Aa

Năm Tuất và món Chó

Thứ Bảy, 14/07/2018 - 06:00

Người quê tôi vẫn như bao người vùng đất khác trên đất nước này, họ vẫn ăn thịt cá. Có điều, họ kiêng một số loài cá, và không ăn nó. Cá chép, người dân quê tôi không ăn, họ kiêng. Thịt trâu, họ không ăn, vì kiêng. Thịt chó, gần như dân quê tôi không có khái niệm về loại thịt này, có lẽ, vì không bao giờ người dân nơi đây (tất nhiên là thủa tôi chứng kiến khi vừa lớn lên) nghĩ đến chuyện này. Cũng như, ai lại có ý nghĩ về thịt người. Vì ai ăn thịt người bao giờ mà nghĩ đến.

Nay năm Tuất, tôi muốn ghi lời này với ước muốn lời lan tỏa sâu rộng vào xã hội, để bớt đi, dù là một chú Tuất (chó) không phải chết.

Tôi sinh ra trước năm 1975. Trong khoảng thời gian từ năm Mậu Thân đến năm Ất Mão, người từ bên này bờ Nam sông Thạch Hãn có hai cuộc chạy loạn lớn, mà người dân quê tôi gọi bằng cái tên "chạy giặc".

Năm 1979 tôi rời vùng quê Hải Vĩnh. Có lẽ, còn kéo dài khá nhiều năm sau này nữa, nhưng khoảng thời gian đó là còn nguyên vẹn vẻ đẹp ở quê tôi mà tôi biết được. Đó là việc người dân quê tôi không có ý niệm về việc ăn thịt chó. Tất nhiên, còn có một số loài nữa, mà trước ngày mảnh đất này được giải phóng, họ dần "giải phóng" luôn cả cái chuyện kiêng cữ, một nét đẹp lâu đời nơi quê tôi.

Người quê tôi vẫn như bao người vùng đất khác trên đất nước này, họ vẫn ăn thịt cá. Có điều, họ kiêng một số loài cá, và không ăn nó. Cá chép, người dân quê tôi không ăn, họ kiêng. Thịt trâu, họ không ăn, vì kiêng. Thịt chó, gần như dân quê tôi không có khái niệm về loại thịt này, có lẽ, vì không bao giờ người dân nơi đây (tất nhiên là thủa tôi chứng kiến khi vừa lớn lên) nghĩ đến chuyện này. Cũng như, ai lại có ý nghĩ về thịt người. Vì ai ăn thịt người bao giờ mà nghĩ đến.

Nhiều loại thịt nữa, dân quê tôi do "kiêng" nên không ăn. Đó là một đạo lý mà dân quê tôi tin "có kiêng có lành".

Tôi được sinh ra và lớn lên, thật may mắn, là ở giữa một mãnh đất còn thuần Việt như vậy. Người dân quê thủa ấy thật thuần hậu. Họ mộc mạc, chân thành và giản dị sống với nhau từ thái độ, trọng nếp sống hiền lương.

Hơn cả, là họ luôn ý thức mình có đạo, có đức tin.

Có một chuyện, tôi chứng kiến ở gia đình tôi, đó là một hôm mẹ tôi đi chợ Diên Sanh về, có một chú chó chạy theo bà về nhà tôi. Không biết chó của ai, nó về nhà tôi và ở lại, nên nhà cho nó ăn.

Ngày qua ngày, không thấy nó bỏ đi, tìm về nhà chủ nó. Từ đó, nó ở lại nhà tôi.

Ai cũng ấn tượng chú chó này, nó khôn lắm. Những hôm thấy trời vừa sáng, màn chưa mở, cả nhà đang ngủ trong màn, là nó đến cào cào vào giường. Nó làm đủ cách cho đến khi mọi người dậy, lên tiếng và mở màn, nó mới thôi.

Nó ở vậy cho đến một ngày, một ngày tai họa ập xuống quê tôi.

