Hôm qua là ngày 27/7.
Nhiều ngàn người Việt, trong những ngày này của tháng 7, tháng kỉ niệm Ngày Thương Binh Liệt Sĩ, họ chọn đi về vùng đất Quảng Trị để viếng thăm các nghĩa trang, nơi yên nghỉ của những người lính. Đó là những người bộ đội, hy sinh trong cuộc chiến trước năm 1975.
Chọn về Quảng Trị trong những ngày này, vì Quảng Trị, tháng năm xưa, chiến trường từng được ví là "cối xay thịt". Tuổi trẻ, hàng vạn người, từng là sinh viên, thay vì ôm mộng đẹp cho ngày thành đạt từ trí tuệ sáng tạo, kiến tạo đất nước, lại phải cầm súng, để rồi vĩnh viễn nằm lại nơi gió gào, sóng thét và hun hút rừng sâu.
Hầu hết, mọi người về đây là đi viếng các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và Thành Cổ Quảng Trị. Thành Cổ, được ví là nấm mồ chung không tên. Dòng sông Thạch Hãn, là một nghĩa trang chung không nấm mồ khác. Đó là hai nơi duy nhất trên cả nước, nơi yên nghỉ hàng ngàn người lính từ hai phía.
Có lẽ, phải từ 11 năm trở lại đây, khi chúng tôi có duyên phát nguyện cúng lễ cầu siêu hàng tháng ở hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9, chúng tôi mới để ý đến tháng 7 Dương lịch, và NgàyThương Binh Liệt sĩ.
Chúng tôi nói thế, có nguyên do của nó.
Chúng ta là người Việt, nếu chú ý đến các ngày lễ liên quan đến lễ tiết trong văn hóa Việt, chúng ta không tìm thấy nó thuộc lịch Dương. Chúng ta ở vào vùng văn hóa, mà nền văn minh là nông nghiệp lúa nước, nên lễ tết thuộc về lịch Âm. Ông cha chúng ta gọi là Nông lịch, vì liên quan đến vụ mùa trồng trọt.
Ngày 27 tháng 7, thứ nhất, nó không thuộc Âm lịch.
Thứ hai, một điều nữa, rất thực, vì chúng tôi là người dân Quảng Trị, ở từ Quảng Trị trở vào. Nghĩa là, từ cái ranh giới sông Hiền Lương - vĩ tuyến 17 - trở vào, một thời, được gọi là Miền Nam. Và các chiến sĩ, là bộ đội, khi hy sinh từ phía nam ranh giới của vĩ tuyến 17, gia đình các anh được nhận một từ giấy báo tử: "hy sinh ở chiến trường miền Nam".
Mà miền Nam, người miền Nam, người hy sinh trong chiến trường, lại không nằm trong các nghĩa trang liệt sĩ.
Những người hy sinh trong chiến trường, từ Quảng Trị trở vào, nếu là người lính, thì đa phần thuộc về lính quân đội Miền Nam, thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Số lớn còn lại, đã chết thảm khốc giữa chiến tranh trước năm 1975, là người dân, họ lại thuộc "người dân Miền Nam".
Nói chung, họ, là dân hay lính, chết từ cái ranh giới vĩ tuyến 17 trở vào, họ không được nhớ tưởng đến trong các ngày tháng 7 Dương lịch này.
Cho đến hôm nay, dân quê tôi, sau mấy mươi năm, cái tâm lý tri ân trong tháng 7, hướng về các anh linh anh hùng liệt sĩ, nhân kỉ niệm Ngày Thương Binh Liệt Sĩ, chỉ gói gọn trong người đảng viên, hay người từng tham gia kháng chiến theo cách mạng.
Thế nhưng, Am Thụy Ứng, những ngày này, nhiều người, từ nhiều thành phần, nhiều vùng miền, về đây cùng chúng tôi chung lời kinh và tâm niệm tri ân nguyện cầu siêu độ hướng về các anh linh anh hùng liệt sĩ. Họ chọn đồng hành cùng chúng tôi mỗi năm đến độ này là vì chúng tôi hơn 10 năm ròng rã phát nguyện cầu siêu mỗi tháng ở các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và Thành Cổ Quảng Trị.
Tuy thế, trong lời kinh cầu của chúng tôi, có một xúc cảm khác, một nỗi niềm hoài cảm tiếc thương cho số phận không may của hàng vạn đồng bào và chiến sĩ không được nhắc đến.
Họ, những người đã hy sinh bên bờ nam sông Hiền Lương trở vào và không được nhắc đến kia, họ là ai, họ là cha ông của chúng tôi, là lính, là dân, hy sinh vì đất nước lâm vào cảnh can qua.
Sau năm 1975, chúng tôi chứng kiến cảnh nhà nước tìm cách quy tập hài cốt liệt sĩ để thành lập các nghĩa trang liệt sĩ cấp xã. Tối thiểu ở mỗi nghĩa trang liệt sĩ cấp xã như thế, khoảng 300 mộ phần các anh. Lớn hơn là các nghĩa trang cấp huyện. Lớn hẳn là hai nghĩa trang quốc gia, Trường Sơn và Đường 9.
Hồi quy tập, có một câu chuyện tôi nhớ mãi. Đó là khi bốc xác các liệt sĩ, xác bốc mùi hôi, ông Đố nhăn mặt, thốt lên, hôi quá. Nghe thế, một cán bộ, là ông Tiện, lên tiếng, quát, "liệt sĩ mà hôi à". Ông Đố thất sắc nín thin, ngoan ngoãn làm tiếp. Họ im lặng, kiên nhẫn, chịu đựng, vì biết mình thuộc về "người thua cuộc".
