Aa

Một năm bất động sản sôi động, hứa hẹn 2018 tiếp tục thành công

Thứ Tư, 21/02/2018 - 14:01

Bất động sản nghỉ dưỡng và xu thế trở lại với thiên nhiên; Sốt đất có thể vẫn tiếp diễn trong năm Mậu Tuất; Thị trường bất động sản 2018: Hướng đến người có nhu cầu mua nhà ở thực; Một năm bất động sản sôi động, hứa hẹn 2018 tiếp tục thành công;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Một năm bất động sản sôi động, hứa hẹn 2018 tiếp tục thành công

Trên thị trường, giá cả tăng 5-10% ở các phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ khép kín, căn hộ để bán, mặt bằng bán lẻ. Về nguồn cung, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong 2017, cả nước có 218 dự án nhà ở được chào bán, cung cấp ra thị trường 13.585 nhà phố, biệt thự, 22.710 nền đất, 22.837 sản phẩm condotel và 78.877 căn hộ.

Như vậy, phân khúc căn hộ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Ở phân khúc này, TP.HCM và Hà Nội chiếm tới 90,4% tổng nguồn cung trên thị trường. 

Riêng tại Hà Nội, tổng số căn hộ mở bán mới trong năm lên tới hơn 35.000 căn, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức mở bán mới cao nhất trong vòng 5 năm qua. Phân khúc trung cấp và bình dân tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với 80% nguồn cung mới. Doanh số chào bán cũng ở mức khả quan với hơn 23.000 giao dịch thành công, tăng 12% so với 2016. 

Trong khi đó, tại TP.HCM, tổng lượng căn bán được trong năm 2017 đạt 32.905 căn, giảm 5% so với năm trước. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số căn bán được nhiều hơn tổng số căn mới chào bán trong năm, mặc dù giá bán trung bình đã tăng 4% so với năm 2016...

Ở phân khúc biệt thự, liền kề, nhà phố, Hà Nội và TP.HCM chiếm 54,1% nguồn cung nhà phố và 36,4% sản phẩm biệt thự. Các đô thị khác đóng góp tỷ trọng nguồn cung đáng kể trong phân khúc này là Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Nha Trang và Phú Quốc. 

Phân khúc đất nền trong năm qua có sự tăng trưởng nguồn cung đột biến, tập trung tại Quảng Nam, Đà Nẵng, và các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai... Loại hình này cũng được ghi nhận có mức giá tăng mạnh tại Tp.HCM và lan sang các tỉnh lân cận. 

Ngoài ra, phải nói đến sự phát triển bùng nổ của phân khúc condotel với lượng cung lên tới 22.837 căn. Trong đó, 77,7% có mức giá chào bán từ 35-70 triệu/m2; 52% sản phẩm chào bán tại Nha Trang, Khánh Hòa, số còn lại tập trung ở các địa phương phát triển mạnh du lịch như Bình Thuận, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh. Tỷ lệ hấp thụ trên thị trường đạt khoảng 80%.

Cùng với lượng giao dịch tăng lên, lượng bất động sản tồn kho cũng giảm mạnh. Tính đến 20/11/2017, tồn kho bất động sản còn hơn 25.700 tỷ đồng, giảm gần 80% so với con số 102.800 tỷ đồng trong quý I/2013 và giảm 17% so với 31.000 tỷ đồng thời điểm tháng 12/2016.

Xem chi tiết tại đây.

Chủ đầu tư và khách hàng, khi “cơm đã lành, canh đã ngọt"

Tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng tại Dự án Khu nhà ở Phước Kiển I (huyện Nhà Bè TP.HCM) kéo dài tư hơn 10 năm nay. Dự án được mở bán từ năm 2002, nhưng chủ đầu tư là Công ty Thái Sơn không thể thực hiện dự án để bàn giao cho khách hàng. Hai bên đã tổ chức hàng loạt cuộc gặp gỡ để tìm tiếng nói chung nhưng không được, thậm chí còn to tiếng với nhau, khiến khách hàng phải đưa đơn kiện đến nhiều nơi.

