Dự án này nằm trong quy hoạch đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Báo cáo Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết dự án đã thi công hơn 35% khối lượng, tăng hơn gấp 2 lần so với khối lượng 10 năm trước. Đến nay, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác do nhà đầu tư huy động là 3.400 tỷ đồng, đã giải ngân 2.500 tỷ đồng. Riêng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng, đã giải ngân 1.733 tỷ đồng.
Nhà đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm phân bố vốn ngân sách trung ương còn lại như cam kết. Đối với vốn tín dụng, liên danh các ngân hàng các bên liên quan đã ký hợp đồng tín dụng cam kết tài trợ 6.686 tỷ đồng, cam kết giải ngân khoản vay đầu tiên cho dự án vào ngày 9/3/2020.
Thủ tướng biểu dương sự quyết tâm của nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là năng lực của Tập đoàn Đèo Cả đã xử lý tốt các tồn tại, thúc đẩy tiến độ thi công, bảo đảm mốc thông tuyến năm 2020 và khánh thành năm 2021.
Thủ tướng chỉ đạo các bên liên quan phải xử lý tốt vấn đề nguồn vốn cho dự án theo đúng quy định; UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương giải ngân phần vốn ngân sách còn lại để hòa vào nguồn vốn của nhà đầu tư; tháo gỡ các vướng mắc do việc ngăn mặn làm ảnh hưởng đến đường cung cấp vật liệu, vận chuyển cát, đá…; có giải pháp ưu tiên bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ thi công. Ngân hàng VietinBank, với vai trò là ngân hàng đầu mối, phải cung cấp đủ vốn như cam kết.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải triển khai ngay phương án thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ; đề xuất phương án chỉ định tiếp tục thi công đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với mục tiêu thông tuyến đến Cần Thơ vào năm 2021 và khánh thành vào năm 2022.