Aa

Một người Mỹ kể chuyện cổ tích Việt Nam

Thứ Ba, 24/09/2019 - 06:30

Ông làm vậy chỉ để nói rằng: Khi con người không còn cảm giác hay đánh mất khả năng đối thoại với quá khứ thì con người không bao giờ nhận được lời hứa của tương lai.

Tên ông quá quen thuộc với bạn đọc Mỹ. Ông là cựu binh, tiểu thuyết gia, người đã giành Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ cho tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam. Tên ông là Larry Heineman.

Tôi gặp ông lần đầu tiên năm 1991 trong Hội thảo văn học Việt - Mỹ tại Hà Nội. Ông có một giọng nói tiếng Anh mạch lạc, khúc triết và khá dễ nghe đối với những người biết chút ít tiếng Anh như tôi. 

Mùa hè năm 1994, tôi và nhà thơ Phạm Tiến Duật đi tàu từ Boston đến Chicago. Larry lái một chiếc xe hơi cũ kỹ ra ga đón chúng tôi. Chiếc xe hơi đó giữa nước Mỹ giống như cái xe Honda 81 trong thời đại mà xe Dream và @ tràn ngập ở Hà Nội. Nếu chỉ nhìn chiếc xe ông đi thì người sính hình thức sẽ nghĩ ông là một nhân viên vệ sinh công cộng. Có lẽ vì ông quá nổi tiếng nên ngồi trong một chiếc xe như thế nào đối với ông chẳng quan trọng gì. 

Lại nghĩ có một thời, không ít nhà văn Việt Nam gặp nhau là hỏi: Chưa lên xe mới à? Đôi khi tôi cứ ngờ ngờ không biết là cái xe Dream là khát vọng của nhà văn chúng ta hay là một tác phẩm bất hủ (?). Người ta thường nói người Mỹ rất thực dụng. Nhưng ông là một người Mỹ, theo tôi, đã bước chân qua chủ nghĩa thực dụng. Chính vì thế mà nhà cửa, xe cộ, quần áo… đối với ông chỉ là cái phải có trong đời sống ngập tràn ký ức, suy ngẫm và sáng tạo của ông.

Năm 1986, cuốn tiểu thuyết Câu chuyện của người lính Paco của ông ra đời, gây một tiếng vang lớn trong văn đàn nước Mỹ. Cuốn sách viết về một người lính phản chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 1987, theo lời mời của Hội đồng giám khảo Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ , ông lái chiếc xe cũ kỹ ấy từ Chicago lên New York dự lễ trao giải thưởng. Ông mặc một chiếc quần bò cũ và một chiếc áo phông cùng với chiếc mũ phớt mốt cũ như là của những tay chơi xứ Chicago lừng danh xa xưa để lại. 

Ông và người vợ chất phác, giản dị, chị Edie, bị chìm đi bởi hàng trăn những người khách sang trọng và nhiều lúc lắm lời. Hình như lúc đó, không ai để ý đến vợ chồng ông. Tony Morison, nhà văn Mỹ được giải Nobel năm 1992, cũng có mặt ở đó. Bà đến đó với niềm tin có phần kiêu ngạo chắc chắn rằng bà sẽ là nhà văn được giải Sách quốc gia năm đó. Nhưng tên người được giải vang lên lại không phải là bà mà là Larry Heineman. Lúc này, tất cả những người khách đến dự mới nháo nhác tìm ông.

Buổi tối hôm đó trong khách sạn, Chủ tịch Hội đồng giám khảo gọi nhân viên nhà hàng khách sạn yêu cầu dọn bữa tối để mời vợ chồng Larry Heineman. Lúc đó đã rất muộn, nhân viên khách sạn nói rằng, có trả họ hàng ngàn đô la cho bữa tối lúc đó, họ cũng không thể đáp ứng được. 

Nghe vậy, ông Chủ tịch chỉ vào Larry Heineman và nói: Đây là ngài Larry Heineman, người đoạt giải Sách quốc gia năm 1987, đừng hỏi gì thêm và hãy dọn bữa tối. Và ngay lập tức, một bữa tối thịnh soạn đã được dọn ra với một chai sâm banh đắt nhất miễn phí để mời ngài nhà văn. Tôi đã nghe câu chuyện trên do vợ ông kể lại. Và tôi thấy cái giá của một giải thươởng và cái giá của một nhà văn có tài chỉ cần thông qua những người hầu bàn. 

