Aa

“Năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc và nhà đầu tư cần nắm bắt cơ hội”

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Tư, 17/01/2024 - 06:00

Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các yếu tố như lãi suất ở mức thấp, việc triển khai hệ thống giao dịch KRX kết hợp nâng hạng thị trường trong trung hạn sẽ giúp cho thị trường chứng khoán tiếp tục có dư địa để bứt phá trong năm 2024.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 trải qua nhiều biến động và chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán quốc tế. Nửa đầu năm 2023, thị trường chứng khoánViệt Nam giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát dai dẳng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài của các nền kinh tế lớn và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.

Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ có hiệu quả các Bộ, ngành và sự đồng lòng của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán năm 2023 vẫn duy trì sự ổn định, an toàn và tiếp tục thể hiện được vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.

Để có góc nhìn chi tiết hơn về bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 và triển vọng cho năm 2024, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

“Năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc và nhà đầu tư cần nắm bắt cơ hội”- Ảnh 1.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều "sóng gió"

PV: Nhìn vào tổng thể bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023, ông có đánh giá như thế nào về diễn biến thị trường trong suốt năm vừa qua?

Ông Trần Đức Anh: Năm 2023 là một năm mà thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều biến động và diễn biến phức tạp. Thị trường ghi nhận mức tăng hơn 10% và đây không phải là mức tăng yếu. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức tăng bứt phá mạnh mẽ của các thị trường trên thế giới, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ với chỉ số Dow Jones vượt đỉnh thì có thể nói chứng khoán Việt Nam trong năm vừa qua không đạt được mức tăng như kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh mức lãi suất đã giảm mạnh từ đầu năm 2023. Nguyên nhân khiến cho thị trường chứng khoán chưa thể bứt phá mạnh mẽ chủ yếu đến từ việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 chỉ tăng ở mức 5,05% và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có sự sụt giảm tương đối mạnh so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong năm vừa qua, dù không đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những dấu ấn nhất định.

“Năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc và nhà đầu tư cần nắm bắt cơ hội”- Ảnh 2.

VinFast là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế (sàn Nasdaq của Mỹ).

Thứ nhất, VinFast là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế (sàn Nasdaq của Mỹ), vươn tầm ảnh hưởng lên phạm vi toàn cầu sau nhiều năm nỗ lực.

Thứ hai là sắp tới, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ cho ra mắt hệ thống giao dịch KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam). Việc đưa vào vận hành hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ giúp đa dạng kênh đầu tư, tăng thanh khoản, phân tán rủi ro… tạo tiền đề để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng.

Thứ ba là hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào hoạt động ngày 19/7/2023. Sự ra đời của hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng giúp tăng tính minh bạch của thị trường trái phiếu và là bước quan trọng để giúp cho thị trường trái phiếu có thể phát triển lành mạnh, nâng cao thanh khoản, giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ sơ cấp đến thứ cấp. Qua đó cũng giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu.

“Năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc và nhà đầu tư cần nắm bắt cơ hội”- Ảnh 3.

Ngày 19/7/2023, chính thức vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

PV: Việc chúng ta tiếp tục lỡ hẹn với hệ thống giao dịch KRX có ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý nhà đầu tư cũng như diễn biến của thị trường chứng khoán, thưa ông?

Ông Trần Đức Anh: Cuối năm 2023 trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ hay kênh đầu tư vàng có mức tăng mạnh thì thị trường chứng khoán Việt Nam dù được đặt nhiều kỳ vọng nhưng lại không có mức tăng tương ứng, mặc cho hàng loạt những thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô như lạm phát được kiểm soát tốt, lãi suất giảm mạnh…

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc hệ thống giao dịch KRX trễ hẹn và không "golive" được vào tháng 12/2023 như kỳ vọng sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng và đây chỉ là yếu tố tác động có tính chất ngắn hạn về mặt tâm lý vì hệ thống giao dịch này đã được chúng ta chuẩn bị rốt ráo trong một khoảng thời gian dài và đang đi tới những bước cuối cùng.

Có thể thấy, câu chuyện hệ thống KRX đang nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường và đây cũng được cho là một trong những động lực tăng trưởng của toàn thị trường và hướng tới quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách của các nhà quản lý và yếu tố công nghệ.

Do vậy, hy vọng rằng trong quý I/2024 chúng ta sẽ được chứng kiến sự ra mắt của hệ thống giao dịch KRX sau khoảng thời gian dài chờ đợi.

PV: Vậy đâu là nhóm ngành có tốc độ tăng giá tốt nhất và ngược lại, nhóm nào có mức độ giảm sâu trong năm 2023?

