Lan, Rlan.

Họ Puih: Mùa đông.

Họ Rơ mô: Xưa kia có một người phụ nữ họ Rơ chom sinh con. Người phụ nữ này giặt và phơi váy của mình lên bờ giậu. Một con bò đi qua và đã nhai chiếc váy này. Vì vậy người mẹ đã đặt họ cho con là “Rơ mô” (nghĩa là con bò)".

Rất thú vị đúng không ạ?

Vùng người Jrai thuộc Ayun Pa cũ có hai dòng họ rất nổi tiếng, là họ Nay và Ksor. Họ Nay từng có ông Nay Loét là Tổng trưởng sắc tộc thời Việt Nam cộng hòa. Sau này có ông Nay Phin, Nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai Kon Tum. Còn Ksor thì gia đình ông Ksor Ní cũng Nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai, các con trai ông là Ksor Phước, Nguyên Chủ tịch rồi Bí thư tỉnh ủy Gia Lai, Nguyên Bộ trưởng, Ksor Nham là trung tướng công an, cháu nội ông là Ksor Phước Hà (con ông Ksor Phước), thiếu tá, Trưởng công an thị xã Ayun Pa, đại biểu Quốc hội...

Y dà, cái họ của người Tây Nguyên, nó cũng thú vị và... dễ hiểu thôi nhỉ?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top