Cần phải nói ngay, quốc lủi, hay cuốc lủi, là rượu trắng nấu bằng ngũ cốc và men, cũng là rượu lậu từng một dạo tung hoành phố phường Hà Nội. Chữ “lủi” có nghĩa ở cái sự lậu này chăng?
Từ khi là đứa bé con, tôi đã thường xuyên được làm chân đi mua rượu. Bố tôi nghiện nặng và mỗi lần "đi làm nhiệm vụ", tôi thường vắt vẻo cái chai nhỏ xíu phần tư lít được gọi là cút trên tay với niềm thích thú lạ kỳ. Lớn lên khi đã biết uống thì từ “quốc lủi” tôi mới hiểu bởi lúc đó nấu rượu, buôn bán rượu là hành vi bị cấm. Cũng chả hiểu vì sao những hành vi trên lại bị cấm trong khi thành phần chính là những người uống lại vô can. Để có được nguồn rượu tiêu thụ trong dân phố thì những người hành nghề buôn bán tất nhiên phải lủi như con cuốc để tránh các nhà chức sắc như công an, phòng thuế, quản lý thị trường... Bởi thế, thứ hàng cấm ấy có tên gọi rất chi độc đáo như vậy. Còn tại sao lại gọi chệch thành quốc lủi một phần có lẽ là do âm tiếng Việt và có thể là do mức độ tiêu thụ rộng khắp đất nước nên nó được gọi như thế.
Hà Nội từ thời bao cấp đã là một thị trường tiêu thụ rượu lậu rất lớn. Lúc đó ngành quốc doanh chủ đạo việc sản xuất và phân phối rượu. Chỉ dịp Tết, người dân mới được mua rượu quốc doanh được sản xuất từ nhà máy rượu thông qua tiêu chuẩn tem phiếu. Đâu như mỗi bìa tem phiếu của hộ gia đình được một chai rượu màu như rượu Cam, Quýt, Thanh mai, Mơ, Táo hoặc rượu thuốc Canhkina, hoặc nữa là rượu trắng Lúa Mới, Nếp Mới.
Có nữa là rượu được duyệt bán qua các cửa hàng thương nghiệp. Từ lúc biết uống, tôi thường tìm cách làm quen với người ở bên thương nghiệp và dịch vụ ăn uống, chỉ là để nhờ vả mua rượu hoặc bia uống. Thậm chí cao điểm, tôi có cô người yêu làm đúng nghề này là nhân viên một cửa hàng giải khát ăn uống. Giai đoạn này đúng là sướng mê tơi. Có tháng tôi được cô mua hộ mấy chai rượu với giá có nằm mơ cũng chả thể tưởng tượng được. Thời phân phối đương nhiên là có giá chênh lệch. Cuộc tình này sau không thành vì khi đặt vấn đề, gia đình cô cự tuyệt cái thằng tôi nghiện ngập một cách quyết liệt.
Lại nói chuyện phân phối. Do cung không đủ cầu nên người dân mới phải tìm đến quốc lủi. Vì nhu cầu một phần, phần nữa là quốc lủi dân dã và đã có truyền thống, dễ uống hơn rượu màu. Nó dễ kiếm, có thể mua lẻ từng chén ở bất cứ hàng nước chè chén nào và Hà Nội không thiếu những quán bán rượu quốc lủi kèm theo các đồ nhắm đơn giản như lạc rang, hoa quả, tươm hơn là đĩa nem chạo hay vó bò. Mãi gần đây tìm hiểu về quốc lủi tôi mới biết đến cái pháp lệnh của Ủy ban thường vụ quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 13 tháng 10 năm 1966 nghiêm cấm việc nấu rượu trái phép và buôn bán mặt hàng này với chế tài xử phạt đến mức phải ngồi tù và phạt tiền. Có lẽ cái tên quốc lủi ra đời từ ngày đấy. Sau này đất nước thống nhất, một thời gian dài sau đó thì mặt hàng quốc lủi này vẫn mặc nhiên bị coi là rượu lậu.