Còn ở Việt Nam, nếu có nói vậy thì nhân viên quảng cáo bia Tiger cũng chẳng để ý hoặc có để ý cũng là vì một tế nhị mang tính mục đích khác. Họ chỉ mỉm cười khi khách hàng uống nhiều bia của họ mà thôi. Giá trị lúc đó của khách hàng tỉ lệ thuận với số bia anh ta uống. Một cái bụng chứa bia giá trị hơn một cái đầu chứa những pho sách hay.

Đêm ấy, Larry Heineman quyết định thưởng cho mình một hộp cigar Havana. Và chỉ một hộp duy nhất ấy cho đến bây giờ. Ông đã dày vò, đã đau khổ, đã sáng tạo hết mình trong tám năm trời để sinh ra một sản phẩm tinh thần cho con người nhưng chỉ xin tự thưởng cho mình một hộp cigar ba điếu. Sau đó, chiếc xe hơi vẫn vậy, vẫn vậy quần bò cũ và vẫn vậy áo phông.

Tôi đã ở trong ngôi nhà của ông ở Chicago mười ngày. Một ngôi nhà thật đơn sơ, giản dị. Hàng ngày ông thức giấc lúc ba giờ sáng để viết. Sáu giờ ông bắt đầu pha cà phê cho chúng tôi. Như một loại đồng hồ báo thức bằng mùi, tôi thức giấc bởi mùi cà phê từ bếp bay lên phòng ngủ. Rồi ông ăn sáng theo kiểu ăn sáng của những người Việt Nam: Mỳ tôm hoặc miến, tôi mang từ Việt Nam. 

Ông động viên cậu con trai ăn bữa sáng của người Việt Nam. Tôi không thể thiếu phở hay một món tương tự và cậu ta không thể thiếu loại bánh ngọt giòn trộn sữa tươi và nước cam đóng hộp. Bởi thế tôi thấy cậu ăn bữa sáng với một nỗ lực lớn bởi cậu rất yêu và kính trọng tình yêu của cha mình đối với xứ sở chúng ta. Rồi ông chuẩn bị bữa trưa cho cậu con trai và đưa cậu tới trường. Những ngày tôi ở Chicago là thời gian ông đang chuyển tiểu thuyết này thành kịch bản phim theo lời mời của đạo diễn Oliver Stone. Sau này gặp lại ông, tôi hỏi về bộ phim, ông nói bộ phim không không thực hiện được vì người đầu tư cho rằng phim về đề tài chiến tranh Việt Nam không còn ăn khách nữa.

Nhà văn Larry  Heineman với món phở của Việt Nam

Trước khi đến chiến trường Việt Nam, ông không hề nghĩ mình trở thành nhà văn. Cha ông luôn luôn mong ước ông trở thành bác sỹ. Suốt mùa hè sau khi từ chiến trường Việt Nam trở về, ông làm nghề lái xe buýt. Và trong mỗi vòng bánh xe lăn, ông luôn luôn cảm thấy máu chảy. Ký ức về cuộc chiến tranh tàn bạo ở Việt Nam luôn luôn hiện diện như một xác chết trong ngôi nhà ông mà chưa tìm được cách để mai táng. Ông không thể thực hiện ước mong của cha mình là trở thành bác sỹ. Ông phải viết lại những ký ức kinh hoàng của chiến tranh mà ông đã đi qua. Và ông trở thành nhà văn. 

Cũng vì những điều đó mà ông càng ngày càng gắn bó với Việt Nam. Sau lần đến dự hội thảo văn học năm 1991, ông đã ba lần trở lại Việt Nam. 

Lần thứ nhất ông trở lại để viết về đường sắt Việt Nam. Ông đã cùng vợ đi tàu từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Ngày đó, đường sắt Việt Nam chưa như bây giờ. Chỗ nằm, chỗ ngồi, chỗ ăn, chỗ ở trên tàu thật quá sức chịu đựng đối với một người quen sống từ bé ở một thành phố lớn đầy đủ tiện nghi như Chicago. Cuốn sách về đường sắt Việt Nam đã xuất bản ở Mỹ. Ông nói với tôi, cuốn sách bán rất chạy và ông được một khoản nhuận bút khá lớn. 

Lần thứ hai ông đến Việt Nam với một mục đích rất quan trọng của gia đình ông: Đưa cậu con trai 14 tuổi đến nơi mà cha cậu từng đau khổ, từng suy ngẫm và từng yêu quí. Cậu đi chùa. Cậu nghe quan họ. Cậu xem rối nước. Cậu ăn phở... Những ngày ở Việt Nam, Larry Heineman như một ông giáo kiên trì dẫn dắt cậu trò nhỏ đi từng bước vào đời sống văn hoá của dân tộc chúng ta. Nơi mà mỗi ngày cha cậu lại tìm thấy một điều gì đó. 

