Tôi lần đầu đến Trùng Khánh, Cao Bằng là vào năm 1992. Nhà thơ Hữu Thỉnh có nhã ý nhận tôi về báo Văn Nghệ, nên cho tôi cơ hội… thử việc. Ông đặt tôi viết một thiên phóng sự về thuốc phiện và tệ nghiện hút đang hoành hành ở mấy tỉnh vùng biên, dự kiến sẽ in vài kỳ (tiện thể xem khả năng viết báo của tôi đến đâu).
Hồi ấy đi từ Hà Nội lên Cao Bằng, vất vả hơn giờ đây sang một quốc gia khác. Nhưng từ Cao Bằng - nay đã là thành phố yên bình và hoa lệ - vào Trùng Khánh, nơi có thác Bản Giốc nổi tiếng, thì chả khác gì sang một thế giới khác! Đường đèo dốc quanh co, sểnh một chút là xuống vực, không phải là nỗi e ngại lớn nhất. Cảnh heo hút, hẻo lánh của một vùng đất biên cương nghèo xơ xác cũng chả khiến tôi để tâm, bởi nghèo đói lúc đó thì đâu chả gặp. Cái cảm giác “về một thế giới khác”, tuyệt đối khác, khiến tôi vừa e ngại, vừa bị níu giữ bởi sự tò mò, chính là từ những ngọn núi mọc thẳng như măng, lúc nào cũng án ngữ sừng sững ngay trước mắt, trên suốt cả chặng đường mấy chục cây số. Có cảm giác bạn cứ chạy trốn mãi, bằng bất cứ phương tiện gì, cũng không thoát khỏi bị bủa vây bởi những ngọn núi đầy bí hiểm.
Nó đặc biệt ở chỗ ngọn nào cũng nhọn hoắt, nhọn như chông như gai, cho ta cảm giác chúng được vót, được mài dũa kỳ công bởi một bàn tay khổng lồ nào đó. Sau này có dịp lên Hà Giang, tôi nhận ra, đá ở đó cũng rất nhọn. Nhưng đá Hà Giang cho tôi cảm giác về một rừng chông do con người tạo ra để chặn đứng mọi sự xâm nhập, cũng của con người, từ bên ngoài. Còn núi ở Trùng Khánh, Cao Bằng, thì đích thị là những chiếc chông khổng lồ do trời tạo ra, để chống lại các thế lực hắc ám cũng đến từ trên trời! Hãy tưởng tượng cả bầy quỷ khổng lồ lao từ những đám mây đen xuống và chỉ trong nháy mắt tất cả đều bị đâm xuyên bởi những ngọn núi!
Tôi đã có đủ trài nghiệm để tin rằng sự hùng vĩ của thiên nhiên không thể nào vô cớ, vô tình được. Nó thường sản sinh ra thứ gì đó khác thường. Trong khi còn vất vả tìm kiếm “thứ gì đó”, thì tôi nhanh chóng phát hiện ra đàn ông Trùng Khánh anh nào cũng phương phi, anh nào cũng mặt to tai lớn, anh nào cũng có giọng nói rất vang, thể hiện một khí chất rất mạnh. Phải mạnh mẽ thế mới tồn tại được ở nơi đặc biệt về địa hình như vậy. Nhưng cũng có thể, chính cái đặc biệt của hình sông thế núi ấy đã hun đúc nên sự mạnh mẽ của họ.
Và tôi ít gặp ở vùng đất nào khác sự hài hước lại mang tính phổ biến như ở Trùng Khánh. Mà sự hài hước thường chỉ gặp ở những người trí tuệ và can đảm.
Sau này đọc thơ Y Phương, đọc văn Cao Duy Sơn… tôi chỉ còn biết gật gù: Có thế chứ! Đất ấy, núi ấy, sông suối ấy, thế giới tâm linh ấy, nghệ thuật nói trạng trứ danh ấy, nhất định phải sinh ra những con người như vậy: Tài hoa và hấp dẫn.
Vào năm tôi lần đầu đến Trùng Khánh ấy, Hoàng A Sáng có lẽ còn là một cậu bé mới lớn. Giờ đây anh đã là một họa sỹ nổi tiếng, nổi tiếng ở sự độc đáo, nổi tiếng bởi sự đa tài nhưng trên hết, thứ khiến anh nổi tiếng thực sự là khả năng bảo toàn nguyên vẹn, nguyên khối những gì thuộc về cội nguồn.
Nhìn vào tranh vẽ phong cảnh Trùng Khánh của Hoàng A Sáng, tôi, một người bình thường nhưng luôn có tình yêu sâu xa cộng với sự tò mò vĩnh cửu với vùng đất ấy, thì thấy trước mắt mỗi bức tranh thực sự là một bài thơ bằng màu sắc, được chế từ chính hoa, lá, vỏ cây… lấy về từ rừng và nhất định phải là rừng Trùng Khánh. Nhìn sâu hơn chút nữa, tôi thấy các hình khối trong đó là những nhân vật có tâm hồn, biết buồn vui, đau khổ, hờn giận, hạnh phúc...
Và trong khoảnh khắc, cả cái khối màu ấy bỗng cựa mình chuyển động, biến hóa khôn lường khiến tôi bị hút vào. Nó cho tôi cảm giác mỗi bức tranh của Hoàng A Sáng là một câu chuyện mà anh nghe lỏm được từ những vị phù thủy, nhiều nhan nhản ở vùng đất ấy, cất kỹ vào ký ức từ khi còn bé và giờ mới chợt nhớ ra đem kể lại với thiên hạ?
Trùng Khánh giờ đây nhất định phải bao gồm tranh của Hoàng A Sáng!/.