Mục tiêu phát triển TTCK
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 là phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập.
Nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế. Duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng. Phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững.
Chiến lược đặt mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030.
Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025. Đến năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.
Giải pháp trọng tâm: Tăng cường năng lực giám sát
Một trong những giải pháp của Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 là tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Cụ thể, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan giám sát, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực chứng khoán, đảm bảo đủ năng lực thực thi pháp luật.
Xây dựng hệ thống giám sát kết nối giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các thành viên thị trường.
Áp dụng phương thức giám sát dựa trên rủi ro, xây dựng hệ thống các chỉ số cảnh báo sớm, đảm bảo giám sát hiệu quả, toàn diện, hiện đại, tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Tăng cường triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vụ việc có ảnh hưởng lớn tới TTCK, tăng cường giám sát liên thông giữa các cấu phần của TTCK.
Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Tăng cường năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo TTCK vận hành ổn định, trật tự, an toàn và minh bạch, hướng tới áp dụng hệ thống quản lý, giám sát thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động lưu trữ, thống kê, phân tích dữ liệu, dự báo và giám sát TTCK.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để tuyên truyền, giám sát thực thi các quy định pháp luật, giám sát liên ngành nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác quản lý và giám sát thị trường.
Đa dạng cơ sở hàng hóa
Một giải pháp quan trọng là tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung.
Cụ thể, đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường, trong đó, về phát triển thị trường cổ phiếu, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết trên TTCK.
Về phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng mục tiêu huy động vốn của cơ quan phát hành và phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư.
Về phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết. Khuyến khích các doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn.
Phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm thúc đẩy huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng. Vận hành thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, tính minh bạch của thị trường.
Về phát triển thị trường trái phiếu xanh, khuyến khích việc phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh nhằm tạo thêm kênh huy động vốn cho ngân sách, cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Chiến lược cũng nhấn mạnh nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa, trong đó, thực hiện sắp xếp, phân loại cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam dựa trên quy mô, chất lượng đồng thời nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cố phiếu.
Tăng cường kiểm tra việc tuân thủ công bố thông tin báo cáo tài chính. Tiếp cận thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam đối với các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán. Áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) góp phần nâng cao tính minh bạch và tăng hiệu quả cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư.
Nâng cao chất lượng công bố thông tin của công ty đại chúng. Nâng cao chất lượng báo cáo thường niên của công ty đại chúng, hướng tới yếu tố phát triển bền vững dựa trên áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (tiêu chuẩn ESG) theo thông lệ quốc tế.
Tăng cường vai trò và trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiến tới yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm, hình thành thói quen và thông lệ sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Nghiên cứu về tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu, tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững.
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 30/11/2023, mức vốn hóa thị trường đạt 5.754 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2022, tương đương 60,5% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch (ĐKGD) của thị trường tính đến cuối tháng 11/2023 đạt 2.092 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2022 với 742 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và 859 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM.
Trong năm 2023, TTCK tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng số tài khoản chứng khoán tăng 355.672 tài khoản so với cuối năm 2022, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên hơn 7,25 triệu tài khoản, tương đương 7,3% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Với tốc độ phát triển của thị trường, đi cùng là các giải pháp cụ thể nhằm quyết tâm nâng hạng TTCK, bao gồm cả việc kết nối, làm sạch dữ liệu, đóng các tài khoản "rác", các chuyên gia đánh giá số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi và thậm chí có khả năng vượt sớm hơn.
Trước đó, trong một hội thảo bàn về các giải pháp nâng hạng TTCK, các chuyên gia đánh giá, hiện vấn đề "nút thắt" của nâng hạng thị trường đang đặt vào một số vấn đề kỹ thuật cần xử lý, đòi hỏi sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, trong đó nổi lên là: Vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp (DN) niêm yết cũng là đòi hỏi bức thiết nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường.
Theo đánh giá của tổ chức xếp hạng FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí nâng hạng, còn theo MSCI thì mới đáp ứng được 8 trên 17 tiêu chí. Hiện Việt Nam vẫn được xếp hạng ở vị trí thị trường cận biên. Các kỳ đánh giá tiếp theo của FTSE là vào tháng 3 và tháng 9 năm sau. Điều đó có nghĩa là để nâng hạng trước 2025 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 1 năm để có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng. UBCKNN cũng chia sẻ trong các buổi làm việc, các tổ chức xếp hạng đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình cải thiện thị trường nhằm đáp ứng các tiêu chí xếp hạng.
Bên cạnh đó, vấn đề về nâng cấp công nghệ tuy được cho không quyết định với câu chuyện nâng hạng nhưng cũng đang được cho là ý nghĩa thúc đẩy sớm tiến trình thu hút nhà đầu tư và hỗ trợ đa dạng hóa cơ sở hàng hóa trên thị trường.