Tưởng chừng tranh chấp này sẽ còn kéo dài và khách hàng lại mòn mỏi chờ được nhận nhà, nhận đất trong vô vọng, thì mọi việc lại tiến triển theo hướng tích cực một cách bất ngờ trong năm 2017.

Sau những cố gắng hết sức của chủ đầu tư, sự đồng lòng hỗ trợ của khách hàng, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương (cho phép chủ đầu tư thay đổi quy hoạch), cuối cùng dự án đã hoàn thành để bàn giao nhà cho khách hàng.

Từ đây, cuộc gặp mặt giữa chủ đầu tư và khách hàng đã nhẹ nhàng hơn, tay bắt mặt mừng. Tết này, hơn 400 khách hàng của dự án đã nhận sổ đỏ, bắt đầu được xây nhà sau 15 năm mua đất.

Một câu chuyện “cơm lành, canh ngọt” trong năm 2017 nữa diễn ra Chung cư Him Lam Chợ Lớn, quận 6, TP.HCM. Sau khi nhận nhà, nhiều người dân cho rằng, chủ đầu tư đã không đúng trong việc thay đổi lại khu nhà sinh hoạt cộng đồng với thiết kế ban đầu.

Ngoài ra, việc thiết kế lại khu cà phê không phù hợp cũng được cư dân phản ứng. Trước vấn đề trên, chủ đầu tư đã tổ chức họp cư dân, xin ý kiến và giải thích vì sao lại thay đổi vị trí nhà sinh hoạt cộng đồng ra khu vực khác…

Xem chi tiết tại đây.

Sốt đất có thể vẫn tiếp diễn trong năm Mậu Tuất

Hiện nay đa phần các quỹ đất đẹp tại Sài Gòn đã hình thành khu dân cư hiện hữu, đất đã có chủ, hoặc đã chốt kế hoạch phát triển trong tương lai. Một nghịch lý đáng chú ý là siêu đô thị như TP HCM không còn nhiều quỹ đất dự trữ cho vài thập niên tới.

Cơn sốt đất năm 2017 đã lan rộng và dấy lên làn sóng thu gom quỹ đất mạnh mẽ, xoay trục khắp thành phố, từ khu Đông, khu Nam sang phía Tây, không bỏ sót cả các xã vùng ven heo hút ở Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh. Điều này khiến cho quỹ đất sạch ngày càng trở nên khó tìm và trở thành thách thức lớn cho các nhà phát triển bất động sản. Một khi cung ít cầu nhiều, hiện tượng tăng giá, sốt đất có thể lại tiếp diễn.

Nhiều dấu hiệu cho thấy sốt đất có thể tiếp diễn trong năm Mậu Tuất. Ảnh: Vũ Lê.

Nhiều dấu hiệu cho thấy sốt đất có thể tiếp diễn trong năm Mậu Tuất. Ảnh: Vũ Lê.

Thị trường bất động sản năm 2017, đầu năm 2018 đã và đang có sự tham gia của một lượng lớn giới đầu tư, phân thành nhiều cấp độ. Nhà đầu tư lớn cấp một (thuộc nhóm tổ chức) là các chủ đầu tư, luôn tồn tại trong thị trường. Nhà đầu tư cấp hai (thuộc nhóm vừa và nhỏ) là những tay săn chuyên nghiệp có mối quan hệ mật thiết với các chủ đầu tư. Nhà đầu tư cấp ba là người mua đi bán lại có kiến thức và hoạt động mua bán nhỏ lẻ thường xuyên trên thị trường. Cuối cùng là nhà đầu tư cấp bốn, không chuyên, nhưng có vốn nhàn rỗi, chuộng cách tích lũy tài sản bằng nhà đất.

Từ năm 2017 đến nay, lực lượng nhà đầu tư thứ cấp tham gia thị trường ngày càng tăng dần, sóng sau tiếp nối sóng trước, khiến cho mãi lực lên cao. Nhu cầu nhiều trong khi nguồn cung đất nền chỉ bán ra nhỏ giọt có thể khiến cho thị trường tiếp tục hình thành mặt bằng giá cao hơn.

Xem chi tiết tại đây.