Đó là ngày cả nhà tôi đều gồng gánh "chạy giặc". Nó là thành viên nhanh nhẹn nhất, chu đáo và khéo léo. Tôi ngồi trên thúng của đôi quang gánh của mẹ gánh, cảnh rừng người bồng bế nhau chạy loạn...

Nó chạy trước, tung tăng, chạy xa quá, nó chạy trở lại, nó đến chạy theo quanh đôi quang gánh mẹ gánh tôi. Nó biết, tôi nghĩ vậy, nên chạy như để động viên cho quãng đường đầy tang tốc chết chóc này. Dân quê tôi đều chạy theo đường sát biển để vào cửa Thuận An, Huế. Từ đó tìm cách xuống gọ thuê để vào Đà Nẵng.

Cả nhà tôi vào đến cửa biển Thuận An, là mọi người đi tìm thuê gọ. (Quê tôi gọi thuyền nhỏ là ghe, và thuyền lớn là gọ). Cái khó nhất đã làm chậm việc di chuyển bằng gọ sớm vào Đà Nẵng của gia đình tôi là việc họ không cho nhà tôi đem chó đi theo.

Sau khi phải quyết định, vì không thể chần chừ, do có nhiều gia đình cùng thuê một chiếc gọ. Giải pháp cuối cùng ba tôi tìm ra, là nhờ một người cùng quê, đang làm lính ở đó, giúp đỡ ba mẹ tôi trông coi chú chó.

Mọi người vào gọ, nó thấy cả nhà tôi vào hết, gọ được chèo ra dần ở phần nước sâu hơn kẻo mắc kẹt, nó cứ bơi theo. Ba mẹ tôi quặn hết ruột gan, mấy anh em tôi khóc thét lên, nhoài về phía nó.

Nó biết, chúng tôi yêu nó. Nó, từ lâu là một thành viên yêu quý không thể thiếu trong niềm vui của gia đình tôi, nhưng, nhưng... như bất lực đến tuyệt vọng...

Trước khi vào gọ, ba mẹ tôi đã vỗ về nó, dặn nó, nói với nó là đã gởi lại cho một người quen thân cùng làng, và nhất định sớm trở lại đón nó. Nó hiểu, nhưng, linh tính của nó, cho nó biết, bất hạnh đang đến rất gần nó, chuẩn bị giáng xuống cuộc đời nó.

Đúng vậy, về sau ba tôi tìm cách liên lạc được thì họ báo con chó bị chết. Ba tôi đã tìm cách dò hỏi, ông biết, người ông nhờ đã dùng nó trao đổi cho một việc lợi lộc khác. Nó đã đón nhận một bất hạnh lớn.

Nhiều năm sau này, ba mẹ tôi vẫn nhắc tên người bội bạc đó về việc bán đúng con chó nhà tôi. Quả thật, đó là một người không đáng tin. Gia đình tôi như mất đi một thành viên, nên nhiều năm tháng về sau, không sao quên được nó. Tiếc thương và tội nghiệp nó trong những ngày cả người và chó đều chịu thiệt thòi giữa buổi tao loạn.

Chuyện thứ hai, là về một đôi chó, khi tôi lên chùa ở. Hai chú chó luôn quấn quýt bên Thầy tôi. Tô và Nô là tên hai chú chó ở chùa cùng tôi.

Nó đến chùa trước tôi. Ngày tôi lên chùa đã có hai chú rồi. Ai đến chùa từ bắt đầu thời điểm 1975, cũng biết đôi chó này. Biết, một phần là vì nó quá khôn ngoan.

Thầy tôi tuyệt đối không cho phép vứt thức ăn ra nhà cho nó ăn. Riết rồi quen, thành một tính cách, thức ăn cho nó, vứt ra đất là không bao giờ nó ăn. Muốn nó ăn, thức ăn phải để vào chiếc bát riêng của nó. Bát ăn lâu, không còn sạch là nó không ăn ở bát đó.

Khách đến chùa, phải đứng yên cho nó kiểm tra, xong, nó mới cho tới gần bắt tay Thầy.

