Aa

Não trạng trọc phú

Thứ Ba, 18/05/2021 - 07:00

Não trạng trọc phú trong ứng xử của những người giàu, theo tôi cần phải bị tẩy chay, trước hết vì sự bảo toàn những giá trị nhân nghĩa truyền thống.

Đang có nhiều chỉ trích về màn “thả thính” đầy mùi trọc phú, tại một Game Show khởi nghiệp, trong đó đa phần dư luận phê phán nhà tài phiệt đã ỷ vào vị thế mạnh về tiền của mình để “tán tỉnh” không phù hợp (cả về không gian và hoàn cảnh thực tế) với một phụ nữ. 

Tôi không xem chương trình đó tận mắt, nên sẽ không đưa ra bình luận.

Nhưng hiện tượng nhiều người có tiền đang tự biến mình thành trọc phú, thậm chí thích thú với điều đó, là có thật.

Một ông bà nào đó có bệnh phải vào điều trị và họ đòi được một mình một phòng, không chung đụng với bất cứ ai, bất chấp bệnh viện không đủ giường cho các bệnh nhân khác. Họ vào quán đòi bao tất, không cho chủ nhận thêm khách. Thậm chí đã có trường hợp một người cậy mình giàu không thèm đi chung cầu thang máy với bất cứ ai. 

Những trường hợp trên có thể không phổ biến. Nhưng chuyện quát mắng nhân viên phục vụ, ném tiền “boa” vào ngực người khác, sẵn sàng dùng tiền để đe dọa ai đó muốn kiện tụng sự sai trái của mình… thì nhiều không kể xiết, bắt gặp ở bất cứ đâu, thậm chí đã đến mức là “những chuyện thường ngày”.

Xã hội đang phân tầng mạnh mẽ, kéo khoảng cách giàu nghèo ngày một xa, là thực tế mà chúng ta phải chấp nhận trong nền kinh tế thị trường. Mỗi người, ở vị thế của mình, phải tự điều chỉnh để thích nghi với thực tế đó. Sự lành mạnh về ứng xử trong trường hợp này đồng nghĩa với việc cần phải biết “chung sống” một cách hài hòa. Người giàu (tất nhiên phải là giầu chính đáng) thì khiêm nhường, tôn trọng cộng đồng, tránh làm tổn thương những người kém may mắn hơn mình bằng tiền bạc. Ngược lại, người nghèo thì không vì nghèo mà ganh ghét, đố kị với những người giầu có. 

Nhưng não trạng trọc phú trong ứng xử của những người giàu, theo tôi cần phải bị tẩy chay, trước hết vì sự bảo toàn những giá trị nhân nghĩa truyền thống. Để một ai đó thành giàu có, ngoài nỗ lực của bản thân ông bà ta, không thể thiếu sự hỗ trợ, hy sinh của cả cộng đồng. Tôi mong những người giàu có về tiền bạc luôn suy nghĩ về điều này, khi đưa ra bất cứ ứng xử nào. Không ai trên đời này có thể sống một mình. Làm giàu một mình lại càng không. Hạnh phúc một mình thì tuyệt đối không. Ngay cả chết một mình cũng luôn là điều đáng sợ!

Giờ chúng ta hãy cùng nhau truy tận nguồn gốc của hai chữ “trọc phú”. Nó là một từ ghép. Và đây, từ điển Đào Duy Anh, Minh Tân xuất bản năm 1950, trang 497, giải thích như sau về “trọc phú”: (Đó là hạng) người giàu mà tính khí đê tiện.

Xem ra so với lời giải thích này, thì quan niệm về trọc phú bất lâu nay của dân gian còn “rộng lượng” hơn nhiều, thoáng hơn nhiều. Ngay bản thân tôi cũng chỉ nghĩ “trọc phú” là người có tiền, giàu về của cải vật chất, nhưng văn hóa ứng xử không tương xứng với vị thế giàu có của mình. 

Có lẽ chính vì sự “nương nhẹ” ấy của xã hội, mà những người bị gán cho là trọc phú quá lắm chỉ thấy bực tức, chứ không đến mức cảm thấy “nhục”. Thậm chí nhiều người còn chả coi sự quy kết ấy là cái đinh gì! “Tao có tiền, nên tao có quyền”-Không ít người giàu ngang nhiên nghĩ, thể hiện ứng xử với xung quanh, bằng cái tâm lý bệnh hoạn ấy. 

Giá mà họ chịu bỏ ra chút thời gian để làm cái công việc tra từ điển ở trên rồi lần tìm tiếp xem cụ Đào Duy Anh giải thích thế nào về từ “đê tiện”. Và đây, tại trang 262, sách vừa dẫn, từ “đê tiện” được ghi bên cạnh là: “Đê mạt hạ tiện”. 

Hóa ra trọc phú là “Đê mạt hạ tiện”. Là hèn mọn, thấp kém, tầm thường… Toàn những phẩm chất dưới mức con người./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top