Aa

Năm 2024, OCB tự tin sẽ đạt được kế hoạch lãi trước thuế 6.885 tỷ đồng

Thứ Hai, 15/04/2024 - 16:16

Trong năm 2024, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với thực hiện 2023. Đồng thời, ngân hàng cũng thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%.

Mục tiêu lợi nhuận 2024 tham vọng...

Sáng 15/4 tại TP.HCM, Ngân hàng TMCP Phương Đông  đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên nhằm báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 và đưa ra định hướng kế hoạch kinh doanh cho năm 2024. 

Báo cáo tại Đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, năm 2023, đối mặt với những cơn gió ngược từ thế giới như: Căng thẳng địa chính trị leo thang, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều NHTW lớn nhằm kiểm soát lạm phát, tổng cầu thế giới giảm… kết hợp những khó khăn nội tại, tiêu dùng và bán lẻ tăng trưởng không như kỳ vọng, xuất nhập khẩu suy yếu, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng… từ đó, lĩnh vực ngân hàng cũng bị ảnh hưởng sâu rộng khi lượng hấp thụ vốn toàn nền kinh tế suy yếu, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng so với cùng kỳ.

Năm 2024, OCB tự tin sẽ đạt được kế hoạch lãi trước thuế 6.885 tỷ đồng- Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Trong bối cảnh đó, năm 2023, OCB đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 148.005 tỷ đồng, tăng 20,53% so với năm 2022. Huy động thị trường 1 trong năm 2023 tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 168.000 tỷ đồng, trong đó tăng chủ yếu từ tiền gửi khách hàng, nguồn vốn tài trợ và ủy thác đầu tư từ các định chế tài chính. 

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 4.139 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2022 và chỉ đạt 69% kế hoạch năm đề ra, đến từ việc ngân hàng chủ động trích lập thêm chi phí dự phòng để tăng cường bộ đệm quỹ dự phòng rủi ro tín dụng và điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm 2024.

Để đạt được kết quả này, lãnh đạo OCB cho biết, ngân hàng đã tập trung vào các ngành nghề ưu tiên, đầu tư công, giảm tỷ trọng ngành nghề có rủi ro cao đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, thẻ tín dụng đối với khách hàng cá nhân. Đồng thời, OCB đã tích cực đồng hành cùng khách hàng, bên cạnh các biện pháp cơ cấu nợ, ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp chỉ từ 5,2% năm. 

Ngoài ra, ngân hàng này đã hoàn thành triển khai và áp dụng nền tảng tính vốn điện toán đám mây theo Basel II nâng cao, trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành tất cả các yêu cầu tiên tiến của Basel trong chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế. 

Lãnh đạo OCB cho biết, việc này thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn hoạt động, tuân thủ theo quy định, nâng cao năng lực quản lý vốn, tăng cường khả năng chống chịu rủi ro, cân bằng giữa việc theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng và đảm bảo tính bền vững trong hoạt động.

Năm 2024, OCB tự tin sẽ đạt được kế hoạch lãi trước thuế 6.885 tỷ đồng- Ảnh 2.

Đánh giá nền kinh tế vĩ mô trong năm 2024 sẽ phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, ban lãnh đạo OCB đã đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2023. Tổng tài sản đến cuối năm tăng 19% lên 286.562 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 17% lên 197.346 tỷ đồng. Dư nợ thị trường 1 dự kiến tăng khoảng 20% lên 177.592 tỷ và sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Năm 2024, OCB tự tin sẽ đạt được kế hoạch lãi trước thuế 6.885 tỷ đồng- Ảnh 3.

Nguồn: VietstockFinance

Với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, năm 2024, OCB tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.618 tỷ đồng chủ yếu thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay và mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

Dự kiến sau khi tăng vốn, Aozora bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%.

... Động lực từ đâu?

Tại Đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc động lực nào để OCB đề ra kế hoạch kinh doanh 2024 cao như vậy, Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn cho biết, OCB từ ngân hàng nhỏ đã phát triển lên vị thế hoàn toàn khác từ năm 2011 đến nay và ngân hàng luôn muốn lợi nhuận cao để mang lại quyền lợi cao nhất cho cổ đông.

Năm 2022 - 2023 là 2 năm OCB không đạt được kế hoạch. Do lạm phát cao, hậu COVID-19 làm cho nền tài chính toàn cầu đổi chiều, tác động đến ngành ngân hàng, trong đó có cả OCB. Khi đi vào thời kỳ thay đổi lãi suất, do thị trường thế giới, năm 2022 không đạt chủ yếu là kinh doanh TPCP. Năm 2023 gặp vấn đề thu từ phí mảng bảo hiểm, chưa phục hồi được các vấn đề thu ngoài lãi. Thêm vào đó, thị trường khó khăn nên nợ quá hạn ảnh hưởng, nợ xấu bị ảnh hưởng, dẫn đến kết quả 2023 bị ảnh hưởng.

"Năm 2024, kế hoạch lãi trước thuế 6.885 tỷ, ban điều hành tự tin đạt được. OCB định vị tỷ suất lợi nhuận nằm trong top 5 các ngân hàng, để cổ đông biết được đang đầu tư vào ngân hàng có trách nhiệm cao với cổ đông và có cơ sở", ông Trịnh Văn Tuấn khẳng định.

Cùng với đó, trong phiên thảo luận, chiến lược ngân hàng xanh, triển khai ESG cũng là vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết, OCB đã xây dựng các chuẩn mực "xanh" trong hoạt động từ nhiều năm trước. Năm 2024, OCB quyết định đưa các nội dung này thành chiến lược tổng thể, xây dựng thành khung với 3 trụ cột liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để điều chỉnh tất cả các sản phẩm OCB đưa ra thị trường.

Năm 2024, OCB tự tin sẽ đạt được kế hoạch lãi trước thuế 6.885 tỷ đồng- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Đồng thời, nâng cao tiêu chuẩn trong quản trị, quản lý nội bộ trong ngân hàng và xây dựng, bảo vệ môi trường, đóng góp nhất định vào sự phát triển bền vững của cộng đồng cũng như của Việt Nam.

Bên cạnh đó, OCB đã không ngừng mở rộng danh mục cho vay đối với các dự án phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực xã hội và khí hậu đủ điều kiện. 

Quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8 - 10% trên tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn ngân hàng, quy mô này dự kiến sẽ tăng mạnh trong các năm tới.

Được biết, ngân hàng OCB cũng đã ký hợp tác với IFC về việc triển khai chiến lược chuyển đổi ngân hàng xanh, khẳng định cam kết trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng xanh, góp phần xây dựng tương lai thịnh vượng, đem đến nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội tại Việt Nam. Dự kiến trong quý III/2024, OCB sẽ phát hành báo cáo phát triển bền vững độc lập với sự tư vấn từ PwC, một trong các công ty rà soát tư vấn về tiêu chuẩn xanh hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, về khoản vay của hai khách hàng FLC và Đại Nam, lãnh đạo OCB cho hay, ngân hàng đã thu hồi đầy đủ các khoản nợ của hai khách hàng này. Riêng đối với khách hàng FLC, hoạt động cho vay của OCB rất chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch, còn sai phạm chỉ mang phương diện cá nhân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top