Aa

Một biểu tượng về Đạo Hiếu Việt trong ngôi nhà Việt

Thứ Bảy, 08/09/2018 - 06:01

Ai bảo chúng ta đã đi vào hiện đại, chúng ta đang tuân theo quy luật đô thị hóa, hay ai bảo rằng ngôi nhà đã khác xa xưa? Ta không cần thờ cúng tổ tiên trong nhà mình? Nếp sống, mà trải dài bao thế hệ đã sống, đúc kết nên cho ta hôm nay kế thừa là gì?

Cho đến nay, có nhiều người Việt chỉ nghĩ việc thiết lập ban thờ Tổ Tiên trong gia đình là việc "thờ cúng", như một tín ngưỡng, một tập tục của người Việt, nên mình có thể thờ hay không, hoặc, thờ cho có thờ.

Thật đáng buồn thay!

Tôi muốn chia sẻ đôi điều đến quý vị, rằng ban thờ tổ tiên trong ngôi nhà của quý vị là một biểu tượng văn hóa đặc thù của đạo hiếu Việt. Thờ Tổ Tiên không phải là tín ngưỡng đơn thuần của người xưa để có quyền theo hay không theo.

Nếu bạn thấy việc sắm một chiếc xe đắt tiền, một bộ ghế ngồi trong phòng khách trị giá cao, một chiếc điện thoại cầm tay có giá bằng cả gia tài người nghèo,... và nhiều thứ tiện nghi khác trong ngôi nhà bạn đang ở là việc làm quan trọng, hơn là sắm sửa một ban thờ Tổ Tiên, đó quả là một thiếu sót lớn sự tiếp nối từ bố mẹ và các thế hệ đi trước trong gia đình bạn về lòng biết ơn và văn hóa Việt.

Thuở xưa, lúc tôi vào học lớp 10, thầy tôi mua cho tôi chiếc xe đạp để lên phố học. Đó là tài sản lớn đầu tiên mà tôi sở hữu. Tôi thường tranh thủ lau chùi chiếc xe đó. Tôi dành nhiều thời gian nâng niu thứ trị giá đó. Mỗi lần thấy tôi lau chùi cẩn thận, chu đáo chiếc xe mình, thầy tôi khen tôi là nên làm, vì đó là của cải thì phải biết quý trọng. Nhưng tiếp sau là câu nói khác của thầy tôi: "chú đã dành thời gian và tâm huyết để chăm sóc ban thờ Bụt như chăm sóc chiếc xe của chú chưa?"

Thầy luôn dạy tôi bằng những câu hỏi như vậy. Ban đầu tôi không lĩnh hội lắm, vì tôi thích chiếc xe, đơn giản vì nó là "tài sản của tôi". Nhưng câu nói của thầy tôi chạm đến cái gì đó - hồi đó tôi chưa chú ý nhiều - nhưng như có gì đó sắc nhọn cứa vào lòng, tôi thấy mình có lỗi vì chưa dành thời gian chăm chút ban thờ Bụt như tâm huyết dành cho chiếc xe.

Nhà, gắn rất chặt với từ gia đình.

Nhà, gắn rất chặt với từ gia đình.

Nhà, gắn rất chặt với từ gia đình. Nhà trong văn hóa Việt, chưa bao giờ đơn thuần là nơi ở chỉ có người sống đang sống. Hình thành nhà, đồng thời với ý nghĩa hình thành gia đình, có một gia đình. Thành vợ thành chồng rồi, mà không có con, chưa đủ nghĩa để thành cái gọi là gia đình. Có vợ chồng con cái rồi, nhưng chưa đủ để định vị các thành viên kia lại trong một ngôi nhà, vẫn chưa đủ nghĩa để nhìn nhận thành một gia đình.