Ông Trần Đức Anh: Nếu đánh giá dựa trên những nhóm ngành có vốn hóa lớn thì nhóm ngành có tốc độ tăng tích cực nhất là chứng khoán vì nhóm ngành này được hưởng lợi từ câu chuyện lãi suất giảm sâu.

Ngược lại thì nhóm có diễn biến khá tiêu cực đến từ nhóm doanh nghiệp bán lẻ. Như chúng ta đã biết, năm 2023 là một năm kinh tế tương đối khó khăn, hoạt động tiêu dùng suy yếu chính vì vậy đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp bán lẻ. Có thể thấy, đây là hai nhóm ngành thể hiện rõ sự tương phản trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

PV: Theo ông, việc giá vàng biến động bất thường và đang neo ở mức cao thì có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán hay không?

Ông Trần Đức Anh: Nếu xét dựa trên những thống kê trong quá khứ thì mối liên hệ giữa giá vàng trong nước và thị trường chứng khoán không quá rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay, khi vàng có biến động quá mạnh sẽ tạo nên những cơn sốt hút mạnh dòng tiền của người dân đổ vào kênh đầu tư vàng thì ít nhiều cũng có sự biến động nhất định đối với thị trường chứng khoán.

Nhưng chúng ta thấy rằng mức tăng của giá vàng cũng chỉ kéo dài trong vài ngày và mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Điều này cho thấy sự hấp dẫn của vàng không duy trì được lâu và đây không phải yếu tố tiềm năng có thể khiến cho thị trường chứng khoán có sự điều chỉnh mạnh.

TTCK Việt Nam đang bước vào một chu kỳ tăng giá mới, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư

PV: Thị trường bất động sản có liên quan mật thiết đến thị trường chứng khoán, tuy nhiên thời gian qua thị trường bất động sản trầm lắng và dự báo sẽ còn trầm lắng kéo dài. Ông có đánh giá và dự báo như thế nào đối với nhóm cổ phiếu bất động sản trong năm 2024?

Ông Trần Đức Anh: Nhìn lại thị trường năm 2023, chúng ta có thể thấy nhóm ngành bất động sản là một trong những nhóm ngành có diễn biến khá tiêu cực so với thị trường chung. Năm 2023, thị trường bất động sản không có sự hồi phục tích cực như kỳ vọng bất chấp mặt bằng lãi suất đã giảm sâu cùng hàng loạt các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Sang tới năm 2024, các yếu tố hỗ trợ như trên sẽ tiếp tục được duy trì khi lãi suất huy động ở mức thấp và lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm 1% do lãi suất cho vay có độ trễ, cùng với đó Chính phủ cũng sẽ tiếp tục tháo gỡ các nút thắt gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.

Vì vậy, tôi cho rằng thị trường bất động sản năm 2024 sẽ ấm hơn, nhưng mức tăng trưởng sẽ không mạnh mẽ do vẫn còn tồn tại những yếu tố rủi ro như:

Thứ nhất là liên quan đến tâm lý của thị trường. Ở thời điểm hiện tại, sau những khủng hoảng cuối năm 2022 thì tâm lý của nhà đầu tư bất động sản vẫn chưa thể hồi phục được ngay và cần thêm một khoảng thời gian nữa.

Thứ hai là nợ xấu của ngân hàng đang có xu hướng tăng mạnh vì vậy bản thân các ngân hàng cũng có sự thận trọng nhất định trong hoạt động cho vay, đặc biệt là cho vay đối với các dự án bất động sản có tính rủi ro cao.

“Năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc và nhà đầu tư cần nắm bắt cơ hội”- Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Vietnamnet

PV: Vậy còn những nhóm cổ phiếu nổi bật khác trên thị trường như chứng khoán, ngân hàng… sẽ có diễn biến như thế nào trong năm mới, thưa ông?

Ông Trần Đức Anh: Đối với các nhóm cổ phiếu nổi bật thì chúng ta có thể nhìn nhận cổ phiếu ngành chứng khoán mặc dù có mức tăng rất mạnh trong năm 2023 nhưng chưa phản ánh hết những yếu tố kỳ vọng cũng như câu chuyện kinh doanh thuận lợi của ngành chứng khoán ở thời điểm hiện tại. Như chúng ta đã biết, lãi suất giảm sâu, câu chuyện triển khai hệ thống giao dịch KRX kết hợp cùng câu chuyện nâng hạng thị trường trong trung hạn thì cổ phiếu ngành chứng khoán tiếp tục có dư địa để bứt phá trong năm 2024.