Con Tô, ngày nó mất, trước lúc mất nó không ăn nhiều ngày. Thầy tôi tưởng nó bệnh. Sợ nếu nhỡ nó dại thì nguy hiểm, nên mọi người cứ tránh nó. Thương quá, nhưng vì cảnh báo của mọi người, thầy tôi cũng thận trọng. Nó ở ngoài vườn mấy hôm không vào nhà, cứ loanh quanh khu vườn quanh chùa.

Hôm cuối cùng, nó mệt nhọc lần đi vào nhà, mắt lờ đờ nhìn chăm chăm từng người. Nhìn vậy, ai cũng lo nó dại. Rồi, khi nó tìm đến dưới gốc cây, nằm xuống trong khó khăn mệt nhọc. Thương quá, thầy tôi đến bên nó, khi đó, nó mới từ từ... trút hơi thở.

Tôi thương quá, tìm cách đến gần, ai cũng can ngăn. Linh cảm của con trẻ, lúc đó tôi không sợ chút nào, và nghĩ là nó bệnh. Nhưng tôi nói không ai nghe, và cứ bảo là nó dại. Nó biết sắp mất, nên gắng vào nhà tìm đến nhìn từng người mà nó sống và yêu thương gần gũi bao năm trời.

Tôi nhớ và không quên được ánh mắt nó nhìn lúc sắp mất. Cái ánh mắt lạ lùng, nó sâu thẳm, sự sâu thẳm chỉ có được tạo ra bởi tình thương - tình thân đã có khi ăn ở lâu ngày gắn bó với nhau khi sống.

Ai cũng hối hận. Té ra nó sắp mất. Không phải dại.

Thầy tôi cẩn thận trì chú, niệm Phật và liệm rồi chôn nó dưới gốc cây vả gốc sát sau nhà Hậu tổ. Tôi nhỏ nên cứ thắc mắc với Thầy, là nó có được siêu thoát không? Nó có về được Tây phương không Thầy? Thầy tôi bảo có.

Mất nó, Thầy xem như mất đi một người đệ tử, một người thân làm bạn luôn gần gũi bên cạnh Thầy.

Rồi...

Một hôm, tình cờ đến một nhà ở Nho Quan, tôi nghe họ nhắc đến món thịt chó với vẻ tự hào, vì, họ được một lời mời đến nhà ăn thịt chó.

Nhớ là lúc đó tôi rất bàng hoàng, tôi rùng mình ái ngại trước người đang đối diện với tôi, và... khoảng cách có mặt.

Rồi, biển cầy tơ 7 món, đặc sản thịt chó, văn hóa ẩm thực... thịt chó,... đập vào mắt tôi xa lạ và ngỡ ngàng khó hiểu khi tôi đi lại trên đất Bắc những ngày tháng buổi đầu ra đó.

Rồi... người ta thành nghề trộm chó

Rồi... người ta giết người đi bắt chó

Rồi... các nước lân cận lên án chuyện người Việt bắt chó ở nước họ... Cơ man nào những những chuyện chó chết vì người, người chết vì... bắt chó.

Rồi... người ta lan truyền chuyện quả báo do giết chó, là có thật.
Rồi... đến lượt ở quê tôi, giờ đã có một số người "biết" ăn thịt chó.

Rồi... năm Tuất, năm chó về, người người tin vào Năm Chó. Họ tin, năm Tuất, có chú chó vàng vững bước để đổi phận vào tương lai.

Rồi thế đó, người Việt không còn thuần lương khi tay vướng máu chó và miệng tanh mùi thịt chó.

Tôi không tin vào những người ăn thịt chó. Tôi hơi lo khi chơi với họ.

Tết Con Chó, Năm Tuất, mong người Việt hãy sống thuần Việt cho một cuộc đời có đạo, có đức tin thuần tịnh!

Năm Tuất, bạn nhận được thông điệp gì, khi bạn không nghĩ đến loài chó đang chết với bao nhục nhã và tang thương vì bắt chó, giết chó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top