Ông bà ta có câu nói, "an cư lạc nghiệp". An cũng đồng nghĩa có một ngôi nhà. Có nhà mới định vị được nơi ăn chốn ở, mới an lòng. An lòng vì mình có nơi để ở, và quan trọng là có nơi thờ tổ tiên. Mình vất va vất vưởng, ở tạm cùng đồng nghĩa tổ tiên đang vật vờ chưa có nơi phụng thờ hương khói. Việc có nhà, có nơi thờ phụng tổ tiên, cũng được hiểu là hiếu, mà tự trong sâu thẳm tâm tư mỗi người Việt thấy mình cần có bổn phận.

Định canh, định cư là một bước tiến lớn mà nhân loại buổi đầu mất bao nhiêu ngàn năm mới đạt đến đỉnh cao đó. Định canh đưa đến bước tiến tất yếu là định cư. Đinh cư chính là an cư. Từ trong hang đá, loài người quen với hái lượm, từ đó, tiến đến được văn minh biết trồng trọt (định canh) để sống, con người nghĩ đến việc định cư (có nhà). Từ ở hang đến ở nhà là cả một bước tiến văn minh của nhân loại. Lạc nghiệp, nghĩa là phát triển, đi lên. Đi lên từ khi có nhà, có thờ có thiêng, có tiên tổ phù hộ.

Ngoài việc thết kế nội thất sang trọng, tiện nghi, người Việt không thể quên dành nhiều tâm thức cho việc đặt ban thờ ở đâu trong nhà mình. Có nhà mới ra nếp nhà. Nếp nhà quan trọng nhất mà các bậc làm cha làm mẹ cần trao truyền theo tôi chính là nếp sống trọng hiếu đạo, là nếp sống có ý thức về sự tiếp nối trong tâm tình thương kính đến giống nòi, tiên tổ, đến ông bà, cha mẹ.

Người xưa có câu: "ly hương bất ly tổ". Đó cũng là lời dạy mà nhiều ngàn đời cha ông ta truyền ngôn cho vạn đại cháu con phải giữ gìn. Đặt một ban thờ tổ tiên hiện hữu trong không gian nhà mình, dù mình đang định cư bất cứ nơi đâu, là người Việt đã thầm nghĩ mình "bất ly tổ".

Ai bảo chúng ta đã đi vào hiện đại, chúng ta đang tuân theo quy luật đô thị hóa, hay ai bảo rằng ngôi nhà đã khác xa xưa? Ta không cần thờ cúng tổ tiên trong nhà mình? Nếp sống, mà trải dài bao thế hệ đã sống, đúc kết nên cho ta hôm nay kế thừa là gì? Đến chiếc bánh, ta nâng lên khi ăn, ta cũng nhận ra, chiếc bánh có cả một lịch sử hình thành. Không lẽ, ta hình thành, nhà ta, họ tộc ta... không có lịch sử? Có lịch sử, là có truyền thống. Và truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt là một truyền thống đẹp đẽ và cao quý thiêng liêng của lịch sử nước Việt, biểu lộ cho văn hóa Việt, Đạo hiếu Việt.

Tôi muốn tận đáy lòng mình nói với những người Việt đồng bào tôi rằng: Đạo hiếu là đạo lớn của đạo làm người và đạo thờ tổ tiên là nếp sống văn hóa đặc biệt của tộc Việt mấy ngàn năm qua. Thiếu ban thờ tổ tiên trang trọng và đúng nghĩa trong ngôi nhà bạn, bạn thiếu phần thiêng liêng nhất về văn hóa của dân tộc này. Hãy bắt đầu từ nơi ấy để dạy cho con bạn học bài học của lòng biết ơn sâu sắc về giống nòi, về văn hóa, về lịch sử dân tộc, sống và cống hiến.

Ban thờ không phải là nơi ta thắp nén nhang cho người "chết", đó là nơi người Việt tìm về nguồn cội hóa thân vào sức sống muôn đời để biết hiến dâng vì sự cao cả của tiếng gọi từ hồn thiêng Tổ quốc!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top