Lý do kỳ vọng địa ốc Sài Gòn tăng nóng năm Mậu Tuất

Trong suốt năm 2017, dấu ấn của các dự án hạ tầng trong đà phát triển bất động sản TP HCM rất lớn và xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2018 vì thành phố có tham vọng vươn mình thành một siêu đô thị tầm cỡ. Có hàng chục câu cầy lớn nhỏ và tuyến lưu thông mới được lên kế hoạch xây dựng khắp các cửa ngõ cũng như trục đô thị chính của thành phố (khu Đông, Nam và cả phía Tây). Kinh phí để phát triển hạ tầng riêng trong năm 2017 ước tính vượt trên chục nghìn tỷ đồng và điểm rơi hoàn thiện hạ tầng nhiều khả năng kéo sang năm 2018-2019.

Hạ tầng là bệ phóng thúc đẩy sự tăng trưởng của địa ốc vì cầu đường lên thì cao ốc, nhà cửa, khu đô thị cũng chạy theo sau. Do đó, dựa trên biến số hạ tầng, hoàn toàn có thể kỳ vọng về một kịch bản sáng lạn của bất động sản trong 12 tháng tới.

Bất động sản TP HCM được dự báo có thể kéo dài chu kỳ tăng trưởng trong năm 2018. Ảnh: Lucas Nguyễn.

Bất động sản TP.HCM được dự báo có thể kéo dài chu kỳ tăng trưởng trong năm 2018. Ảnh: Lucas Nguyễn.

TP.HCM nhiều thập niên qua đã trở thành một cực nam châm mạnh mẽ hút dòng người nhập cư từ khắp nơi đổ về đây học tập, du lịch, làm việc, sinh sống lập nghiệp và giao thương. Trong vài năm trở lại đây, sự gia tăng dân số cơ học tại đô thị này thậm chí còn nhanh hơn mọi dữ liệu thống kê. Mật độ dân số đông đòi hỏi phải phát triển lượng nhà ở cực lớn mới đáp ứng được nhu cầu an cư của mọi người. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, dựa trên nhu cầu nhà ở tăng đều theo từng năm.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường bất động sản 2018: Hướng đến người có nhu cầu mua nhà ở thực

Năm 2018, thị trường sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ nhờ lợi thế hàng loạt cơ sở hạ tầng đột phá, nhiều tuyến đường kết nối thuận tiện với khu trung tâm, những dự án “đắp chiếu” nhiều năm cũng sẽ được các nhà đầu tư khởi động lại. 

Dự án chung cư nhắm đến đối tượng khách hàng là những người có thu nhập trung bình khá sẽ được các chủ đầu tư ưu ái. Năm 2018, giá sản phẩm phân khúc trung và cao cấp không biến động nhiều, khả năng tăng giá là rất thấp. Thị trường bất động sản năm 2018 dự báo sẽ tốt hơn năm 2017 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có chính sách. Nghị định liên quan đến vấn đề quy hoạch, dự án mới và đặc biệt là phân khúc từng thị trường bất động sản sẽ hợp lý hơn.

Những ai theo dõi thị trường có thể nhận thấy tồn kho bất động sản ở tất cả các phân khúc đều giảm liên tục trong khoảng 3 năm trở lại đây. Lượng bất động sản tồn kho trên cả nước hiện nay còn khoảng hơn 20.000 tỷ đồng, giảm gần 80% so với thời điểm quý I/2013 (hơn 101.000 tỷ đồng). 

Trong bối cảnh các dự án mới tiếp tục được tung ra thì lượng tồn kho bất động sản đã giảm gần 80% so với thời điểm đầu năm 2013 chứng tỏ sức cầu của thị trường vẫn rất mạnh mẽ. Diễn biến trong từng phân khúc cụ thể có sự khác nhau nhưng có thể nói, những dự án bất động sản có thể “ở được” đều đã được đưa vào sử dụng. Chỉ có một số ít dự án không có hạ tầng tối thiểu, định vị nhầm phân khúc khách hàng hoặc quy hoạch tại vị trí không phù hợp mới tiếp tục tồn kho.

Xem chi tiết tại đây.