Đối với nhóm ngành ngân hàng, có hai điểm chúng ta cần phải quan sát thận trọng, bao gồm Nợ xấu và tỷ lệ NIM. Hiện nhóm ngân hàng đối mặt với khả năng lợi nhuận tăng trưởng chậm do tăng trưởng tín dụng chậm kéo dài từ 2023 và nguy cơ nợ xấu tăng lên. Nếu nợ xấu bắt đầu có xu hướng giảm trong năm 2024 kết hợp với kỳ vọng tỷ lệ NIM giảm thì chúng ta sẽ có cơ hội chứng kiến cổ phiếu ngành ngân hàng bứt phá. Bên cạnh đó cũng phụ thuộc vào tình hình của nền kinh tế có hồi phục đủ nhanh hay không.

PV: Hiện mặt bằng lãi suất ngân hàng đang thấp khi nằm ở mức 3%. Vậy theo chuyên gia, người dân có nên rút tiền để đầu tư sang kênh chứng khoán hay không? Và trong thời gian tới câu chuyện người dân rút tiền gửi ngân hàng sang đầu tư chứng khoán có thực sự xảy ra?

Ông Trần Đức Anh: Tôi cho rằng sẽ không có một câu trả lời chính xác và cụ thể nào cho việc người dân có nên rút tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán hay không vì còn tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro, mức độ chấp nhận mạo hiểm hay mục tiêu tài chính của mỗi nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong một tỷ lệ nhất định thì nhà đầu tư nên phân bổ một phần tiền vào kênh chứng khoán vì mức lãi suất huy động hiện đang rất thấp, thậm chí thấp hơn cả thời điểm đại dịch Covid-19. Do vậy, có thể đánh giá rằng, trong trung và dài hạn kênh đầu tư cổ phiếu còn nhiều triển vọng. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi nhất định so với mức tăng trưởng của năm 2023.

Sau cùng, sẽ không xảy ra câu chuyện người dân ồ ạt rút tiền gửi ngân hàng để đầu tư sang kênh chứng khoán. Nhưng sẽ có sự chuyển dịch dần dần và chúng ta sẽ được chứng kiến sự cải thiện tích cực của thanh khoản trên thị trường chứng khoán.

Trên thực tế, một vài quý trở lại đây thanh khoản của thị trường này đã có sự hồi phục từ mức đáy của quý IV/2022 sang mức tăng trưởng nhẹ ở thời điểm quý I, II, III/2023 và đến quý IV/2023 thì thị trường lại ghi nhận diễn biến phức tạp nên thanh khoản lại giảm.

Dù vậy, nhìn chung trong năm mới 2024, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, để thanh khoản có thể bùng nổ, tăng trưởng một cách đột biến như giai đoạn 2020 - 2021 thì khó có thể xảy ra.

PV: Như vậy, có thể coi thị trường chứng khoán năm 2023 là khoảng lặng để tạo lực tăng tiếp và tạo sự hấp dẫn cho cổ phiếu để thu hút dòng tiền trở lại. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần lưu ý và chuẩn bị điều gì cho một năm mới tươi sáng thưa ông?

Ông Trần Đức Anh: Nếu câu chuyện của năm 2023 thị trường chứng khoán không thể bứt phá được do tăng trưởng kinh tế yếu, các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả thì sang tới năm 2024, chúng ta có thể kỳ vọng với sự khởi sắc của nền kinh tế vĩ mô nhìn từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thì các doanh nghiệp niêm yết sẽ đạt được mức tăng trưởng cao. Trong đó, mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp sẽ đạt từ 15 - 20%.

Do đó, trong năm 2024, các nhà đầu tư nên tập trung chú ý vào các mã cổ phiếu có dư địa tăng trưởng cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được cho là đang vào một chu kỳ tăng giá mới, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. 

Ở thời điểm hiện tại, về mặt định giá P/E của thị trường cũng đang ở mức phù hợp quan mức 15 lần thì động lực tăng trưởng của thị trường sẽ đến từ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết và thị trường chứng khoán nói chung cũng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Mức tăng kỳ vọng từ 15 - 20% như tôi đã nói ở trên cũng là mức tăng kỳ vọng của chỉ số VN-Index và thị trường sẽ giao động trong khoảng 1.300 điểm.

Thời gian tới, thị trường hoàn toàn có thể có nhịp điều chỉnh mới trên cơ sở lãi suất thấp. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ không gặp quá nhiều rủi ro nếu lựa chọn đầu tư chứng khoán trong trung và dài hạn. Nhìn chung, 2024 sẽ là năm thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư hơn năm 2023./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top