Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn đầu tư Việt Nam của JLL
BĐS năm 2017 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2016. Thị trường Việt Nam đang rất thu hút các nhà đầu tư vì các yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi, quy mô dân số trẻ nên sức cầu lớn. Một yếu tố khác nữa là hiện nay, các bạn trẻ đang muốn ra sống độc lập với gia đình. Bên cạnh đó, tỷ suất sinh lợi cũng là mức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Tại TP. HCM, sự phát triển về cơ sở hạ tầng, như cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro số 1… là cú hích cho BĐS phát triển. Hai sản phẩm hấp dẫn nhà đầu tư hiện nay là văn phòng và căn hộ dịch vụ.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Him Lam Land
Dưới góc độ của một người làm kinh doanh, thị trường BĐS hiện nay đang rất khắc nghiệt. Lượng cung trên thị trường đang rất lớn, điều này đồng nghĩa với việc cạnh tranh giữa các chủ đầu tư rất gay gắt. Tuy nhiên, với diễn biến như thế thì người tiêu dùng đang hưởng lợi rất lớn, bởi tất cả các chủ đầu tư đều hiểu rằng, lúc này, nếu chúng ta đầu tư kém hơn đối thủ trong cùng một phân khúc, tức là lợi thế cạnh tranh, tốc độ bán hàng và thanh khoản của dự án sẽ giảm sút ngay.
Trong năm 2017, nếu chỉ tính lượng cầu ở thực vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên, nhưng không phải với một tốc độ quá lớn. Chẳng hạn, năm nay nhu cầu nhà ở thực khoảng 100 ngàn căn, thì năm sau không thể nào tăng lên 1 triệu căn được, mà chỉ tăng ở tầm 120 ngàn căn, năm 2018 sẽ là 150 ngàn căn... Theo tôi, lượng cầu đó mới là thước đo chính xác của thị trường trong năm tới, chứ không thể dựa vào lượng cầu của các nhà đầu tư thứ cấp, lướt sóng (đầu cơ).
Một doanh nghiệp muốn phát triển dự án thành công, anh phải chế biến được món ăn hợp với khẩu vị của thị trường, bởi đi sau mà không có những món ăn ngon, chắc chắn sẽ thất bại. Khách hàng trong giai đoạn hiện nay rất thông minh khi quyết định mua hàng, do vậy, dự án có thực sự cao cấp hay không, chính khách hàng là người hiểu rõ nhất.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB BĐS Hà Nội
Năm 2017, thị trường BĐS sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trước, nhất là khi phân khúc nhà giá rẻ còn đang bỏ ngỏ. Rõ ràng, chính sách vĩ mô đúng và trúng đang tạo điều kiện để phân khúc này phát triển, tạo động lực cho thị trường.
Vừa qua, nhiều tập đoàn lớn, trong đó có Vingroup đã tuyên bố sẽ phát triển các dự án nhà giá rẻ với giá trị mỗi căn nhà từ 700 triệu tới 1 tỷ đồng. Tôi cho rằng, đây là một xu hướng rất tốt. Nhà giá rẻ nhưng lại được xây dựng theo mô hình thương mại, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với phân khúc này.
Về phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, chắc chắn sẽ có xu hướng phát triển tốt, nhất là khi du lịch của Việt Nam bùng nổ, có thể tăng trưởng 15-20%/ năm.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam
Năm 2017, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ ngày càng cởi mở hơn, giúp chủ đầu tư hạn chế sự lệ thuộc vào ngân hàng. Tuy nhiên, nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài chỉ mang tính chất khơi thông khi các doanh nghiệp BĐS trong nước đang gặp khó khăn, nguồn vốn chủ đạo trên thị trường vẫn đang là của các doanh nghiệp BĐS trong nước.
Thời gian qua có sự lệch pha về phân khúc nhà ở nhưng thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tập trung phát triển nhà giá rẻ, chấp nhuận lợi nhuận thấp để bán được nhiều sản phẩm.
Người trẻ Việt Nam có xu hướng tách ra khỏi gia đình, tự lập và mua căn hộ sẽ dần phổ biến. Nắm bắt nhu cầu này, gần đây, một số công ty BĐS đã tập trung đi vào phân khúc này như Nam Long, Him Lam. Các doanh nghiệp này có quỹ đất, chấp nhận biên lợi nhuận có phần thấp hơn phân khúc khác.
Thông thường, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đầu tư vào Việt Nam qua việc góp vốn với các doanh nghiệp trong nước trước để “học bài”, về sau họ sẽ tiếp cận sâu hơn./.