Bất động sản nghỉ dưỡng và xu thế trở lại với thiên nhiên

Ở bản Lao Chải, nhìn ra dãy Hoàng Liên Sơn (Sa Pa, Lào Cai), có một khu du lịch sinh thái khá độc đáo. Các nhà sàn dân tộc được xây dựng trực tiếp ngay trên ruộng lúa. Sáng sáng, du khách có thể ngồi uống cà phê nhìn người nông dân canh tác bình thường.

Ở đây hoàn toàn không có bê tông cốt thép, mọi sinh hoạt của du khách đều gắn chặt với thiên nhiên. Khách tới đây được hít hà không khí trong lành, ăn các món địa phương, rau cỏ organic, thậm chí có thể tham gia lao động với người địa phương như gặt lúa, trỉa ngô, bẻ bắp…

Đây không phải mô hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái duy nhất của Việt Nam được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Ở Thanh Hóa, có một hệ thống bungalow xinh xắn xây dựng ngay sát mép ruộng bậc thang.

Tất cả các bungalow đều sở hữu tầm nhìn đẹp xuống thung lũng phía dưới. Mỗi sáng thức dậy, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì cảnh sương mờ, mây phủ ngay trước mắt và ánh bình minh rực rỡ từ những dãy núi phía xa.

Không chỉ có đầy đủ tiện nghi và gần gũi với thiên nhiên, ở resort này còn có cả các dịch vụ cho khách trải nghiệm như kayaking trên suối, đi bè tre trên sông, trekking qua các bản làng truyền thống và những ruộng bậc thang, tham quan khu guồng nước khổng lồ, thác nước tự nhiên, hang động kỳ vĩ…

Các khu nghỉ dưỡng này cũng xuất hiện tại Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cũng có những khu resort như thế. Những khu resort giữa đồng, giữa núi rừng này tuy đường sá đi lại khó khăn, giá cả không hề rẻ, nhưng khách du lịch cả trong nước và nước ngoài vẫn kéo tới ầm ầm.

Xem chi tiết tại đây.

Điểm sáng giao thông từ “Vua hầm” Đèo Cả

Cách đây chừng dăm, bảy năm, tên gọi Đèo Cả (Công ty CPĐT Đèo Cả - PV) còn khá lạ lẫm với những người làm trong nghề xây dựng cơ bản giao thông, thậm chí khi đặt cạnh các tên tuổi lớn có thâm niên ngót nghét nửa thế kỷ của ngành giao thông, nhiều người lạc quan nhất cũng chẳng thể mường tượng sẽ có một ngày Đèo Cả bay cao và tạo dựng nên thương hiệu như bây giờ.

Càng ấn tượng hơn khi hai năm trở lại đây, trong bối cảnh ngành GTVT phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức trong công tác đầu tư hạ tầng, số lượng công trình lớn được triển khai xây dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì Đèo Cả đã trở thành một điểm sáng hiếm hoi khi tiếp tục duy trì và khẳng định vị thế “Vua hầm” qua việc triển khai hàng loạt dự án giao thông tầm cỡ theo hình thức hợp tác PPP như: Hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân 2, hầm Cù Mông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD, trở thành doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất Việt Nam.

Vị “thuyền trưởng” đã chèo lái con tàu “Đèo Cả” ra biển lớn và tạo nên thương hiệu “Vua hầm” là ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CPĐT Đèo Cả. Đèo Cả - một doanh nghiệp thành lập vào năm 2010 với mục đích ban đầu là đầu tư dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Nhiều người lúc đó chỉ nhìn Đèo Cả như một đứa trẻ mới sinh, kinh nghiệm đầu tư và quản lý các dự án hạ tầng giao thông của công ty này chỉ là một con số 0 tròn trĩnh. Nhưng nếu tìm hiểu rõ về cơ cấu cổ đông, chắc hẳn không ai dám đánh giá thấp năng lực của doanh nghiệp này. Bởi, thực chất, Đèo Cả là một liên doanh giữa ba bên: Tập đoàn Hải Thạch, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và Quỹ đầu tư của Ngân hàng Vietinbank.

Trong khi Hải Thạch và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đảm nhận về mặt chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng thì sự góp mặt của Vietinbank – một trong những ngân hàng lớn nhất cả nước lại đem đến sự đảm bảo về năng lực tài chính cho liên doanh này.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top