Tôi chả nhớ bắt đầu uống rượu từ bao giờ. Thường sau mỗi ngày làm việc vất vả, tôi đều làm đôi chén quả hồng ở ngay hàng nước cạnh nhà. Uống lẻ là chính và cắm sổ, cuối tháng lĩnh lương trả một thể. Kinh tế khó khăn nên chỉ thi thoảng có dịp bạn bè mới tụ tập làm với nhau một chầu quốc lủi. Phố Tạ Hiện có quán bà Đồng rất đông khách, tôi hay ngồi ở đấy chén thù chén tạc. Nguồn rượu quốc lủi tất cả được lấy từ ngoại thành vào. Rượu cũng được lấy từ những địa chỉ nổi tiếng ngoại tỉnh như rượu làng Vân.
Công đoạn buôn lậu rượu đơn giản nhưng phải rất vất vả và tinh khôn mới qua được con mắt nhà nghề của các chức sắc. Theo chỗ tôi biết, khá nhiều tay buôn nghiệp dư là công chức, cán bộ, tranh thủ cuối tuần đạp xe đeo bong bóng kiếm thêm. Vì nghiệp dư nên dễ qua mắt nhà chức trách. Rượu được đựng trong các bong bóng bằng nilon màu xanh rất dai. Những bong bóng này dung tích chỉ dăm lít được giấu trên người. Mỗi lượt buôn giỏi lắm cũng chỉ đeo được mươi lít. Thế là đủ lãi dôi ra được một lít để uống. Tôi cũng đã thử đi một lần nhưng vì tính nhát và mặt gian nên bị tóm ngay ở một barie làng gần nơi xuất rượu. May chủ hàng thương tình nên tôi không bị đền số rượu bị bắt.
Nhân chuyện bong bóng rượu, tôi bị lừa một lần nhớ đời. Hôm đó vừa ngủ trưa xong còn đang ngái ngáp, mò ra hè thì tôi được một thanh niên xách chiếc bong bóng phải đến cỡ chục lít lệch cả người. Tay này gạ bán cho tôi chỗ rượu. Anh ta nói công an vừa đuổi bắt bọn buôn rượu lậu, họ chạy và vứt bịch rượu nên anh ta bắt được. Tôi thử thấy ngon nên mua ngay với giá rất hời. Mỗi bong bóng rượu đều có một đầu van. Trả tiền xong tôi sung sướng với chỗ rượu rẻ như bắt được. Nào ngờ chỉ thêm vài lượt bóp thì hết rượu. Hóa ra bên trong bong bóng nó để rượu vào cái túi nilon nhỏ đựng mấy chén rượu thật thông với đầu van còn toàn bong bóng là nước lã. Đòn đau nhớ đời, tham thì thâm, quá đáng kiếp.
Rượu quốc lủi thời đó được ao bằng các chai cút phần tư lít và chai dung tích 65 ml. Các chai này đa phần được nút bằng lá chuối rất hấp dẫn. Có điều tất cả các loại rượu ngày đó từ rượu màu đến quốc lủi đều rất đau đầu sau khi uống. Công nghệ chế biến rượu thời đó có lẽ lạc hậu nên không khử được hết aldehyde nên rất độc, dù nghề nấu rượu đã có từ rất lâu trong đời sống.
Chính người Pháp, sau một thời gian cho phép dân được nấu rượu để thu thuế, thì khi có công nghiệp rượu do công ty của người Pháp sản xuất, được gọi là rượu ty, đã cấm dân chúng nấu rượu. Qua những lần cấm từ thời Pháp thuộc đến thời ta sau này, phải nói là rất rốt ráo, triệt để, thế nhưng rượu lậu vẫn không thể chết. Thật khó cấm được các ma men. Bằng chứng là những nước lớn như Liên Xô và Mỹ đã từng cấm rượu nhưng đều thất bại. Và quốc lủi mặc nhiên tồn tại vang bóng một thời dù nó cũng gây nhiều hệ lụy cho người nghiện và xã hội. Cái tên của một thời này đến giờ vẫn thi thoảng được các tửu đồ của lưu linh sử dụng, dù nó không còn bị cấm đoán nữa. Một thời quốc lủi. Âu cũng là một quá vãng chẳng thể quên...