Lần thứ ba ông đến Việt Nam nhiều tháng do một quĩ của chính phủ Mỹ tài trợ để làm một công việc mà ít ngươời chúng ta nghĩ tới: Sưu tầm truyện cổ tích, dân gian Việt Nam để viết lại và bàn luận cho người Mỹ đọc.

Không phải nước Mỹ không có truyện cổ tích, dân gian. Không phải ông chưa bao giờ được đọc truyện cổ tích, dân gian của các dân tộc khác trên thế giới. Tất cả chỉ bởi vì ông muốn biết tự xa xưa người Việt Nam đã sống, đã lao động, đã đau khổ, đã yêu, đã đấu tranh và đã ước mơ như thế nào. Với ông, chuyện Tiên Dung - Chử Đồng Tử là tuyên ngôn của tình yêu không chỉ của người Việt Nam. Ông hỏi vì sao hai cha con Chử Đồng Tử lại chỉ có một chiếc khố. Tôi nói với ông, đó là cách nói của người Việt về cái nghèo. Nhưng nói cái nghèo đó để làm chói sáng lòng hiếu thảo của con người Việt Nam. Đó là khi cha Chử Đồng Tử chết dặn con hãy giữa lấy chiếc khố để mà mặc. Nhưng vì yêu cha mà Chử Đồng Tử không thể để cha chết mà không mảnh vải che thân. Đấy là một nét đặc sắc của văn hoá Việt. Với lòng hiếu thảo và yêu cha như vậy, Chử Đồng Tử đã được nhận lại một tình yêu lớn với Tiên Dung.

Gần một nửa năm xa chốn phồn hoa Chicago và ngôi nhà nơi vợ con ông đang trú ngụ, Larry Heineman lang thang nhiều nơi ở Hà Nội và Huế để lắng nghe, ghi âm và ghi chép bất cứ người dân Việt Nam nào cất giọng thì thầm kể về những câu truyện xa xưa nửa hiện thực nửa huyền ảo. Rồi ông trở về Chicago vẫn với ngôi nhà nhỏ đơn sơ, vẫn với quần bò và áo phông để ba giờ sáng ngày ngày thức dậy trò chuyện trên bàn viết với những người cổ xưa của xứ sở chúng ta. Và tôi tin, sẽ có những người Việt Nam hỏi: Ông ta làm thế để làm gì nhỉ? Ông ta làm thế có lợi gì nhỉ? 

Ông làm vậy bởi ông đã có những buồn vui với mảnh đất này. Ông làm vậy bởi ông đã đi qua cái chủ nghĩa thực dụng và nhận ra hàm răng nhọn sắc máu me của nó nuốt chửng quá nhiều đồng loại. Ông làm vậy chỉ để nói rằng: Khi con người không còn cảm giác hay đánh mất khả năng đối thoại với quá khứ thì con người không bao giờ nhận được lời hứa của tương lai.

Và lần này, ông đến Việt Nam nhân dịp Hội nghị truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới. Tôi nói chữ “ nhân dịp” bởi khi chưa có hội nghị này thì ông và bao nhà văn, bao dịch giả trên thế giới đã lặng lẽ tìm ra vẻ đẹp trong ngôn ngữ Việt và trong một đời sống mà ngôn ngữ ấy dựng lên. Nhân dịp đó, chúng tôi đã mời ông và một số nhà văn đến một nhà nghệ sỹ, ngồi trong chiếc sân nhỏ để nghe những nghệ sỹ hát Chèo lừng danh như Khắc Tư, Thanh Hằng… hát những làm điệu Chèo cổ. Ông đã ngồi im lặng trong đêm để lắng nghe những giai điệu lạ kỳ ấy. Và ông kinh ngạc khi nghe câu chuyện về Thị Kính. Trước khi chia tay nhau trong buổi tối ấy, ông nói ông không thể tưởng tượng được sự chịu đựng phi thường và tâm lòng nhân ái vô bờ bến của con người Việt Nam qua nhân vật Thị Màu.

Chúng ta, những người Việt Nam giờ đã dần quên những câu chuyện cổ tích của đất nước mình. Càng ngày càng nhiều hơn những đứa trẻ lớn lên với ipad, iphone và những trò chơi điện tử mà chẳng biết gì tới những câu chuyện về những vẻ đẹp nhân ái của tổ tiên. Trong lúc đó, một người Mỹ ở một nơi xa xôi và hoàn toàn khác biệt lại ngồi kể lại những câu chuyện cổ tích của một dân tộc khác cho những người của dân tộc mình.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top