Aa

Sút sút nữa đi

Thứ Sáu, 19/04/2019 - 06:00

Sút sút nữa đi, câu nói của anh nhạc sĩ khiến tôi bất giác mỉm cười nhớ lại bộ phim thần tượng của một thời con trẻ...

Tôi nhớ không nhầm, thì đấy là tên một bộ phim truyện về bóng đá của Liên Xô (cũ), tôi được xem từ ngày nhỏ. Nội dung lâu quá, tôi quên tịt, nhưng hình ảnh thì tôi nhớ, nhất là diễn viên chính đóng cầu thủ tiền đạo rất đẹp trai, tóc bồng bềnh và giò cẳng thôi rồi. Những bước chạy của anh ta mới đẹp làm sao và cú làm bàn cuối phim thì không thể chượi, đấy chính là một kiệt tác. Tóm lại đó là hình mẫu thần tượng của cái thằng tôi dù biết tỏng anh chàng đó còn lâu mới là cầu thủ mà chỉ là diễn viên.

Tại sao lại có sự ngưỡng mộ đó? Dễ thôi mà, ngoài cái sự, dạo đó phim ảnh hiếm hoi, được vào rạp xem đã là một hạnh phúc ra, thì đá bóng là đam mê lớn nhất của tôi. Nhiều năm nhóc con, tôi chỉ mỗi ước ao lớn lên sẽ trở thành cầu thủ. Và ước mơ thất bại này chuyển thành đam mê theo tôi đến tận bây giờ. Đỉnh cao nhất của tôi trong bóng đá là đá phủi gôn tôm cùng chúng bạn ở các khoảnh đất trống và sau này khi hết chiến tranh, thì được đá trong đội hình của một đội bóng cấp tiểu đoàn với chân giày áo số hẳn hoi.

Lan man đến bóng đá vì tôi muốn viết đôi điều về bóng đá đường phố Hà Nội, rộng hơn chút là bóng đá phong trào. Lúc nhỏ tôi hay ra sân Long Biên xem các đội hạng C thi đấu. Máu mê lắm, cả cầu thủ lẫn khán giả. Hạng B và A thì phải đến sân Hàng Đẫy mới được xem và dĩ nhiên là phải xùy tiền vé. Các sân bóng Hà Nội dạo đó như sân Quán Thánh, Long Biên và một số sân phong trào khác luôn mở rộng cửa cho cả người lớn và trẻ con vào sân thi đấu và tập luyện. Đám trẻ con chúng tôi ngoài giờ học, thậm chí là trốn học, luôn tụ bạ cùng nhau với trái bóng tròn.

Hà Nội khi đó, các sân bãi cả thi đấu hay không lúc nào cũng chật ních người. Các đường phố có điểm giao nhau rộng rãi đều được bọn trẻ tận dụng làm sân bãi về đêm. Vỉa hè hay một khúc phố cụt cũng chung hoàn cảnh tương tự, nhưng thời gian thì bất kể lúc nào. Rồi sân trường học. Chả trường nào ở Hà Nội không có khoảng sân rộng rãi cho học sinh vui chơi. Mươi lăm phút nghỉ tiết cũng thành một hiệp đấu ra trò giữa học sinh các lớp. Chưa kể là hết giờ, là ngày nghỉ, ăn cánh được với bảo vệ, thì cứ gọi là đấu nhau chí tử. Mà cũng chủ yếu là đá gôn tôm. Mỗi bên chỉ cần vài người trở lên là có trận đấu. Cầu môn ngoại trừ sân bóng có khung gỗ còn thì chỉ hai hòn gạch, cái cặp sách là đủ ăn thua.

Giấc mơ bóng đá tuổi thơ.

Giấc mơ bóng đá tuổi thơ.

Từ ngày đó tôi đã nghe thấy thuật ngữ đá phủi. Phủi có phải là một thuật ngữ chỉ bóng đá phong trào, bóng đá đường phố? Mới đây, tôi mang câu hỏi này để nhờ danh thủ Đặng Gia Mẫn giải thích. Anh nói cũng gần giống như cách tôi hiểu. Các cầu thủ đá phủi không nằm trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của các liên đoàn bóng đá địa phương và quốc gia. Họ thi đấu cho các đội bóng, đa phần được thành lập tự phát. Một nhà máy hay xí nghiệp. Có khi là một hội nghề nghiệp hoặc là một nhóm người yêu thích bóng đá đứng ra lập đội… Các đội bóng này có tham dự các giải phong trào không chính thức. Và các cầu thủ phủi có tố chất nghệ sĩ lấy nét đẹp kỹ thuật của bóng đá để hành nghề.