Thế đấy, ai là người "được chọn" đi quy tập hài cốt liệt sĩ? Những "người miền Nam", là người từng tham chiến, nhưng là lính miền Nam, làm dân dưới bầu trời chế độ mới, cách mạng.
Vì nhớ ơn, và nghĩ đến chuyện nhớ ơn, mọi người về đây, thắp hương tưởng nhớ công ơn các anh chiến sĩ, là bộ đội, đã hy sinh chiến trường miền Nam. Chúng ta vô tình, chúng ta không có ý thức phân biệt, nhưng việc chúng ta làm, cũng là vô tình... đang nghiêng về một phía, để còn lại bên kia, một miền u uất thương đau bị bỏ ngỏ, họ "được" lãng quên. Đó là linh hồn các chiến sĩ, là lính mền Nam, là đồng bào miền Nam không được chính thức nhắc đến.
Viết những dòng này, trong niềm cảm xúc xót thương vì mất mát, vì nhớ ơn, để lời kinh cầu của chúng tôi suốt tháng nay như mỗi tháng ròng qua 10 năm nay vẫn vang lên, chỉ những mong sẻ chia cùng các anh, là chiến sĩ, là người dân, đã ngã xuống giữa làn đạn chiến tranh tang tốc xưa trên chiến trường Việt Nam nói chung, chiến trường Quảng Trị nói riêng, được an ủi thảnh thơi nơi chín suối mà không phân biệt Nam - Bắc, ta - địch. Tất cả các anh đều chung miền siêu thoát.
Xin cúi đầu trước sự hy sinh cao cả nhưng đầy xót xa mất mát của các anh linh.
Hôm nay, ngày 27 tháng 7, ngày để chúng ta cùng thắp sáng trong trái tim mỗi người và trong trái tim dân tộc lòng biết ơn, thắp sáng ý thức “uống nước, nhớ nguồn”.
Mỗi một tán lá xanh cho con đường xa rợp mát, mỗi một khoảnh khắc bình yên trên môi cười con trẻ, mỗi một chuyến đi xa để trải nghiệm những hành trình mới trên mọi miền tổ quốc thân yêu đều có được nhờ một giai đoạn đất nước oằn mình trong lửa đạn, những dòng sông nhuộm máu và những lớp đất phủ kín xương thịt ông cha.
Đã có những ngày, người chết và “trời chết, đất chết”. Cái chết ngập tràn khắp không gian, đầy đường, đầy đồng, chết tức tưởi, rũ rượi, đau đớn. Đã có những ngày, tiếng khóc đau xé tâm can không được cất lên trọn vẹn thì đã ở lại nơi vô thanh muôn đời.
Tất cả đã chìm vào lặng im. Nhưng trong cõi vô thanh là ngàn vạn nức nở xót xa, là triệu triệu những ngậm ngùi oan trái. Có những người lính trẻ xa quê, xa bạn hiền, có người vợ xa chồng, có người mẹ rời con, có người chồng xa gia đình, có cả những người bạn bên phía bị gọi là quân địch bởi một vài nguyên do mà trở thành lính tham chiến, rồi trở thành kẻ tử nạn khi tuổi đời còn rất trẻ. Tất cả họ, những người từng đi qua và ngã xuống bởi cuộc chiến tranh đẫm máu trên quê hương Việt Nam, tất cả đều cần những thấu hiểu, sẻ chia, cần những năng lượng bình an hôm nay của thế hệ tiếp nối như chúng ta yểm trợ, bên cạnh lòng biết ơn.
Thiền sư Nhất hạnh từng căn dặn: “Kẻ thù chúng ta không phải con người.”
Thắp sáng lòng biết ơn, chúng ta cũng cần những giây phút thật yên mà quán xét. Để lòng từ trong mỗi trái tim cùng được thắp lên trong những ngày cả dân tộc cùng muốn nhắc nhau không quên đau thương ngày nào.
Không quên, để mà tri ân, báo ân.
Không quên, để hiểu rằng những cái thấy sai lầm và tham lam, thù hận sẽ đẩy con người vào cảnh tàn sát lẫn nhau.
Không quên, để biết quý trọng phút giây hiện tại và sống có ý nghĩa hơn, biết yêu nước, thương nòi hơn, cũng là yêu mình, yêu người và yêu cuộc đời nhiều hơn.
Cuộc binh biến ngày ấy, không chỉ có người lính đã ngã xuống. Hàng ngàn vạn người dân vô tội đã bỏ mình dưới lưỡi dao oan nghiệt của tiếng súng.
Xin một lần cho tôi nhìn lại người đồng bào quê mình, thắp nén hương quỳ xuống bên dòng sông nguyện cầu, đủ tỉnh thức sờ lên vết thương trên da thịt đất mẹ mong lành lặn.
Trước nguồn thiêng Thạch Hãn, trong linh địa núi Mai Lĩnh, xin tất cả quý vị cùng chúng tôi thắp lên nén hương thơm tình ruột thịt một nhà, nguyện cầu cho chiến sĩ và đồng bào nơi đây nhẹ kiếp sinh linh, thảnh thơi miền tịnh cảnh!
Nguyện cầu hồn thiêng sông núi, oai linh dân tộc che chở các anh luôn sống trong tình thương, trong lòng biết ơn từ những thế hệ tiếp nối mãi mãi về sau!