Họ là những cầu thủ không chuyên nghiệp nhưng có khi cũng là những danh thủ, sau thời đỉnh cao từ bỏ bóng đá chuyên nghiệp nhưng không bỏ nghề cùng nghiệp để tham gia đá phủi. Lằng nhằng phết, lẽ ra những người làm nghề bóng đá phải cho ra được định nghĩa phủi này từ lâu rồi mới đúng. Thôi cứ gọi những người tham gia đá bóng phong trào, đá bóng đường phố là những cầu thủ nghiệp dư đá phủi cho lành, cho oai. Mà cũng khối cầu thủ đá hay ra trò, dân chuyên nghiệp cũng phải mắt tròn mắt dẹt.

Hà Nội hiện tại có rất nhiều sân bãi. Dù trẻ em bây giờ lấy sự học đến lồi mắt và đeo kính cận là chủ đạo nhưng không vì thế mà thiếu vắng các em ở sân bóng. Những sân bóng mọc lên như nấm ở bất cứ khoảng đất trống nào. Một mặt sân phẳng được quây hàng rào và trải cỏ nhân tạo hoặc đất nện, thế là đã có một sân thi đấu chuẩn (sân cỏ nhân tạo là chủ yếu). Và có lẽ chưa bao giờ bóng đá phong trào lại có sự đua tranh quyết liệt như hiện nay dù tính hệ thống của nó nó lại thua rất xa trước kia.

Bóng đá thời còn bao cấp là một thú chơi cao cấp. Để kiếm được vé xem trận đấu hạng A ở sân Hàng Đẫy là cả một sự kỳ công và tốn kém. Các khán đài chật cứng. Giải hạng B, hạng C cũng thu hút người xem. Các giải này thi đấu trung thực và công bằng nên bóng đá được coi trọng.

Sau này, mọi thứ từ sân bãi đến điều kiện kinh tế lẫn đào tạo và thi đấu cạnh tranh khốc liệt, kể cả mua cầu thủ ngoại về, nhưng bóng đá chuyên nghiệp ngày càng bị xem rẻ. Người ta ít đến sân xem bóng đá, thậm chí tẩy chay, bởi một lẽ rất đơn giản là mất niềm tin. Bóng đá đã bị thương mại hóa. Các doanh nghiệp bỏ tiền nuôi bóng đá và họ làm đủ trò để duy trì đội bóng cùng thành tích. Nạn cá độ và bán độ đã giết chết bóng đá chuyên nghiệp dù cả núi tiền đã được đổ vào đó. Gần đây thành tích của đội tuyển Việt Nam từ lứa U23 hắt lên đạt thành tích cao trong khu vực nên tình hình cũng có cải thiện đôi chút nhưng vẫn chưa kéo được đông khán giả đến sân.

Ngược lại thì chưa bao giờ khí thế bóng đá ở các sân cỏ nghiệp dư tại Hà Nội lại được đẩy lên cao như hiện nay. Các đội bóng muôn hình muôn vẻ. Lứa tuổi cầu thủ cũng phong phú, từ một đứa trẻ đến ông già, đều có quyền xỏ giầy vào sân. Các sân này có đủ các kích cỡ cùng hệ thống thi đấu và điều hành, trọng tài. Có khi là đội hình 5 hoặc 7 tuyển thủ, lớn nữa là đội hình truyền thống 11 người. Thời hiện đại người ta kinh doanh đủ thứ, trong đó có thể thao và nhờ thế cầu thủ phủi mới có đủ sân bóng để thi đấu. Các giải đấu cũng đa dạng đủ để tranh tài.

Mới hôm qua, một nhạc sĩ tên tuổi gạ gẫm tôi tổ chức trận đấu giữa nhóm nhạc của anh với cánh văn veo chúng tôi. Tôi bảo già rồi đá đấm gì nữa. Anh cố gặng. Thì giải U60, nhạc nhẹ thôi mà, giải là một chầu nhậu tẹt ga hết tầm, nhé, sút sút nữa đi. Lạy giời. Bây giờ đá bóng hay thế đấy. Vui chơi có thưởng mà. Cũng lành mạnh thôi nhưng không thể không nói đến sự biến tướng của bóng đá nói chung hiện nay là nạn thắng thua cá độ. Từ cá độ đến bán độ chỉ là một ranh giới rất nhỏ. Một cá nhân cá độ chắc chắn sẽ thân bại danh liệt và một nền bóng đá dính bán độ thì đó là một nền bóng đá chết. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top